1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Lịch sử mâu thuẫn âm ỉ Ấn Độ - Pakistan từ ngày lập quốc

Nguyễn Nhâm

(Dân trí) - 74 năm kể từ khi ra đời, hai quốc gia láng giềng Ấn Độ và Pakistan vẫn căng thẳng về về nhiều vấn đề, từ tôn giáo đến lãnh thổ.

Lịch sử mâu thuẫn âm ỉ Ấn Độ - Pakistan từ ngày lập quốc - 1

Các binh sĩ Ấn Độ tuần tra tại khu vực biên giới với Pakistan (Ảnh: Reuters).

Ngày 14-15/8, Ấn Độ và Pakistan kỉ niệm 74 năm độc lập. Nhưng bình minh đầu tiên của hai nước năm 1947 là những ngày đen tối nhất của thế giới trong thế kỉ 20, bạo lực sắc tộc đã dẫn đến cái chết của gần 1 triệu người, khi khoảng 15 triệu người phải bỏ nhà sơ tán sang phần đất mới của mình.

Từ thế kỷ XVIII, các vùng rộng lớn của Ấn Độ dần bị sát nhập bởi Công ty Đông Ấn của Anh Quốc. Một bộ phận lớn người da đỏ Ấn Độ trở thành những nô lệ làm việc trong đồn điền, để tạo ra của cải cho người Anh. Một số khác được giao cho đất đai nhưng phải chịu mức thuế cao, họ còn bị cấm thực hành một số nghi thức tôn giáo truyền thống.

Cho đến năm 1857, một cuộc nổi dậy quy mô lớn đã diễn ra, nhưng chỉ kéo dài được một năm. Chính phủ Anh trực tiếp kiểm soát Ấn Độ bằng quân đội. Khoảng 74.000 người đã thiệt mạng. Sau Thế chiến I, phong trào đòi độc lập diễn ra khắp nơi, nổi bật nhất là phong trào bất bạo động của nhà lãnh đạo Mahatma Gandhi.

Trong Thế chiến II, Vương quốc Anh hứa sẽ trao trả độc lập cho Ấn Độ để đổi lấy việc người Ấn tham chiến. Sau chiến tranh, kinh tế Anh bị thiệt hại nặng nề, và việc duy trì thuộc địa ở Ấn Độ trở thành một gánh nặng. Thủ tướng Anh khi đó là Clement Atlee tuyên bố rút khỏi Ấn Độ, dự kiến vào tháng 6/1948. Tuy nhiên, mâu thuẫn nội bộ Ấn Độ lại diễn ra căng thẳng và đổ máu.

Từ nhiều thế kỷ, ba tôn giáo chính ở Ấn Độ là đạo Hindu, đạo Hồi và đạo Sikh tồn tại xen kẽ. Liên đoàn Hồi giáo do Muhammad Ali Jinnah đứng đầu, đấu tranh mạnh mẽ để tách ra thành quốc gia riêng Pakistan, vì lo ngại quyền lực sẽ về tay người Hindu. Đảng Quốc Đại Ấn Độ do ông Jawaharlal Nehru lãnh đạo muốn các tôn giáo cùng tồn tại trong một quốc gia thống nhất. Thỏa hiệp được đưa ra, trong đó Pakistan có nhiều quyền lực trong một Ấn Độ liên bang, nhưng không được ông Nehru chấp nhận.

Ngày 16/8/1946, Jinnah kêu gọi người Hồi giáo tổng đình công trên toàn Ấn Độ để đòi li khai. Bạo loạn bùng phát ở Calcutta, thủ phủ tỉnh Tây Bengal, châm ngòi cho một tuần đẫm máu mang tên "Đại thảm sát Calcutta" khiến 5.000 người thiệt mạng, sau đó tiếp tục lan sang Noakhali, Bihar giữa các nhóm Hồi giáo và Hindu. 

Năm 1947, người Hồi giáo tấn công và áp đảo người Sikh ở tỉnh Punjab. Theo The Guardian, thủ phạm chính của sự giết chóc là những băng nhóm có tổ chức, vũ trang. Những nhóm này do các trưởng làng hoặc địa chủ lập ra, lợi dụng sự hỗn loạn để thanh lọc sắc tộc hay giành thêm tài sản và quyền lực.

Để khỏi phải chịu trách nhiệm cho cảnh bạo lực ngày một trầm trọng, Toàn quyền Louis Mountbatten quyết định đẩy ngày độc lập cho Ấn Độ sớm hơn, tức ngày 15/8/1947 thay vì tháng 6/1948 như dự kiến. Ấn Độ được chia thành hai quốc gia. Theo đó, các tỉnh đa số người Hồi giáo thuộc về Pakistan, các tỉnh đa số người Hindu thuộc về Ấn Độ. Tỉnh Punjab và Bengal bị chia đôi với ranh giới chưa được quyết định. Ngày 14-15/8/1947, Pakistan và Ấn Độ lần lượt tuyên bố độc lập mặc dù chưa rõ ranh giới lãnh thổ.

