1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Liệu Mỹ có dùng biện pháp quân sự để giải quyết dứt điểm vấn đề Syria?

Phía Mỹ vừa bất ngờ dọa cắt đứt liên lạc ngoại giao về Syria với Nga và bắn tin sẽ dùng giải pháp mạnh - bao gồm cả quân sự - để xử lý vấn đề Syria.

Máy bay cường kích Su-25 của Nga khạc lửa. Ảnh: Business Insider.
Máy bay cường kích Su-25 của Nga "khạc lửa". Ảnh: Business Insider.

Nga, Mỹ lại căng thẳng ở Syria

Thời gian vừa qua dư luận lo ngại diễn biến xấu đi ở Syria và khả năng Nga - Mỹ đụng độ trên chiến trường này.

Bất chấp thái độ của Nga muốn hợp tác, Mỹ hôm 28/9 đã dọa cắt đứt kênh ngoại giao với Nga trong vấn đề Syria (trong đó có các hội đàm về khả năng thiết lập quan hệ đối tác chống lại chủ nghĩa cực đoan) nếu Nga không chấm dứt được cuộc tấn công cả trên không và trên bộ nhằm vào lực lượng phiến quân ở thành phố Aleppo của Syria.

Đây là một cảnh báo mạnh rất đáng lưu ý.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm 28/9 điện đàm với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, tố cáo Nga dùng bom cháy và bom phá boong-ke để tấn công các vị trí của phiến quân Syria. Phía Mỹ cáo buộc Nga cố tình tấn công các cơ sở y tế.

Lệnh ngừng bắn mong manh tại Syria do Nga và Mỹ kiến tạo đã đổ vỡ vào ngày 19/9 với các bên lên án nhau vi phạm trước. Chính quyền Syria đã tuyên bố chấm dứt lệnh ngừng bắn và chủ động mở các cuộc tấn công mới để tái chiếm Aleppo.

Lệnh ngừng bắn có hiệu lực vào chiều tối ngày 12/9. Chỉ vài ngày sau đó đã lập tức xuất hiện những diễn biến nhạy cảm như Mỹ ném bom “nhầm” làm chết quân Syria (vụ này phía Nga, Syria cùng nhiều nước khác nghi là do Mỹ cố ý gây ra), và Mỹ tố Nga không kích vào đoàn viện trợ nhân đạo, bệnh viện và trường học ở Syria.

Mỹ nhấn mạnh lực lượng không quân Nga và Syria đã đánh vào các mục tiêu bệnh viện, gây thiệt mạng cho dân thường và nhân viên y tế.

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon mới đây cũng đã lên tiếng chỉ trích tình trạng bạo lực ở Aleppo, ví nó còn tệ hơn cả lò sát sinh. Ông Ban cực lực lên án việc tấn công vào 2 bệnh viện ở thành phố này. Tin tức cho hay một số người thiệt mạng và một bệnh viện đã không hoạt động được sau khi bị oanh kích.

Trước tình hình này, một số chính trị gia Mỹ đã gây sức ép yêu cầu chính phủ Mỹ phải mạnh tay với những điều mà họ gọi là “vi phạm nhân quyền” ở Syria.

Truyền thông phương Tây cho hay, các quan chức trong chính quyền Obama đang cân nhắc các biện pháp mạnh tay hơn và không loại trừ sử dụng phương án quân sự để giải quyết khủng hoảng Syria.

Câu chuyện đằng sau

Từ đầu năm 2016 đến nay, cuộc chiến chống tổ chức khủng bố IS đã giành được nhiều thắng lợi ở cả Iraq và Syria. Sự can thiệp của Nga đã tạo ra bước ngoặt cho cuộc chiến này. Viễn cảnh IS sụp đổ đã trở nên rất gần. Trong bối cảnh đó các bên liên quan tới Syria đã và đang tính đến bài toán hậu IS.

Aleppo - thành phố lớn nhất Syria, là nơi tranh chấp khốc liệt trong 5 năm rưỡi qua giữa chính phủ Syria và các lực lượng đối lập. Thất bại của phiến quân ở đây sẽ giáng đòn mạnh nữa vào lực lượng này và tạo đà cho chính phủ Assad mở rộng vùng giải phóng của họ ở vùng tây Syria, gồm nhiều thành phố đông dân.

Quân đội Syria đang tranh thủ xốc tới với sự hỗ trợ của Nga. Nga lấy lý do chống IS và các nhóm phiến quân cực đoan khác để giải thích sự hiện diện quân sự của mình ở đây, trong khi phương Tây cáo buộc Nga tấn công các lực lượng phiến quân ôn hòa do họ hậu thuẫn.

