1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Liên đoàn Arập thông qua trừng phạt mạnh nhất Syria

(Dân trí) - Liên đoàn Arập (AL) hôm nay đã thông qua các biện pháp trừng phạt chưa có tiền lệ chống lại Syria, trong đó có việc đóng băng tài sản, nhằm đáp trả việc Syria phớt lờ tối hậu thư của liên đoàn.


Liên đoàn Arập thông qua trừng phạt mạnh nhất Syria - 1

Người biểu tình chống chính phủ tại thành phố Homs.
 
Động thái trên diễn ra sau nhiều tháng bất ổn tại Syria. Liên hợp quốc ước tính khoảng 3.500 người đã thiệt mạng kể từ khi các cuộc biểu tình chống chính phủ bùng phát hồi tháng 3.

Liên đoàn Ảrập hồi đầu tháng này đã đình chỉ tư cách thành viên của Syria, một động thái mà Damascus cáo buộc là can thiệp vào chuyện nội bộ nước này.

Ngoại trưởng các quốc gia thành viên của AL đã thông qua các lệnh trừng phạt chưa có tiền lệ trong một cuộc họp ở Cairo (Ai Cập) với 19 phiếu thuận và 3 phiếu chống.

Trước đó, Syria đã phớt lờ hạn chót mà AL đưa ra cho Syria nhằm chấp nhận các quan sát viên quốc tế hoặc phải đối mặt với các lệnh trừng phạt. Syria từ chối cho 4.000 quan sát viên của AL vào nước này để đánh giá tình hình.

Chi tiết các biện pháp trừng phạt:

Thỷ tướng kiêm Ngoại trưởng Qatar, ông Sheikh Hamad bin Jassim al-Thani, đã công bố chi tiết các lệnh trừng phạt tại một cuộc họp báo ở Cairo:

- Cắt đứt các giao dịch với ngân hàng trung ương Syria
- Các chính phủ Arập ngừng cấp vốn cho các dự án tại Syria
- Cấm các quan chức cấp cao Syria tới các quốc gia Arập khác
- Đóng băng các tài sản liên quan tới chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad

Tuyên bố cũng kêu gọi các ngân hàng trung ương Arập giám sát các giao dịch tới Syria, ngoài trừ việc gửi tiền từ Syria ra nước ngoài.

2 quốc gia láng giềng gần gũi của Syria, Iraq và Li-ăng, đã bỏ phiếu trắng. Iraq cho rằng lệnh phong toả kinh tế sẽ không có tác dụng thiết thực.

Ông Sheikh Hamad cho hay Iraq có thể từ chối áp dụng các lệnh trừng phạt, trong khi Li-băng "tự tách biệt mình khỏi các lệnh trừng phạt".

Liên đoàn Arập thông qua trừng phạt mạnh nhất Syria - 2
Các đối tác thương mại hàng đầu của Syria.
 
Iraq là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Syria, chiếm 13,3% thương mại của Syria, tương đương 8,97 tỷ USD.

EU - đối tác thương mại lớn nhất của Syria - trước đó đã áp dụng các lệnh trừng phạt đối với Damascus.

Mỹ cũng áp đặt các lệnh trừng phạt với Syria, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia cho tới tận gần đây vẫn có quan hệ chặt chẽ với chính phủ của Tổng thống Assad - đã đình chỉ kế hoạch về một dự án khai thác dầu liên doanh với công ty dầu quốc gia Syria.
 
Phản ứng của Syria
 
Syria, một trong những thành viên sáng lập của AL, đã lên án các biện pháp trừng phạt là một sự phản bội đối với tình đoàn kết của liên đoàn.
 
Ngoại trưởng Syria Walid al-Muallem cáo buộc AL đang tìm cách quốc tế hoá cuộc xung đột tại Syria.
 
Truyền hình Syria miêu tả các biện pháp trừng phạt là “các biện pháp chưa có tiền lệ nhằm vào nhân dân Syria”.

An Bình
Theo BBC