1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Lịch sử 26 năm trỗi dậy của siêu cường quân sự Nga

26 năm sau khi Liên bang Xô viết sụp đổ, Liên bang Nga đã trở lại với vị thế của một cường quốc quân sự hùng mạnh.

Nước Nga vô cùng khó khăn sau khi Liên Xô sụp đổ

Quân đội Nga trong những năm gần đây luôn chiếm vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng tiềm lực quân sự thế giới, chỉ đứng sau Mỹ. Đây là điều mà phương Tây buộc phải thừa nhận.

"Lãnh đạo Nga có tầm nhìn xa trông rộng vào tương lai, quân đội Nga có thể chiến đấu đơn độc một mình. Nga sẽ khó khăn khi chiếm đóng toàn bộ một quốc gia, nhưng có thể tiêu diệt lực lượng vũ trang của nước đó. Thời điểm có thể bỏ qua Nga như một nước không quan trọng đã trôi qua” - bình luận viên Alexandr Khrolenko của Sputnik nhấn mạnh.

Trong nhiều thế kỷ, quân đội và hải quân vẫn là nền tảng của nhà nước Nga. Tuy nhiên, sự biến đổi xã hội -nhà nước vào thập niên cuối của thế kỷ XX giống như cuộc chiến, chiến thắng trong đó có nghĩa là sự tiếp tục đi lên của các lực lượng vũ trang và của bản thân nước Nga.

Sau khi Liên bang Xô viết tan rã vào năm 1991, trong những năm đầu tồn tại của nước Nga mới, nền kinh tế và hệ thống tài chính ở trong cơn suy thoái. Trên đất nước xuất hiện "nền kinh tế thị trường hoang dã" một cách lạ lùng, chủ nghĩa ly khai và khủng bố quốc tế lên ngôi ở vùng Bắc Kavkaz.

Và ở cấp độ quốc gia, nước Nga thừa hưởng từ Liên Xô quân đội với hơn 2,8 triệu người nhưng nó không còn là một khối thống nhất sức mạnh, không ai thực sự có thể hình dung một cách rõ ràng là quân đội sẽ ra sao để cần thiết cho một nước Nga mới, cả về số lượng lẫn chất lượng.

Và điều đó không thể không ảnh hưởng đến tình trạng của các lực lượng vũ trang, bởi tình trạng quân đội khó khăn đến nỗi tiền lương của một sĩ quan cao cấp ở giữa thập niên 90 của thế kỷ trước quy đổi ra chỉ được có vẻn vẹn… 5 USD.

Quân đội không nhận được nhiên liệu và các nguồn lực vật chất cho đào tạo, huấn luyện chiến đấu, cho các cuộc hành quân, cũng như các chuyến bay huấn luyện.

Quân đội Nga đã khôi phục được vị thế siêu cường quân sự
Quân đội Nga đã khôi phục được vị thế siêu cường quân sự

Nhiều đơn vị quân đội trong nhiều năm bị cắt giảm biên chế hoặc bị giải thể dần theo từng đợt nhằm tiết kiệm ngân sách. Hệ thống thao trường và sân bay quân sự trên cả nước bỏ hoang mọc đầy cỏ dại…

Tuy nhiên, trong những năm khó khăn đó, quân đội Nga vẫn được giữ vững bởi những quân nhân trung thành và chuyên nghiệp.

Các đơn vị tên lửa chiến lược trên đất liền và các thủy đoàn của tàu ngầm hạt nhân trong đại dương không một phút gián đoạn nhiệm vụ trực chiến; phi công vẫn cất cánh lên bầu trời, thủy thủ bằng mọi cách đã có thể duy trì những con tàu sẵn sàng cho các chuyến hải trình dài ngày; những chiến sĩ đặc nhiệm quét sạch từng ngọn đồi hẻm núi Bắc Kavkaz khỏi chủ nghĩa khủng bố xâm nhập từ bên ngoài vào; còn bộ đội biên phòng đã dùng cả hàm răng với nghĩa đen để gìn giữ biên giới quốc gia.

Vào thời điểm khởi đầu thế kỷ 21, ảo tưởng về việc dường như khởi đầu "kỷ nguyên không có chiến tranh" đã bị các siêu cường quốc phương Tây làm tiêu tan bằng “mọi nỗ lực”, và họ nhầm tưởng rằng, với sự suy yếu của nước Nga, họ có thể đơn phương làm tất cả mọi việc.

Tuy nhiên, sự trỗi dậy của người khổng lồ Liên bang Nga đã phá tan giấc mộng thống trị một thế giới đơn cực của phương Tây.

Nga khôi phục vị thế của một siêu cường

Theo đà hồi phục của nền kinh tế Nga, tiềm lực quốc phòng quốc gia và sức mạnh của quân đội đã được củng cố, bắt đầu khôi phục lại khả năng sẵn sàng chiến đấu.

Cơ sở pháp lý cho các lực lượng vũ trang Nga được thiết lập hoàn toàn vào năm 2000, khi đất nước đã xây dựng hoàn chính một số bộ luật, phê chuẩn Khái niệm an ninh quốc gia và Học thuyết quân sự của Liên bang Nga trong thời kỳ mới.

