1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Liên hợp quốc thông qua kế hoạch hòa bình cho Syria

(Dân trí) - Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 18/12 đã thông qua nghị quyết về lộ trình quốc tế cho tiến trình hòa bình cho Syria, trong một động thái đồng thuận hiếm thấy giữa 5 nước thường trực, nhưng các nước còn chưa đồng thuận về số phận Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Liên hợp quốc thông qua kế hoạch hòa bình Syria

 

Liên hiệp quốc ra nghị quyết về tình hình Syria ngày 18/12 tại New York (Ảnh: Alarabiya)
Liên hiệp quốc ra nghị quyết về tình hình Syria ngày 18/12 tại New York (Ảnh: Alarabiya)

Phát biểu sau khi Hội đồng Bảo an thông qua nghị quyết, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nhấn mạnh: “Hội đồng Bảo an đã phát đi thông điệp rõ ràng tới tất cả các bên liên quan rằng đã đến lúc cần chấm dứt đổ máu tại Syria và đặt nền móng cho một chính phủ mới mà người dân Syria ủng hộ”.

Bản nghị quyết được thông qua sau khi Nga và Mỹ ký kết vào nội dụng văn bản. Nga và Mỹ là hai cường quốc vốn có quá nhiều bất đồng về tình hình Syria, nơi tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS đang kiểm soát một vùng lãnh thổ rộng lớn.

Ngoại trưởng Kerry nêu rõ vẫn còn đó những khác biệt về tương lai của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, một đồng minh thân cận của Nga và Iran. Trong khi đó, phương Tây muốn ông Assad phải ra đi.

“Chúng ta không ảo tưởng về trở ngại vẫn tồn tại. Đây rõ ràng là sự khác biệt lớn nhất trong cộng đồng quốc tế, đặc biệt liên quan đến tương lại của Tổng thống Assad”, Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nêu rõ: “Cần phải làm rõ về những động lực của lực lượng bên ngoài nhằm đưa ra giải pháp lên người dân Syria đối với bất cứ vấn đề nào, trong đó có vấn đề tổng thống nước này”.

Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cho hay đàm phán giữa chính phủ Syria và phe đối lập sẽ chỉ thành công nếu có sự đảm bảo chắc chắn rằng Tổng thống Assad phải ra đi. “Cần phải có sự đảm bảo về sự ra đi của Bashar al-Assad. Làm sao người này có thể lãnh đạo người dân Syria sau khi Assad có liên can đến vụ thảm sát? Ý tưởng để ông này một lần nữa đứng ra tranh cử là không thể chấp nhận được với chúng tôi”, Ngoại trưởng Fabius phát biểu.

Bản nghị quyết không đề cập số phận của Tổng thống Syria Assad. Tuy nhiên, nội dung nghị quyết lại kêu gọi Liên hợp quốc đưa ra các giải pháp cho Hội đồng Bảo an nhằm giám sát hiệp định ngừng bắn trong vòng 1 tháng tại Syria tính từ nghị quyết đi vào hiệu lực. Nghị quyết cũng ủng hộ thời hạn đạt được trước đó tại Vienna, Áo. Theo đó, các bên nhất trí thành lập ra một chính phủ liên minh và cuối cùng là bầu cử cho người dân Syria.

Theo nghị quyết, chính phủ Syria và lực lượng đối lập cần bắt đầu tiến trình đàm phán lập chính phủ mới ngay trong tháng 1/2016. Ngoài ra, nghị quyết tiếp tục kêu gọi cuộc đấu tranh tiêu diệt IS, lực lượng đã kiểm soát một vùng lãnh thổ rộng lớn tại Syria và Iraq.

Nghị quyết trên đạt được bên lề một hội nghị quốc tế với tên gọi Nhóm ủng hộ tình hình Syria tại khách sạn Palace, thành phố New York, Mỹ ngày 18/12 với sự tham dự của ngoại trưởng 17 nước trong đó có Nga, Mỹ, EU và các nước Trung Đông.

Tuy nhiên, các nhà ngoại giao tiết lộ vấn đề chính nảy sinh trong tiến trình đàm phán trước khi đạt được bản nghị quyết trên đó là lo ngại từ phía Nga và Iran về cách gọi tên nhóm các lực lượng đối lập tham gia đàm phán hòa bình quốc tế do Liên hợp quốc đứng đầu cùng với chính phủ Syria sẽ được bắt đầu vào tháng 1 tới.

Vũ Duy

Video: Wochit

Liên hợp quốc thông qua kế hoạch hòa bình cho Syria - 2