1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Lính Đức ở tuyến đầu trong trận Điện Biên Phủ?

(Dân trí) - Ngày 2/5, hãng tin Pháp AFP đưa tin, hơn một ngàn binh sĩ người Đức đã tham gia trận chiến Điện Biên Phủ, dưới lá cờ của lực lượng viễn chinh Pháp.

Lính Đức ở tuyến đầu trong trận Điện Biên Phủ?

Trong cuốn sách “Kẻ thù có ích” (L’ennemi utile) (Nxb Schneider Text), tác giả, nhà sử học trẻ Pierre Thoumelin, nhấn mạnh lính Đức “đã có mặt đông đảo trong trận chiến này, có đơn vị, tới 80% là binh sĩ Đức”. Khoảng 1.200 đến 1.300 người Đức đã tham chiến tại Điện Biên Phủ, trong tổng số hơn 15.000 binh sĩ quân đội Pháp.

Tại Điện Biên Phủ, lực lượng viễn chinh - còn gọi là lính “lê dương”, nằm ở tuyến đầu, trong đó binh sĩ Đức là xương sống của các đơn vị.

Lê dương (Légion étrangère) là đơn vị quân đội chính quy trong lục quân Pháp, bao gồm những người nước ngoài tình nguyện phục vụ trong quân đội Pháp, ra đời từ năm 1831.

Theo hãng tin Pháp đây là một thực tế mà chính quyền Pháp đã giữ im lặng trong một thời gian dài.

Ngoài ra, trong thời gian chiến tranh Đông Dương, tức cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ba nước Đông Dương: Việt Nam, Lào và Campuchia, trong số khoảng 11.000 lính lê dương tử trận, có 3.000 lính Đức.

Lính Đức được tuyển mộ trong các trại tù binh, trong và sau khi Thế chiến II 1945 kết thúc. Việc tuyển mộ đã bắt đầu ngay từ năm 1943, tại các trại tù binh ở Bắc Phi. Điều ít người hình dung được vào lúc đó, chính quyền Pháp đã tuyển mộ được rất nhiều binh sĩ thuộc các quốc gia thua trận. Ngoài người Đức, còn có người Ý, người Áo hay người Hungary. Các cựu quân nhân Đức là các chiến binh dày dạn, có tuổi đời cao hơn tuổi trung bình của đội quân lê dương. Một số người đã tham gia chiến tranh từ năm 1939. Nhiều cựu binh nhảy dù đã được gia nhập bộ khung của các đơn vị đặc nhiệm trong lực lượng viễn chinh Pháp.

Báo Tin tức từng dẫn nguồn từ báo chí Đức cho hay, năm 1945, sau khi nước Đức phát xít thất trận, vô số binh lính và sĩ quan Đức đã trở về nhà trong tâm trạng chán chường, tuyệt vọng vì bại trận, vì nhà cửa, làng mạc thành phố bị phá hủy, nhiều người bị buộc phải rời bỏ quê hương sau khi nước Đức bị chia cắt. Trong khi đó, Pháp ráo riết tuyển mộ lính lê dương để đưa sang Đông Dương nhằm giành lại thuộc địa đã bị mất vào tay người Nhật, sau đó là chống lại Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Vì vậy, người ta ước tính có tới 2/3 số lính lê dương được đưa sang Đông Dương sau Chiến tranh Thế giới thứ II là người Đức, trong đó phần lớn là lính trẻ từng phục vụ trong quân đội Đức Quốc xã.

Tuy nhiên, cũng theo cuốn sách của Pierre Thoumelin, đầu quân vào lính lê dương, còn có “nhiều thanh niên Đức thất nghiệp, trong một đất nước hoang tàn” sau chiến tranh. Báo chí Đức cũng từng cho biết, nhiều người Đức gia nhập đội lính lê dương của Pháp hy vọng sau 5 năm phục vụ họ có thể nhập quốc tịch Pháp và sang Pháp sinh sống.

Theo nhà sử học Pierre Thoumelin, khoảng 10% cựu binh Đức đầu quân vào lính lê dương là thành viên tích cực trong lực lượng SS (của Đức Quốc xã) hay có một quá khứ tội ác.

Chính quyền Pháp có thái độ dè dặt về hồ sơ tuyển mộ các cựu binh của chế độ Đức quốc xã. Tuy nhiên, đảng Cộng sản Pháp – vốn phản đối quyết liệt chiến tranh thực dân – liên tục tố cáo việc lực lượng viễn chinh Pháp là nơi ẩn náu của các phần tử Đức Quốc xã cũ, đặc biệt là tại Điện Biên Phủ.

Có một điều ít người biết là trong số khoảng 70.00 lính lê dương Pháp điều đến Đông Dương, có tới trên 35.000 lính lê dương người Đức đã tham chiến ở cả hai chiến tuyến trong cuộc chiến tranh của Pháp ở Đông Dương.Trong khoảng thời gian từ 1946 tới 1954, gần 1.400 lính lê dương Đức đã chạy sang phía Việt Minh và một số đã tham gia vào các hoạt động gọi hàng các chiến binh trong quân đội Pháp.

Theo AFP, Tin tức