1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Liên minh châu Âu chi 23 tỷ euro chiến đấu với đại dịch Covid-19

(Dân trí) - Để hỗ trợ cho sự ứng phó toàn cầu trước Covid-19, Liên minh châu Âu và các quốc gia thành viên gần đây đã đưa ra gói hỗ trợ "Team Europe" (Đội châu Âu), hiện đã lên tới hơn 23 tỷ euro.

Liên minh châu Âu chi 23 tỷ euro chiến đấu với đại dịch Covid-19 - 1

Bà Jutta Urpilainen, Cao ủy về Đối tác Quốc tế - Ủy ban châu Âu

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus và Cao ủy về Đối tác Quốc tế Ủy ban châu Âu Jutta Urpilainen đã có bài xã luận chung của EU và WHO về đại dịch COVID-19, trong đó xác định tính chất của cuộc khủng hoảng y tế và các biện pháp đối phó chung của Liên minh châu Âu (EU) với dịch bệnh. Dưới đây là bản dịch bài viết.

***

Khởi đầu với một loạt các trường hợp viêm phổi không rõ nguyên nhân ở Vũ Hán, Trung Quốc, chủng mới của virus corona này đã lây lan với tốc độ đáng báo động, làm rung chuyển nền tảng của các hệ thống y tế, các nền kinh tế và xã hội trên toàn thế giới.

Các nước châu Âu là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Cho tới nay, 5 trong số 6 quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất là ở châu Âu.

Tuy vậy, ngay cả khi châu Âu đang phải chiến đấu để kiểm soát COVID-19 tại lục địa, họ cũng đóng vai trò đi đầu trong việc xây dựng tình đoàn kết toàn cầu.

Ngay cả khi chúng ta phải giãn cách giữa các cá nhân, chúng ta vẫn cần phải tập hợp nhau lại như những diễn viên trên một sân khấu thế giới.

23 tỷ euro đối phó khủng hoảng

Liên minh châu Âu và WHO chia sẻ cam kết hỗ trợ cho các cộng đồng và quốc gia dễ bị tổn thương trên khắp thế giới. Sát cánh cùng nhau như một cộng đồng toàn cầu là yếu tố đặc biệt quan trọng vào lúc này, bởi vì tất cả chúng ta đều cùng chung một thách thức khi mà dịch bệnh này không có biên giới và không phân biệt đối xử. Chỉ cần nó ảnh hưởng đến một số người chúng ta, thì không ai trong chúng ta an toàn.

Để hỗ trợ cho sự ứng phó toàn cầu trước COVID-19, Liên minh châu Âu và các quốc gia thành viên gần đây đã đưa ra gói hỗ trợ Team Europe (Đội châu Âu), hiện đã lên tới hơn 23 tỷ euro. Tất nhiên, gói hỗ trợ Team Europe sẽ cung cấp một phần sự ứng phó với đại dịch corona cùng với Liên Hợp Quốc.

Giống trong rất nhiều cuộc khủng hoảng, những người dễ bị tổn thương nhất phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất, và họ chính là đối tượng trọng tâm của chúng tôi. EU đang hỗ trợ cho Kế hoạch Ứng phó và Sẵn sàng Chiến lược của WHO với 30 triệu euro tiền tài trợ mới nhằm tăng cường sự chuẩn bị sẵn sàng và ứng phó khẩn cấp ở các quốc gia có hệ thống y tế yếu hoặc bị ảnh hưởng do các cuộc khủng hoảng nhân đạo.

Ngoài ra, Ủy ban châu Âu, WHO và các đối tác trên khắp thế giới cũng đã hợp tác để khởi động 'Cơ chế Thúc đẩy Tiếp cận với các Công cụ hỗ trợ COVID-19’, nhằm tăng tốc độ phát triển, sản xuất và phân bổ công bằng vắc-xin, dụng cụ chẩn đoán và phác đồ điều trị đối với COVID-19, để tất cả mọi người có được sự tiếp cận công bằng với những sản phẩm và dịch vụ y tế giúp cứu sinh mạng này.

