1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Lính Israel "đổ bộ" lên tàu viện trợ Gaza, 9 người thiệt mạng

(Dân trí) - Lính đặc công Israel hôm nay đã đổ bộ lên 6 tàu chở hàng cùng hàng trăm nhà hoạt động ủng hộ Palestine đang thực hiện sứ mệnh nhân đạo tới Dải Gaza, gây ra các cuộc đụng độ ác liệt khiến 9 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương.

 
Lính Israel "đổ bộ" lên tàu viện trợ Gaza, 9 người thiệt mạng - 1
Hình ảnh từ video chiếu trên truyền hình Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy các đặc công Israel trên tàu viện trợ của Thổ Nhĩ Kỳ.
 
Vụ việc xảy ra vào sáng sớm nay, 31/5, tại vùng biển quốc tế cách Dải Gaza hơn 60km. Đội tàu viện trợ gồm 6 chiếc (3 tàu chở hàng và 3 tàu chở khách), dẫn đầu là tàu của Thổ Nhĩ Kỳ, đang chở 10.000 tấn hàng cứu trợ và khoảng 700 nhà hoạt động nhằm cố gắng phá vỡ lệnh phong toả kéo dài của Israel đối với Dải Gaza, nơi sinh sống của khoảng 1,5 triệu người Palestine.
 
Lính Israel "đổ bộ" lên tàu viện trợ Gaza, 9 người thiệt mạng - 2
Trực thăng Israel bay trên đầu tàu Thổ Nhĩ Kỳ.
 
Kênh truyền hình vệ tinh al-Jazeera đưa tin từ tàu Thổ Nhĩ Kỳ cho hay các lực lượng hải quân Israel đã nổ súng và đổ bộ lên tàu, khiến thuyền trưởng bị thương. Kênh NTV của Thổ Nhĩ Kỳ cũng đưa tin về một vụ tấn công của Israel trong đó súng đã được sử dụng. Ngoại trưởng Thỗ Nhĩ Kỳ, trích dẫn các nguồn tin ban đầu, cho hay ít nhất 2 người đã thiệt mạng và hơn 30 người khác bị thương.
 
Lính Israel "đổ bộ" lên tàu viện trợ Gaza, 9 người thiệt mạng - 3
Một nhà hoạt động trên tàu Thổ Nhĩ Kỳ bị thương.
 
Quân đội Israel cho biết 9 nhà hoạt động ủng hộ Palestine đã thiệt mạng sau khi họ tấn công các đặc công hải quân Israel đang ngăn chặn đội tàu cứu trợ tiến về Dải Gaza. Phía Israel nói chính các nhà hoạt động đã dùng dao và gậy sắt tấn công các lực lượng Israel khi họ đổ bộ lên tàu. Cũng theo nguồn tin từ phía Israel, các nhà hoạt động và 15 binh sĩ Israel nằm trong số những người bị thương.

“Những người trên tàu đối xử rất bạo lực đối với các binh sĩ”, phát ngôn viên quân đội Israel, Thiếu tá Avital Leibovich nói.

Một trang web của Thổ Nhĩ Kỳ đã quay cảnh hỗn loại xảy ra trên một con tàu, với các nhà hoạt động mặc áo phao cứu hộ màu vàng đang cố gắng trợ giúp một nhà hoạt động bị ngất. Trang này cũng quay cảnh một trực thăng của Israel bay bên trên tàu viện trợ và các tàu chiến của Israel ở gần đó.

“Những người man rợ này đang giết mọi người ở đây, làm ơn hãy trợ giúp”, một phóng viên truyền hình Thổ Nhĩ Kỳ nói. Đoạn phim của al-Jazeera kết thúc với một giọng nói bằng tiếng Do Thái: “Mọi người hãy ngậm miệng lại”.

Hiện chưa có thông tin chi tiết về danh tính của những người bị thương vong cũng như tình trạng của một số nhân vật nổi tiếng trên tàu, trong đó có một người đoạt giải Nobel Hoà bình và một người cao tuổi từng sống sót trong nạn tàn sát người Do Thái.

Điện thoại vệ tinh trên các tàu đã đã bị ngừng và việc liên lạc với một nhóm nhỏ phóng viên trên các tàu đã bị chặn. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, nước hỗ trợ không chính thức sứ mệnh cứu trợ tới Gaza, thông tin về vụ tấn công đã gây ra các cuộc biểu tình bạo lực.

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ lên án vụ tấn công của Israel và cho biết đã triệu tập đại sứ Israel để yêu cầu một lời giải thích ngay tức thì. Thổ Nhĩ Kỳ cho hay Isarel đã vi phạm luật pháp quốc tế và sẽ phải gánh chịu hậu quả.

Người đứng phong trào Hamas tại dải Gaza, ông Ismail Haniyeh, đã lên án cuộc tấn công “tàn bạo” của Israel.
 
Lính Israel "đổ bộ" lên tàu viện trợ Gaza, 9 người thiệt mạng - 4
Người Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ Palestine biểu tình phản đối Israel tại lối vào nhà đại sứ Israel ở Ankara.
 
Các vụ đụng độ bạo lực đe doạ làm tổn hại tới hình ảnh của Israel trên trường quốc tế, vốn đã bị ảnh hưởng bởi các cáo buộc phạm tội ác chiến tranh tại Gaza và lệnh phong toả kéo dài 3 năm đối với Gaza - vùng lãnh thổ nghèo của Palestine.

Đây là lần thứ 9 Phong trào Giải phóng Gaza, một tổ chức quốc tế bao gồm các nhà hoạt động ủng hộ Palestine, cố gắng đưa hàng cứu trợ nhân đạo tới Gaza kể từ tháng 8/2008. Israel đã 5 lần cho các tàu đi qua nhưng chặn không cho các tàu vào vùng biển Gaza kể từ chiến dịch quân sự kéo dài 3 tuần nhằm vào dải Gaza hồi tháng 1/2009. Đội tàu mới nhất là đội tàu cứu trợ lớn nhất tới Gaza cho tới nay.

Israel và Ai Cập đã áp đặt lệnh phong toả Gaza sau khi phong trào Hamas giành quyền kiểm soát vùng lãnh thổ bên bờ biển tháng 6/2007. Israel nói các biện pháp này là cần thiết nhằm ngăn chặn Hamas - vốn đã bắn hàng nghìn quả rocket vào Israel - xây dựng kho vũ khí. Nhưng các quan chức Liên Hợp Quốc và các nhóm cứu trợ nhân đạo quốc tế cho rằng lệnh phong toả phản tác dụng vì không thể làm suy yếu Hamas trong khi lại làm phá huỷ nền kinh tế địa phương.
 

An Bình
Theo AP, BBC