Liên minh chống IS của Mỹ trên đà tan rã
(Dân trí) - Số phận liên minh 65 quốc gia chống IS do Mỹ dẫn dắt đang ngày một mong manh, khi một loạt đồng minh Arập lặng lẽ rút lui, để dồn sức cho cuộc chiến tại Yemen với lực lượng được tin là do Iran hậu thuẫn.
Chính quyền Tổng thống Obama lâu nay vẫn liên tục tung hô “liên minh 65 quốc gia” họ đã tạo dựng để chiến đấu chống lại nhóm nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Tuy nhiên, theo tờ Washington Times, hiện chỉ còn khoảng chục quốc gia thực sự đóng góp đáng kể cho chiến dịch này.
Và đằng sau hậu trường, các quan chức Washington cũng như Lầu Năm Góc bắt đầu thừa nhận hỗ trợ không quân từ các đồng minh Arập như Jordan, Arập Xêút, Bahrain và UAE đều đã “bốc hơi”. Trước đây Nhà Trắng từng xem đó là một phần không thể thiếu và chưa có tiền lệ trong liên minh chống IS.
Một quan chức Lầu Năm Góc giấu tên tiết lộ, Arập Xêút đã không còn thực hiện cuộc không kích nào trong gần 3 tháng qua. Bahrain vẫn tham gia, nhưng Jordan cũng đã ngừng điều chiến đấu cơ oanh kích IS từ tháng 8. UAE thì từ tháng 3 đã đứng ngoài cuộc.
Một cựu quan chức, người từng tham gia hình thành liên minh hồi năm ngoái, thì khẳng định các cường quốc tại Vùng Vịnh từ nhiều tháng trước đã quyết định tham gia một canh bạc chiến lược. Những nước này đang tập trung nguồn lực quân sự để giúp Arập Xêút tiến hành cuộc chiến chống lại các chiến binh nổi dậy Houthi ở Yemen, được tin là do Iran hậu thuẫn.
Nhiều tháng trước khi thỏa thuận hạt nhân giữa Tehran và phương Tây được ký kết, Yemen nổi lên như sân khấu cho cuộc chiến giành ảnh hưởng, giữa một bên là Arập Xêút - cường quốc hàng đầu của người Hồi giáo dòng Sunni, và Iran - cường quốc lớn nhất của người Hồi giáo Shiite.
Nhiều tháng qua, các quốc gia Arập đã tiến hành hàng loạt vụ không kích và tấn công trên bộ, nhắm vào lực lượng Houthi. “Họ giờ đã lún sâu đến tận mắt tại Yemen. Sự chú ý của họ hoàn toàn dồn theo hướng đó”, vị cựu quan chức Mỹ nhận định. “Toàn bộ các cuộc không kích và lực lượng trên bộ chúng tôi từng muốn triển khai tại Iraq và có thể cả tại Syria đang bị hút vào đó”.
Dù vậy, vị cựu quan chức cho rằng các đồng minh của Washington không từ bỏ hoàn toàn nỗ lực chống IS. “Tính toán của họ đó là Mỹ nên chịu trách nhiệm dẫn dắt cuộc chiến chống IS, trong khi các nước Arập phụ trách cuộc chiến với Iran tại Yemen”.
Thế nhưng, theo một số chuyên gia an ninh Trung Đông, chính quyền Obama đang không làm tốt vai trò cầm trịch. “Đó là một liên minh 65 quốc gia nhưng chỉ có khoảng 9 nước thực sự làm gì đó”, nhà nghiên cứu Anthony Cordesman tại Trung tâm quốc tế học chiến lược tại Washington nói. Ông cũng khẳng định nguyên nhân đằng sau sự ủng hộ dành cho liên minh sụt giảm là ở việc chính quyền Mỹ không đề ra được mục tiêu của chiến dịch không kích.
“Tôi không thể nghĩ ra được bất kỳ tài liệu công khai nào giải thích một cách rõ ràng chiến lược của chúng ta cho các cuộc không kích, hoặc những nỗ lực tiếp theo là gì”, ông Cordesman tuyên bố. “Do vậy, dễ hiểu khi liên minh không được ủng hộ, nhất là khi châu Âu còn đang tập trung vào những gì xảy ra ở đó, còn các nước Vùng Vịnh thì bận rộn với Yemen”.
Giới chức Mỹ phủ nhận ý kiến chỉ trích này, với khẳng định, một số quốc gia Arập vẫn “đóng góp lớn vào nỗ lực này”. “Cho dù các cuộc không kích không diễn ra do họ tập trung vào Yemen, họ vẫn để chúng tôi sử dụng căn cứ, và họ vẫn tham gia các nỗ lực nhân đạo và tài chính”, vị quan chức giấu tên nói.
Đóng góp tài chính
Một ghi chép của Bộ ngoại giao Mỹ cho thấy, UAE từ 2011 đến nay đã đóng góp 1,1 tỉ USD cho các hoạt động viện trợ nhân đạo tại Syria và Iraq. Arập Xê-út đóng góp 36 triệu USD cùng một số trạm y tế tiền chế cho người tị nạn Syria tại Jordan.
Qatar cũng đóng góp nhiều khoản, mà gần nhất là cam kết chi 160 triệu USD cho một sáng kiến giáo dục cho người tị nạn Syria. Cô ét đóng góp ít nhất 800 triệu USD, theo bản ghi chép được Washington Times đăng tải.
Các cường quốc Arập vẫn tiếp tục cung cấp thông tin tình báo quan trọng, và UAE cũng đang đồng lãnh đạo nỗ lực chống hoạt động tuyên truyền của IS trên mạng Internet.
Tuy nhiên, đã xuất hiện nhiều tranh luận về mức độ hiệu quả trong chiến dịch của liên quân, nhất là sau làn sóng tấn công khủng bố gần đây mà IS đều nhận trách nhiệm. Dù vụ tấn công Paris khiến châu Âu cam kết tăng cường hỗ trợ liên minh, chuyên gia Cordesman cho rằng chiến dịch không kích vẫn thiếu một chiến lược rõ ràng.
Một số ý kiến khác cho rằng, hành động của Pháp, Mỹ và thậm chí cả Nga chống lại IS và các phiến quân tại Syria rốt cuộc sẽ không được các quốc gia Hồi giáo dòng Sunni khu vực Arập hậu thuẫn, bởi IS là một nhóm Hồi giáo cực đoan dòng Sunni.
“Sự vắng mặt của không quân Arập tạo ra một khoảng trống về chính trị, thay vì quân sự, cho dù Nga, Pháp và Mỹ hoàn toàn đủ khả năng thực hiện chiến dịch không kích chống IS”, Bruce Riedel, cựu quan chức CIA, đang hợp tác tại Viện Brookings nhận xét.
Liên minh đang thiếu vắng “sự đáp trả của người Hồi giáo” với kẻ lãnh đạo IS Abu Bakr al-Baghdadi. “Đây chính là sự lãng phí mang tính biểu tượng những nguồn lực quan trọng”, ông Reidel bình luận trên trang tin Al-Monitor.
Thanh Tùng
Theo Washington Times