Dựa trên cam kết lịch sử này, Ủy ban châu Âu đã tổ chức một sự kiện thể hiện cam kết vào ngày 4/5, trong đó hơn 40 quốc gia đã cùng nhau cam kết khoảng 7,4 tỷ euro để hỗ trợ nghiên cứu và phát triển vắc-xin, dụng cụ chẩn đoán và phác đồ điều trị.

Xây dựng hệ thống y tế mạnh

Nhưng quan hệ đối tác của chúng tôi còn vượt ra ngoài cuộc khủng hoảng hiện tại.

Đại dịch khai đã thác các khoảng trống và sự bất bình đẳng trong các hệ thống y tế, đồng thời nó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đầu tư vào đội ngũ nhân viên y tế, cơ sở hạ tầng và hệ thống y tế để ngăn ngừa, phát hiện và ứng phó với sự bùng phát của dịch bệnh.

Các hệ thống y tế mạnh là cách phòng ngừa tốt nhất không chỉ chống lại dịch bệnh bùng phát và đại dịch, mà còn nhiều mối đe dọa tới sức khỏe mà mọi người trên thế giới phải đối mặt mỗi ngày.

Tuy nhiên, theo các xu hướng hiện nay, trên 5 tỷ người sẽ không được tiếp cận với các dịch vụ y tế thiết yếu vào năm 2030 - bao gồm cả khả năng tiếp xúc với nhân viên y tế, tiếp cận với các loại thuốc thiết yếu và nước sinh hoạt trong bệnh viện.

Ngay cả khi các dịch vụ có sẵn, việc sử dụng chúng có thể dẫn tới sự thâm hụt tài chính đối với hàng triệu người.

Những khoảng trống này không chỉ làm suy yếu sức khỏe của các cá nhân, gia đình và cộng đồng; chúng còn làm suy yếu an ninh và tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Đó là lý do tại sao EU đã đóng góp 102 triệu euro cho Thỏa thuận Đối tác Bao phủ Chăm sức Sức khỏe Toàn dân với WHO, hỗ trợ củng cố hệ thống y tế tại 115 quốc gia ở châu Phi, Caribê, Thái Bình Dương, Đông Âu, Trung và Đông Nam Á.

Thế giới chi khoảng 7,5 nghìn tỷ USD dành cho y tế mỗi năm - gần 10% GDP toàn cầu.

Tuy nhiên rất nhiều quốc gia dành quá nhiều ngân sách y tế cho việc kiểm soát dịch bệnh tại các bệnh viện - nơi chi phí cao hơn và kết quả thường xấu hơn - thay vì thúc đẩy dịch vụ y tế và ngăn ngừa dịch bệnh ở cấp độ chăm sóc sức khỏe ban đầu.

Đại dịch COVID-19 cuối cùng cũng sẽ qua đi, nhưng chúng ta sẽ không thể quay trở lại với trạng thái như bình thường như trước. Chúng ta không thể tiếp tục vội vã tài trợ do sự hoảng loạn nhưng lại xem nhẹ sự chuẩn bị sẵn sàng.

Khi chúng ta hợp tác để ứng phó với đại dịch này, chúng ta cũng đồng thời phải chuẩn bị cho một cuộc khủng hoảng tiếp theo. Thời điểm này là một cơ hội để đặt nền móng cho các hệ thống y tế kiên cường trên toàn thế giới.

Đầu tư để tăng cường cơ sở hạ tầng và lực lượng nhân viên y tế là cách duy nhất để tránh các cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu trong tương lai tương tự như cuộc khủng hoảng hiện tại mà chúng ta đang phải đối mặt.

Nếu chúng ta học được bất cứ điều gì từ COVID-19, thì chắc chắn rằng việc đầu tư vào y tế bây giờ sẽ cứu được sinh mạng sau này.

Lịch sử sẽ phán xét chúng ta không chỉ về việc chúng ta có vượt qua đại dịch này hay không, mà còn về những bài học chúng ta đã có được và những hành động chúng ta đã tiến hành khi đại dịch chấm dứt.

Tổng giám đốc (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus  - Cao ủy EU Jutta Urpilainen