1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Liên minh châu Âu tìm cách chặn "độc chiêu" của Trung Quốc

Lo ngại trước nguy cơ “chảy máu” bí quyết công nghệ chủ chốt, Liên minh châu Âu (EU) đang tìm cách dựng lên hàng rào pháp lý nhằm đối phó với “độc chiêu” của Trung Quốc.


Bộ trưởng Kinh tế Đức Matthias Machnig lo ngại trong một cuộc đàm phán với Trung Quốc về vấn đề bảo vệ bí quyết công nghệ

Bộ trưởng Kinh tế Đức Matthias Machnig lo ngại trong một cuộc đàm phán với Trung Quốc về vấn đề bảo vệ bí quyết công nghệ

Bộ trưởng Kinh tế Đức Matthias Machnig vừa thúc giục Liên minh châu Âu (EU) nhanh chóng đưa ra các biện pháp nhằm giám sát các khoản đầu tư ngày càng gia tăng đến từ Trung Quốc. Theo ông Machnig, nước Đức muốn liên minh có thêm nhiều công cụ pháp lý để xem xét kỹ lời mời thâu tóm, sáp nhập doanh nghiệp Đức cũng như châu Âu nói chung từ các công ty Trung Quốc nhằm bảo vệ bí quyết công nghệ tốt hơn.

Người đứng đầu Bộ chuyên ngành về kinh tế của cường quốc kinh tế lớn nhất trong EU mong muốn các biện pháp bảo vệ công nghệ sớm được đưa ra để có thể áp dụng vào cuối năm nay. Bởi ông Machnig cho rằng, việc đưa ra luật chặt chẽ hơn tại EU là cần thiết để sớm ngăn chặn các toan tính thâu tóm sáp nhập và “chảy máu” bí quyết công nghệ.

Bộ trưởng Machnig kêu gọi sớm có biện pháp bảo vệ bí quyết công nghệ của các nước EU trong bối cảnh Trung Quốc, nước đã vượt Đức trở thành cường quốc kinh tế số 2 thế giới và còn tiếp tục trỗi dậy mạnh mẽ, đang ráo riết đẩy mạnh các hoạt động mua bán - sáp nhập (M&A) trên khắp thế giới, trong đó tập trung vào các nước công nghiệp phát triển.

Sự trỗi dậy của Trung Quốc, theo bình luận của giới kinh tế thế giới, chủ yếu nhằm vào các lĩnh vực công nghệ cao hay độc quyền nhằm thông qua hoạt động mua bán và sáp nhập để giúp Bắc Kinh “đi tắt đón đầu” thâu tóm những bí quyết công nghệ vốn rất cần thiết cho sức mạnh Trung Quốc.

Những con số thống kê cho thấy, đầu tư trực tiếp của Trung Quốc nhằm thâu tóm các công ty tại châu Âu đã nhảy vọt từ “con số không” vào năm 2009 lên 13 tỉ Euro năm 2014, 26 tỉ Euro năm 2015 và 35 tỉ Euro năm 2016. Riêng với nước Đức, lượng vốn đầu tư của Trung Quốc vào nước này năm 2016 là 11 tỷ Euro và lên mức kỷ lục 12,1 tỷ Euro năm 2017, so với vỏn vẹn 100 triệu Euro cách đây 7 năm.

Trước cơn sốt đầu tư cho các hoạt động M&A “tăng theo cấp số nhân” của Trung Quốc tại châu Âu, giới kinh tế tại Đức, Pháp, Italia đã kêu gọi EU cần phải hành động trước các vụ thâu tóm mà họ cho là “mang động cơ chính trị” của Bắc Kinh. Nhận định này hoàn toàn có cơ sở bởi có tới 70% các vụ thâu tóm của Trung Quốc tại châu Âu là do các công ty thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc thực hiện. Đơn cử như công ty Nhà nước ChemChina dù đang “ngập” trong nợ nần với các khoản nợ gấp 9,5 lần doanh thu hàng năm nhưng vẫn được “bơm tiền” để có 44 tỷ USD nhằm thâu tóm công ty công nghệ sinh học Syngenta của châu Âu.

Trước khi lên tiếng thúc giục hành động chung của EU đối phó với Trung Quốc, Đức đã sớm có những biện pháp nhằm bảo vệ doanh nghiệp nội trước “cơn sóng dữ” M&A đến từ Trung Quốc. Đức đã trở thành quốc gia EU đầu tiên thắt chặt quy định trong lĩnh vực M&A doanh nghiệp nhằm “bảo tồn” doanh nghiệp trong nước sau một loạt các thương vụ thâu tóm đình đám của Trung Quốc như vụ Công ty robot Kuka của Đức bị thâu tóm… Theo đó, với những quy định mới có hiệu lực từ tháng 7-2017, cho phép Chính phủ Đức ngăn chặn việc thôn tính nếu có một nguy cơ dẫn đến việc các công nghệ quan trọng bị đưa ra khỏi đất nước.

Chung quan điểm với Đức, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng đã hợp tác cùng với Italia và Đức kêu gọi một cơ chế ở châu Âu để ngăn chặn các vụ mua M&A “không mong muốn”. Trong khi đó, EU đã khởi động cơ chế để giúp phân tích, nhận biết đầu tư vào các lĩnh vực mà Trung Quốc đang nhắm đến như năng lượng, ngân hàng và công nghệ cao.

Theo Hoàng Tuấn

An ninh thủ đô