1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Liên hợp quốc đa phần bỏ phiếu bác cuộc trưng cầu dân ý tại Crimea

(Dân trí) - Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua một nghị quyết bác cuộc trưng cầu dân ý tại Crimea. Trong số các quốc gia tham gia bỏ phiếu, 100 nước bỏ phiếu thuận, 58 quốc gia đã bỏ phiếu trắng, 11 nước bỏ phiếu chống và 20 nước không tham gia bỏ phiếu.

Các nhà ngoại giao chụp ảnh kết quả bỏ phiếu tại Đại hội đồng LHQ ở New York ngày 27/3.

Các nhà ngoại giao chụp ảnh kết quả bỏ phiếu tại Đại hội đồng LHQ ở New York ngày 27/3.

Nghị quyết của đại hội đồng Liên hợp quốc nói rằng cuộc trưng cầu dân ý hôm 16/3 tại Crimea về việc sáp nhập vào Nga là vô giá trị và ủng hộ sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.

Nghị quyết được thông qua với tỉ lệ 100 phiếu thuận, 11 phiếu chống và 58 phiếu trắng. 20 nước không tham gia bỏ phiếu.

Phát biểu trước báo giới sau cuộc bỏ phiếu, Ngoại trưởng tạm quyền Ukraine Andriy Deshchytsia nói: "Sự ủng hộ này đến từ tất cả các ngõ ngách của thế, điều đó chứng đây không chỉ là một vấn đề khu vực mà là một vấn đề toàn cầu".

Nhưng Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vitaly Churkin tuyên bố: "Sự thật rằng gần một nửa trong số các quốc gia thành viên của Đại hội đồng Liên hợp quốc không ủng hộ nghị quyết là một khuynh hướng rất đáng khuyến khích và tôi nghĩ khuynh hướng này sẽ ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn".

Theo phóng viên Nick Bryant của hãng tin BBC tại New York, nghị quyết không mang tính ràng buộc nên cuộc bỏ phiếu hôm qua chỉ mang tính biểu tượng.

Nhưng Kiev hi vọng rằng nghị quyết sẽ là một sự răn đe và ngăn chặn Mátxcơva có các hành động bổ sung nhằm tiến sâu hơn vào lãnh thổ Ukraine.

Nghị quyết của Liên hợp quốc diễn ra sau khi Quỹ tiền tệ (IMF) nhất trí một thỏa thuận cho Ukraine từ 14-18 tỷ USD.

Quốc hội Mỹ ngày 27/3 cũng thông qua một nghị quyết ủng hộ khoản vay trị giá 1 tỷ USD cho Ukraine.

Căng thẳng giữa Nga và phương Tây đã tăng cao sau khi bán đáo Crimea, từng là Cộng hòa tự trị ở miền nam Ukraine, bỏ phiếu sáp nhập vào Nga.

Phương Tây đã lên án động thái trên, khi Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm 26/3 cảnh báo rằng Nga sẽ đối mặt các lệnh trừng phạt sâu sắc hơn của EU và Mỹ nếu Mátxcơva tiến quân vào Ukraine.

An Bình
Theo BBC