1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Liên hợp quốc dỡ bỏ cấm vận ngân hàng Libya

(Dân trí) - Hội đồng bảo an Liên hợp quốc đã dở bỏ các lệnh trừng phạt đối với ngân hàng trung ương Libya và các ngân hàng đầu tư nước ngoài của nước này.

 
Liên hợp quốc dỡ bỏ cấm vận ngân hàng Libya - 1
Ngân hàng trung ương Libya

Hội đồng bảo an Liên hợp quốc cho hay động thái là nhằm làm dịu cuộc khủng hoảng tiền mặt hiện nay ở Libya.

 

Ngay sau đó, Mỹ cũng tiếp bước dỡ bỏ hầu hết các lệnh trừng phạt đối với Tripoli.

 

Tài sản ngân hàng của Libya ở nước ngoài đã bị đóng băng vào đầu năm nay, một phần trong chuỗi các lệnh trừng phạt nhằm vào cựu lãnh đạo Libya, Đại tá Muammar Gadhafi, người đã bị giết chết vào ngày 20/10 vừa qua.

 

Hôm qua, Hội đồng bảo an Liên hợp quốc đã quyết định dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Ngân hàng trung ương Libya và chi nhánh đầu tư của nó – Ngân hàng nước ngoài Libya.

 

Ngoại trưởng Anh William Hague cho biết động thái “đánh dấu khoảnh khắc quan trọng nữa trong quá trình chuyển giao ở Libya”.

 

“Điều này có nghĩa là chính phủ Libya sẽ được tiếp cận hoàn toàn với các khoản quỹ quan trọng, cần để giúp họ tái thiết đất nước, thiết lập sự ổn định và đảm bảo người dân Libya có thể thực hiện giao dịch cần thiết cho cuộc sống hàng ngày của họ”, ông cho biết thêm.

 

Cũng theo ông Hague, London sẽ giải ngân khoảng 6,5 tỷ bảng Anh đang được nắm giữ ở nước này.

 

Libyaliên tục “đòi” tiền

 

Ngay sau quyết định của Liên hợp quốc, Nhà Trắng cũng ra tuyên bố “Mỹ đã rút hầu hết các lệnh trừng phạt đối với chính quyền Libya, giữ đúng cam kết với người dân Libya”.

 

Bộ Tài chính Mỹ cho biết sẽ “cho phép giải ngân hơn 30 tỷ USD tài sản bị chặn của Ngân hàng trung ương và Ngân hàng nước ngoài Ả rập Libya”.

 

“Chính phủ hiện nay của Libya có khả năng và chịu trách nhiệm điều hành những khoản tiền này”, Bộ tài chính Mỹ cho hay.

 

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panatta dự kiến thăm Libya vào ngày hôm nay.

 

Chính quyền lâm thời ở Tripoli gần đây đã liên tục kêu gọi được trả khoảng 150 tỷ USD tài sản ở nước ngoài, để họ có thể trả lương cho nhân viên và giữ cho các dịch vụ thiết yếu nhất của đất nước hoạt động.

 

Nhà máy lọc dầu ở Ras Lanuf hiện đang dần dần tái khởi động sản xuất trở về thời trước khi xảy ra các cuộc biểu tình.

 

Theo các chuyên gia, một số lệnh trừng phạt được nới lỏng sau khi chính quyền Gadhafi sụp đổ, tuy nhiên tiến trình trao trả khối lượng tiền khổng lồ trên rất chậm chạp, do những lý do pháp lý và kỹ thuật.

 

Các nhà ngoại giao cho rằng, hiện có tình trạng không rõ ràng ở các nước đang nắm giữ tài sản, như những tài sản đó về mặt pháp lý thuộc về ai và liệu ban lãnh đạo hiện nay của Libya có đủ đoàn kết để được tin tưởng giao tiền.

 

Hội đồng bảo an Liên hợp quốc đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với chính quyền của đại tá Gadhafi vào tháng 2 vừa qua. Các lệnh trừng phạt gồm cấm vận vũ khí và đóng băng tài sản. Vào tháng 8, sau khi chế độ Gadhafi sụp đổ, Liên hợp quốc đã nhất trí giải ngân số tài sản trị giá khoảng 1,5 tỷ USD đang được các ngân hàng Anh nắm giữ. Cũng thời điểm này, Liên hợp quốc chấp nhận yêu cầu của Mỹ, là mở 1,5 tỷ USD tài sản bị đóng băng của Libya ở Mỹ.

 

Các cuộc biểu tình nổi dậy đã làm tê liệt ngành dầu mỏ của Libya và xuất khẩu mới chỉ được nối lại vào tháng 9 vừa qua.

 

Giới chức trách cho biết họ dự kiến sản xuất dầu thô của Libya sẽ trở lại mức bình thường, tức 1,6 triệu thùng/ngày, vào cuối năm 2012.

 

Vũ Quý

Theo BBC