Ngày 18/8/1947 khi biên giới được công bố, người Hồi giáo phải rời khỏi Ấn Độ đến Pakistan, còn người Hindu và Sikh phải sang Ấn Độ. Suốt tháng 8-9/1947, hàng triệu người tị nạn tạo thành những dòng người dài nhiều km. Bệnh tật hoành hành, trẻ em bị bỏ rơi. Số khác sơ tán bằng những chuyến tàu quá tải và trở thành mục tiêu của các băng nhóm. Những tháng sau đó, khoảng 15 triệu người phải vượt qua biên giới, khoảng 1 triệu người bỏ mạng. Hàng chục nghìn phụ nữ bị bắt cóc, cưỡng hiếp, hàng nghìn người khổ sở trong các trại tị nạn.

Kể từ ngày độc lập, Ấn Độ và Pakistan vẫn những mâu thuẫn. Hai bên đã lâm vào các cuộc chiến tranh chấp ở Jammu và Kashmir. Đó là các cuộc chiến 1947-1948, 1965, 1971, căng thẳng vào các năm 2019, 2020.

Tháng 10/1947, Pakistan đánh chiếm Jammu và Kashmir. Maharaja và Hari Singh ký hiệp ước sáp nhập Kashmir vào Ấn Độ. Nước này đã cho quân nhảy dù xuống Kashmir và giành quyền kiểm soát khu vực. Tháng 12/1947 quân đội Pakistan cùng với lực lượng nổi dậy Hồi giáo tiếp tục tấn công vào Tây Nam Kashmir. Tới tháng 5/1948 chiến sự mở rộng lên cả phía Bắc và Tây Bắc Kashmir. Nhờ Liên Hợp Quốc, hai bên đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn, có hiệu lực từ 1/1/1949. Tuy nhiên, vấn đề Jammu và Kashmir vẫn chưa được giải quyết. 

Lịch sử mâu thuẫn âm ỉ Ấn Độ - Pakistan từ ngày lập quốc - 2

Ấn Độ và Pakistan thường xuyên xảy ra xung đột ở khu vực biên giới tranh chấp tại Kashmir (Ảnh: Euronews).

Ngày 5/8/1965, các nhóm vũ trang Pakistan đột nhập sang khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát, Ấn Độ cũng cho quân chiếm một số điểm trên tuyến ngừng bắn phía Pakistan. Ngày 1/9, Pakistan mở cuộc tấn công lớn bằng xe tăng vào khu vực Jammu và Kashmir. Ngày 6/9, Ấn Độ tổ chức phản công đánh chiếm Lahore, thủ phủ tỉnh Punjab của Pakistan. Ngày 23/9 hai bên ngừng bắn theo đề nghị của Liên Hợp Quốc. Hội nghị hòa bình giữa Ấn Độ và Pakistan được tổ chức từ ngày 4-10/1/1966.

Ngày 3-4/12/1971, Pakistan tấn công Kashmir, vì lý do Ấn Độ ủng hộ việc thành lập Bangladesh tách khỏi Pakistan. Ấn Độ cũng đánh vào phía Đông Pakistan và một số khu vực ở Tây Pakistan. Ngày 16/12, Ấn Độ chiếm Dacca, tạo điều kiện cho lực lượng người Bengal giành quyền làm chủ Đông Pakistan. Ngày 17/12, Ấn Độ tuyên bố ngừng bắn, kết thúc chiến tranh Ấn Độ - Pakistan lần 3. Tuy nhiên, nguy cơ gây chiến tranh và xung đột quân sự vẫn tiềm ẩn.

Năm 1999, Ấn Độ - Pakistan tiến gần tới chiến tranh hạt nhân ở mức đáng báo động. Năm 2003, Ấn Độ và Pakistan đã đồng ý ngừng bắn, nhưng đến năm 2014, Thủ tướng Narendra Modi của Ấn Độ lên nắm quyền đã thực hiện đường lối cứng rắn với Pakistan. Thủ tướng Modi cũng đã hủy chuyến đi tới thủ đô Islamabad để tham dự hội nghị thượng đỉnh khu vực vào năm 2017.

Ngày 14/2/2019, một vụ đánh bom ở biên giới hai nước đã khiến 45 binh sĩ thiệt mạng. Căng thẳng tiếp tục leo thang vào ngày 27/2 khi hai bên tuyên bố bắn hạ máy bay của nhau và đóng cửa không phận phía Bắc. Ngày 28/2, Pakistan công pháo vào biên giới làm 5 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng, Ấn Độ cũng đáp trả, làm 14 người Pakistan thương vong.

Ngày 5/8/2019, Ấn Độ thu hồi quy chế đặc quyền với bang Jammu và Kashmir. Pakistan lên án quyết liệt quyết định này và tuyên bố sẽ "thực hiện mọi phương án có thể" để chống lại nó. Pakistan hạ cấp quan hệ ngoại giao với Ấn Độ và đình chỉ mọi hoạt động thương mại. Ngày 26/11/2020, giao tranh lại bùng phát giữa quân đội Ấn Độ và quân đội Pakistan tại Ranh giới kiểm soát (LoC) phân chia khu vực tranh chấp Kashmir.

Như vậy, sau nhiều năm, mâu thuẫn giữa Ấn Độ và Pakistan vẫn chưa được hóa giải. Và bức tranh hiện tại vẫn chưa sáng sủa, khi cả hai nước đều dễ bị tổn thương hơn bao giờ hết trước chủ nghĩa cực đoan tôn giáo.