Tình hình Ukraine đang có lợi cho Nga, giúp họ dễ bề dồn sức cho mặt trận Syria. Còn Mỹ đang bước vào giai đoạn cuối của mùa bầu cử Tổng thống 2016 - thời điểm thuận lợi cho Nga và Syria đẩy mạnh hoạt động quân sự chống phe đối lập.

Trong hoạt động đối ngoại, Mỹ cũng có thuận lợi là đã giải quyết xong vấn đề Iran, nên có thể tập trung vào xử lý khủng hoảng Syria. Mỹ đã bất hợp tác với Nga trong thời gian dài, nay thấy liên minh Syria-Nga thành công thì rất khó ngồi yên.

Hơn nữa, chính quyền Barack Obama từng vạch lằn ranh giới đỏ ở Syria vào năm 2013 (dọa sẽ đánh Syria nếu nước này sử dụng vũ khí hóa học) để rồi chịu áp lực lớn (từ trong và ngoài nước) vì chính cái vạch đó, sau khi phương Tây cáo buộc chính quyền Syria đã sử dụng vũ khí hóa học nhưng Tổng thống Mỹ Obama... không làm gì để trừng phạt Syria bằng biện pháp quân sự.

Sáng kiến tháo ngòi nổ của Tổng thống Nga Putin sau đó đã gỡ gạc thể diện cho ông Obama nhưng đối với một số người, hình ảnh một Tổng thống yếu mềm vẫn gắn chặt với ông Obama cho tới tận hôm nay. Sự can thiệp quân sự của Nga vào Syria vào tháng 9/2015 càng làm cho Tổng thống Mỹ Obama thêm “lép vế” trước ông Putin. Trong bối cảnh ấy, một thái độ “cứng rắn” vào lúc này từ phía Mỹ là điều có thể hiểu được.

Giải pháp quân sự của Mỹ là gì?

Các phương án đã được các quan chức Mỹ đem ra bàn. Một trong số đó là cung cấp thêm vũ khí cho phe đối lập, bật đèn xanh cho các nước đồng minh Vùng Vịnh viện trợ vũ khí cho phe đối lập (đặc biệt là vũ khí phòng không vác vai loại hiện đại). Thế nhưng phương án này có nguy cơ làm cho vũ khí rơi vào tay khủng bố IS và các nhóm Hồi giáo cực đoan khác.

Một phương án khác là gửi thêm quân bộ đặc nhiệm Mỹ tới huấn luyện và tư vấn cho lực lượng người Kurd và phiến quân đối lập Syria. Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ - đồng minh của Mỹ, không hài lòng với việc Mỹ hỗ trợ cho người Kurd. Đã vậy, thời gian qua, Thổ Nhĩ Kỳ còn xích lại gần Nga.

Phương án đáng lưu ý nhất là quân đội Mỹ tiến hành không kích các sân bay quân sự của Syria. Tuy nhiên, quân đội Nga hiện diện nhiều tại đây nên hành động quân sự quyết đoán như vậy có thể gây thương vong cho quân nhân Nga và tất yếu tạo ra sự va chạm nảy lửa với “gấu” Nga – những người sở hữu hệ thống phòng không cực mạnh.

Như vậy Mỹ sẽ gặp thế khó nếu lựa chọn giải pháp vũ lực.

Hiện vẫn tồn tại những dấu hiệu tích cực trong quan hệ Nga-Mỹ khi mà hai quốc gia này duy trì các kênh liên lạc quân sự để tránh va chạm giữa máy bay 2 nước trên bầu trời Syria.

Một mặt Ngoại trưởng Mỹ Kerry khá gay gắt về sự can thiệp quân sự của Nga, mặt khác ngành ngoại giao Mỹ vẫn có những nỗ lực để bình thường hóa tình hình Syria và nối lại việc thực hiện thỏa thuận ngừng bắn vừa bị phá vỡ.

Ngày bầu cử Tổng thống Mỹ đang đến gần và đương kim Tổng thống Mỹ Obama chỉ còn tại vị trong vài tháng nữa. Trong bối cảnh đó, nếu Mỹ lựa chọn phương án tiến công quân sự để cứu nguy cho phe đối lập Syria thì một cuộc can thiệp như vậy có lẽ sẽ chỉ diễn ra trên quy mô hạn chế mà thôi./.

Theo Trung Hiếu/VOV.VN

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm