1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Lịch sử quan hệ Nga-Syria: Nhiệt thành bên người chiến bại

Có lẽ nên ngược dòng thời gian một chút về mối quan hệ Nga-Syria (trước là Liên Xô). Có thể nếu đứng từ góc độ này, ta hiểu thêm một khía cạnh nào đấy về những sự kiện đang xảy ra tại Syria thời gian hiện nay.

Hợp tác kỹ thuật – quân sự giữa Liên Xô (Nga hiện nay) và Syria đã có lịch sử gần 60 năm.

Mùa thu năm 1956, Tổng thống Syria lúc đó Shukri al - Kuatli đã đến thăm Matxcova. Ông đã nhận được cam kết từ giới lãnh đạo Xô Viết về việc nước này sẽ giúp đỡ kinh tế cho Syria. Còn trước đó, mùa xuân năm 1956, Liên Xô đã ký với Syria thỏa thuận hợp tác quân sự đầu tiên giữa hai nước.

Một thời gian gián đoạn

Theo thỏa thuận nói trên, Liên Xô cung cấp cho Syria xe tăng T-34 – và sau đó là T-54, pháo tự hành SU-100, xe vận tải bọc thép BTR -152, pháo phòng không 37 ly và pháo 122 ly. Các chuyên gia Xô Viết tham gia vào việc thành lập 2 lữ đoàn tăng đầu tiên của Quân đội Syria. Họ cũng là người tư vấn cho Quân đội Syria cải cách quân đội - cụ thể là thành lập đơn vị tác chiến cấp tiểu đoàn.

Nhưng sau đó hợp tác quân sự giữa hai nước bị gián đoạn một thời gian. Lý do là vào tháng 11/1957, Quốc hội Syria biểu quyết thông qua nghị quyết sáp nhập nước này với Ai cập và không lâu sau đó tổng thống hai nước là Gamal Abdel Naser (Ai cập) và Shucri – Kuatli ( Syria) đã tuyên bố thành lập quốc gia mới – Nước cộng hòa A rập thống nhất. Tổng thống mới G. Naser đã ký ban hành Hiến pháp của nước cộng hòa này.

Liên minh mới này tồn tại không lâu, mặc dù trong giai đoạn đầu Cộng hòa A rập thống nhất có cơ hội phát triển nhanh - trước hết là nhờ sự hỗ trợ của Liên bang Xô viết đang rất hùng mạnh lúc bấy giờ. Liên Xô đã cung cấp cho quốc gia mới A rập thống nhất các khoản tín dụng, tuyên bố tham gia hơn 50 dự án công nghiệp hóa đất nước.

Nhưng chỉ một thời gian sau, dân chúng Syria bất mãn với các chính sách của Tổng thống Naser. Người Syria cho rằng họ bị đặt vào vị thế bất lợi và dân gốc Ai cập chiếm lợi thế trong tất cả các lĩnh vực. Cuối cùng, sự bất mãn đó đã biến thành các cuộc nổi dậy và phong trào chống đối công khai.

Tháng 9/1961, Hội đồng sỹ quan Syria đã điều 3 tiểu đoàn ra khỏi doanh trại và các tiểu đoàn này nhanh chóng chiếm các vị trí chiến lược tại Damask. Ngay sau đó toàn bộ Quân đội Syria tuyên bố ủng hộ lực lượng nổi dậy. Ai cập tìm cách đàn áp nhưng bất lực. Một chính phủ mới do Mamun Kuzbari đứng đầu được thành lập. Syria lại trở thành một nước độc lập và tách ra khỏi Cộng hòa A rập thống nhất.

Ngày 7/10/1961, Liên Xô chính thức công nhận Cộng hòa A rập Syria. Tiếp theo, Liên Xô cung cấp cho nước này vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự, điều các chuyên gia và cố vấn quân sự trực tiếp đến Syria để huấn luyện và hướng dẫn sử dụng vũ khí – trang bị kỹ thuật quân sự trên thực địa.

Lịch sử quan hệ Nga-Syria: Nhiệt thành bên người chiến bại - 1

Tổng bí thư Đảng CS Liên Xô Leonhid Ilich Breznhev (trái) ra tận sân bay đón Tổng bí thư Đảng phục hưng xã hôi chủ nghĩa A rập, Tổng thống Cộng hòa A rập Syria Khafez al-Asad (Asad cha). (Ảnh: Vladimir Musaelian và Vasoli Egorov)

Thất bại nặng nề

Tháng 6/1967, “Cuộc chiến tranh sáu ngày” giữa một bên là Israel và một bên là các nước A rập Trung Cận Đông gồm Ai cập, Syria, Jordany, Iraq và một số nước khác bùng nổ.

Kết quả của cuộc đối đầu quân sự lịch sử này thì như mọi người đã biết (người viết đã có bài “Tại sao Israel thắng trong cuộc Chiến tranh 6 ngày” – trên DVO mới đây) – Israel đại thắng, còn các nước A rập đại bại. Riêng đối với Syria thì Không quân Israel đã tiêu diệt gần một nửa lực lượng của Không quân nước này – 53 máy bay, còn lính bộ binh Israel - chiếm đóng cao nguyên Goland.

Sau thất bại nặng nề của Syria trong “Cuộc chiến tranh sáu ngày”, Liên Xô vẫn không bỏ cuộc và bắt đầu tăng cường hỗ trợ để hiện đại hóa Quân đội Syria. Các xe tăng hiện đại lúc đó là T-62, máy bay Su-7 và MiG-23, các hệ thống pháo mới, tổ hợp tên lửa “Strela” và các loại vũ khí hiện đại nhất được đưa tới Damask.

Đến những những năm 70, các lực lượng vũ trang Syria đã không chỉ khôi phục lại được sức mạnh như trước “Chiến tranh sáu ngày” mà còn có những bước tiến vượt bậc cả về số lượng và chất lượng, đặc biệt là về chất lượng. Đến thời điểm đó, Syria đã có những ưu thế nhất định trong cuộc đối đầu với Israel.

Chỉ trong nửa đầu năm 1973, Liên Xô đã cung cấp cho Syria một khối lượng lớn vũ khí và trang bị kỹ thuật quân sự với tổng trị giá 185 triệu đô la, gấp 10 lần tổng giá trị các mặt hàng quân sự mà Liên Xô cung cấp cho nước này trong cả năm 1972.

Bên miệng hố Chiến tranh thế giới thứ ba

Tháng 10/1973 (từ 06/10), các nước A rập ở Trung Cận Đông đứng đầu là Ai cập phát động một cuộc chiến tranh mới chống Israel (thường được giới phân tích quân sự gọi là "Cuộc chiến tranh tháng 10", Israel gọi là “Cuộc chiến ngày phán xét” – xin giới thiệu về cuộc chiến tranh này trong bài sau).

Quân đội Syria với ưu thế tuyệt đối về tăng – 1.300 so với 130 của Israel bắt đầu tấn công các trận địa phòng ngự của Israel trên cao nguyên Goland. Trước đó, Syria cũng đã tiến hành thành công chiến dịch đổ bộ - một nhóm đặc nhiệm Syria đã đánh chiếm một đài radar cực mạnh của Israel trên núi Hermon và hệ thống phòng ngự của Israel.

Nhưng sau khi được tăng viện (còn nhiều yếu tố khác), quân Israel đã đảo ngược tình thế và chặn đứng được các cuộc tấn công của quân Syria. Các máy bay chiến đấu Israel không kích dữ dội các mục tiêu chiến lược của Syria, phát hiện được các điểm yếu của hệ thống phòng không Syria và tiêu diệt được một phần hệ thống này. Quân đội Syria mất thế chủ động chiến lược, buộc phải chuyển sang phòng ngự và nhanh chóng thất thủ.

Chỉ trong vòng mấy ngày, các đơn vị Israel đã tiến sâu vào lãnh thổ Syria, chiếm hơn 30 km2 trên cao nguyên Galonad. Ngày 14/10, các đơn vị tiền tiêu của Israel chỉ còn cách thủ đô Damask 18 dặm.

Liên Xô không đứng ngoài cuộc. Nước này không chỉ giúp các nước A rập vũ khí mà còn sẵn sàng can thiệp vào cuộc xung đột. Tổng bí thư ĐCS Liên Xô L. Breznhev vừa điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger vừa báo động lực lượng dự bị của Tổng tư lệnh tối cao (Các sư đoàn đổ bộ và một số đơn vị khác của không quân).

Matxcova tuyên bố là sẵn sàng cử một lực lượng đủ mạnh đến Syria và Ai cập để “đánh trả cuộc xâm lược”. Đã có kế hoạch chi tiết đổ bộ lính thủy đánh bộ vào Latakia.

Chỉ huy tàu khu trục “Nastoitrivyi” Ivan Kapitanhets đã được bổ nhiệm làm chỉ huy trưởng Lực lượng đổ bộ. Theo kế hoạch, trong trường hợp Goland thất thủ và có mối đe dọa trực tiếp đối với Latakia thì lính đổ bộ Liên Xô sẽ tham chiến. Lực lượng này luôn trong trạng thái sẵn sàng đợi lệnh.

Nhưng đến phút chót đã không có lệnh tham chiến. Nếu không, hành tinh chỉ còn cách Thế chiến thứ ba một bước chân (vì Mỹ cũng sẽ vào cuộc để bảo vệ Israel).

Những sự kiện mang tính biểu tượng

Sau cuộc "Chiến tranh tháng mười" với chiến thắng lại thuộc về Israel, Liên Xô tăng khối lượng viện trợ vũ khí và trang bị kỹ thuật quân sự cho các nước A rập. Nước nhận nhiều viện trợ nhất là Syria. Số lượng các cố vấn quân sự và chuyên gia Liên Xô đến quốc gia này ngày càng tăng.

Syria là điểm tựa chủ yếu của Liên Xô ở Trung Đông. Các nhà lãnh đạo Xô Viết có mối quan hệ cá nhân rất thân tình với Tổng thống Syria Khafez Al Asad. Thêm nữa, tổng thống Khafez Al Asad tốt nghiệp trường Không quân Liên Xô, nói tiếng Nga thành thạo. Ông hiểu rất rõ cách tư duy, phong tục tập quán Nga.

Mối quan hệ hai nước trở nên lạnh nhạt vào năm 1976 (thực ra còn sớm hơn - nhưng đấy là một câu chuyện khác). Khi đó Quân đội Syria tham gia Liên quân A rập và đưa quân vào Li Băng. Liên Xô vốn phản đối những hành động như vậy, đã dừng việc cung cấp vũ khí.

Tuy nhiên, các cố vấn quân sự Liên Xô vẫn tiếp tục có mặt tại Syria, đào tạo cán bộ cho Quân đội Syria tại các Học viện công binh, Học viện Bộ tổng tham mưu tại Damask, các trường cao đẳng pháo binh, lục quân và không quân của Quân đội Syria.

Không lâu sau đó mối quan hệ hợp tác giữa hai nước lại nồng ấm trở lại. Đúng 35 năm trước đây, mùa thu năm 1980, Tổng thống Syria Khafez al Asad đến thăm Liên Xô đã được đích thân người đứng đầu nhà nước Liên Xô đón tiếp rất trọng thị.

Ngày 9/10 (sắp kỷ niệm 35 năm) hai nước đã ký Hiệp ước hợp tác và hữu nghị, trong đó có điều khoản Liên Xô sẽ hỗ trợ đất nước Trung Đông này trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự. Đây là một sự kiện mang tính biểu tượng, nếu tính tới tình hình Trung Đông tại thời điểm này. Người đứng đầu Syria hiện nay là Bashar Asad - con trai của tổng thống Syria năm 1980 Khafez al Asad.

Hàng trăm cố vấn quân sự Liên Xô đã được cử đến Syria để giúp xây dựng quân đội. Tháng 7/1981, Hai nước đã tiến hành một cuộc tập trận chung quy mô lớn ở Địa Trung Hải có sự tham gia của lính thủy đánh bộ và luyện tập các phương án đổ bộ đường biển.

Cuộc đối đầu mới

Tháng 6/1982, Quân đội Israel tiến hành chiến dịch “Hòa bình cho Galilea”, tấn công Quân đội Syria và các lực lượng Tổ chức giải phóng Palestine đang hiện diện tại Li Băng. Tuy nhiên, các hoạt động tác chiến diễn ra không lâu.

Đội quân của I. Arafat, sau đó là Quân đội Syria nhanh chóng phải rút quân khỏi Li Băng (điểm đáng chú ý trong chiến dịch này là các tổ hợp tên lửa SAM-6 của Syria ở thung lũng Bekka bị phá hủy gần hết, Quân Syria bị thiệt hại đáng kể).

Phương Tây giải thích nguyên nhân chính trong thất bại của Syria là do chất lượng vũ khí Liên Xô kém. Tuy nhiên, Cố vấn quân sự trưởng Liên Xô tại Syria Grigori Iashkin có quan điểm khác, trong bức điện của ông gửi Bộ trưởng quốc phòng Liển Xô Dmitri Ustinov có nội dung sau đây: “Nếu biết cách sử dụng, vũ khí và phương tiện kỹ thuật quân sự Xô Viết có ưu thế vượt trội so với các loại vũ khí hiện đại nhất của Mỹ và Israel, đặc biệt là các tăng T-72 và T-62 ” .

Tuy nhiên, ông này cũng thừa nhận là có một số loại vũ khí của Liên Xô thua kém vũ khí cùng chủng loại của Mỹ và Israel (không rõ là những loại nào).

Tháng 10/1982, Khafez al- Asada bay đến Matxcova. Sau các cuộc đàm phán với các nhà lãnh đạo Xô Viết, hai bên quyết định bố trí ở Syria một cụm quân phòng không mạnh, 3 trung đoàn tên lửa phòng không tầm xa được trang bị các tổ hợp tên lửa phòng không S-200 và một phi đội máy bay lên thẳng. Một nhóm chuyên gia quân sự Xô Viêt hùng hậu đồng thời được cử đến Trung Đông.

Theo các số liệu khác nhau vào đầu những năm 1980, có tới hơn 5.000 cố vấn và chuyên gia quân sự Xô Viết có mặt tại Syria (theo “Bách khoa quân sự toàn thư – các cuộc chiến tranh nửa sau thế kỷ XX – Minsk -1998” thì cho rằng con số này là hơn 7.000 người ở cùng một thời điểm).

Tin tưởng vào chiến thắng

Thời gian đầu sau khi Liên Xô tan rã, Nga vẫn cung cấp cho Syria 300 xe tăng T-72S. Sau đó mối quan hệ hợp tác quân sự giữa hai nước bị gián đoạn do những trục trặc về thanh toán các khoản nợ mua vũ khí trang bị kỹ thuật quân sự Liên Xô. Đến năm 1996, mối quan hệ hai nước lại được khôi phục và như thường nói là “được nâng lên một tầm cao mới” .

Quân đội Syria nhận các tổ hợp tên lửa chống tăng “Kornet-E”, súng phóng lựu RPG-29, tên lửa có điều khiển “Bastion” và Reflex”, tiêm kích Su-27 và MiG-29. Sau đó hai bên ký các hợp đồng cung cấp các tổ hợp tên lửa phòng không Nga “Strelets” với các tên lửa “Strela”, gần 50 tổ hợp tên lửa- pháo phòng không “Pantsir –S1” và nhiều loại vũ khí khác.

Khafez al Asad (cha) lãnh đạo Syria 30 năm. Còn người kế nhiệm – con trai ông là Bashar Asad đã nắm quyền được 15 năm – từ năm 2000. Nhưng B.Asad kế nhiệm là ngoài ý định của cha – người mà Asad cha dự định trao quyền kế vị là con trai cả Basil, nhưng không may là ông này đã mất năm 1994 trong một vụ tai nạn ô tô.

Tháng 6/2014. B.Asad tái đắc cử nhiệm kỳ tổng thống thứ ba – theo các số liệu công bố chính thức thì ông nhận được gần 89% số phiếu. Còn theo số liệu của CIA thì ông được gần 75% cử tri ùng hộ .

B.Asad trong lời kêu gọi những người ủng hộ ông tại Quảng trường ở Damask sau bầu cử đã tuyên bố rất tự tin: “Chúng ta đã chiến thắng được một âm mưu – âm mưu này đã bị đánh bại hoàn toàn. Chúa bảo vệ Syria và nhân dân Syria vĩ đại”.

Tháng 3/2011, một phong trào phản đối của những người bất mãn với chính quyền lan rộng khắp lãnh thổ Syria. Khởi đầu từ thành phố Dera và sau đó ra cả nước. Trong số những người chống đối tổng thống có cả chú ruột ông, cựu phó tổng thống Rifatal al–Asad.

Lịch sử quan hệ Nga-Syria: Nhiệt thành bên người chiến bại - 2

Tổng thống Nga V.Putin và Tổng thống Syria B.Asad năm 2009

Còn về mối quan hệ Nga - Syria hiện nay thì như mọi người đã biết (phần nổi). Chỉ một ví dụ nhỏ nhưng rất có ý nghĩa, ngày 6/3/2014 lãnh đạo Syria đã gửi một bức điện bày tỏ sự ủng hộ hoàn toàn của Syria đối với Tổng thống Nga V.Putin trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Crimea .

Tại Liên Hợp Quốc, Syria bỏ phiếu chống lại nghị quyết không công nhận tính hợp pháp của cuộc trưng cầu dân ý ở bán đảo này. Syria là một trong những quốc gia ủng hộ Nga nhiệt thành trong các vấn đề quốc tế.

Và hiện nay, Không quân Nga lại đang tham chiến ở Syria. Các diễn biến tiếp theo sẽ như thế nào, khó có thể nói trước – chỉ biết rằng đây không phải là lần đầu người Nga có mặt tại Syria .

Theo Lê Hùng (tổng hợp)

Đất Việt

Lịch sử quan hệ Nga-Syria: Nhiệt thành bên người chiến bại - 3