Những tiến bộ đáng kể trong quân đội Nga bắt đầu vào năm 2008, sau khi truy quét quân đội Gruzia chạy khỏi Nam Osetia và Abkhazia; buộc Tbilisi phải chấp nhận hòa bình, trong khuôn khổ “Cuộc chiến tranh 5 ngày”.

Ở Nam Ossetia, quân đội Nga lần đầu tiên đụng độ trong thực chiến với vũ khí, trang thiết bị và phương tiện truyền thông tiêu chuẩn NATO. Mặc dù giành chiến thắng nhưng công nghệ quân sự của Nga rõ ràng đã trở nên lạc hậu. Và việc cải tổ quân đội theo hướng hiện đại hóa là điều không thể trì hoãn thêm nữa.

Việc tái trang bị quân đội Nga trong năm 2010 đã được phân bổ 20 nghìn tỷ rúp, mục tiêu trong vòng một thập kỷ tăng tỷ lệ của các thiết bị mới lên đến 70%. Và chương trình này đã được thực hiện thành công, tổ hợp công nghiệp quốc phòng, khả năng chiến đấu của quân đội và hải quân đã được phục hồi.

Chỉ trong năm 2016, quân đội Nga đã nhận được hơn 5.500 vũ khí và thiết bị quân sự, bao gồm 23 tổ hợp tên lửa liên lục địa Yars, không hề e ngại bất kỳ hệ thống phòng thủ tên lửa nào.

Năm 2016, lần đầu tiên trong một phần tư thế kỷ ở Nga đã thành lập một đơn vị xe tăng thế hệ mới, và hiện nay, biên giới phía tây của đất nước (giáp với lãnh thổ các nước NATO) được hai quân đoàn binh chủng hợp thành bảo vệ.

Dự kiến, cho đến năm 2025, lục quân Nga sẽ được trang bị vũ khí siêu thanh hiện đại, hệ thống robot chiến đấu thông minh và tổ hợp vũ khí dựa trên các nguyên tắc vật lý mới như vũ khí laser...

Lực lượng Hàng không-Vũ trụ Nga trong năm 2016 đã nhận được 5 hệ thống tên lửa phòng không tầm xa tiên tiến S-400 Triumph, nhiều tiêm kích đời mới nhất Su-35S, nâng cấp các máy bay ném bom chiến lược Tu-160 và Tu-95 mang tên lửa hành trình tầm xa, và hàng loạt trực thăng tấn công, vận tải và trực thăng đa năng.

Trong năm 2017, không quân Nga sẽ được tăng cường hàng loạt máy bay ném bom tiền tuyến thế hệ mới Su-34 và năm 2018 sẽ bổ sung thêm một lô lớn máy bay tiêm kích Su-30SM. Tiếp theo đó sẽ là các chiến đấu cơ thế hệ 5 có tính năng tàng hình là Sukhoi T-50 PAK FA.

Quân đội Nga hiện được đánh giá đứng số 2 thế giới, sau Mỹ
Quân đội Nga hiện được đánh giá đứng số 2 thế giới, sau Mỹ

Hải quân cũng được nâng cấp đáng kể với các tàu nổi và tàu ngầm tiên tiến nhất thế giới, cùng với kế hoạch chế tạo tàu sân bay hạt nhân thế hệ mới. Tên lửa siêu thanh 3M22 Zircon phiên bản trang bị cho tàu nổi và tàu ngầm đã được thử nghiệm theo thiết kế.

Hạm đội hải quân Nga đã trở lại các đại dương trên thế giới với những cuộc tuần tiễu tầm xa và khả năng tác chiến trên mọi vùng biển.

Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), năm 2016 nước Nga là một trong ba nước đứng đầu thế giới về chi tiêu cho quân sự với ngân sách quốc phòng là 69,2 tỷ USD.

Nhà phân tích Alexandr Khrolenko của Sputnik chỉ rõ, Moscow không đe dọa ai, nhưng năng lực của các lực lượng vũ trang và công nghiệp quốc phòng của đất nước đã làm cho Nga có thể mở rộng ảnh hưởng về địa chính trị và giành 27% thị trường vũ khí toàn cầu.

25 năm sau sự sụp đổ của Liên Xô, nước Nga trở nên mạnh hơn bất kỳ kẻ xâm lược tiềm năng nào. Và trái ngược với những vũ khí của phương Tây, "dòng chảy thép" của vũ khí Nga đã góp phần củng cố hòa bình trên hành tinh.

Tạp chí Mỹ The National Interest buộc phải thừa nhận rằng, "nhờ những cải cách được khởi xướng vào tháng 10/2008 và chương trình hiện đại hóa được đầu tư khoảng 670 triệu USD, lực lượng vũ trang Nga đã trở thành quân đội hùng mạnh thứ 2 thế giới, là một trong những công cụ đáng tin cậy nhất của sức mạnh quốc gia.

Theo Huy Bình

Đất Việt