1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Bờ Biển Ngà

LHQ trừng phạt Tổng thống đương chức, phe đối lập chiếm thủ đô

(Dân trí) - Hội đồng bảo an hôm qua đã yêu cầu chấm dứt ngay bạo lực tại Bờ Biển Ngà và áp đặt lệnh cấm vận đối với Tổng thống đương nhiệm Gbagbo, người quyết không nhường chức cho đối thủ Ouattara, được quốc tế công nhận giành chiến thắng trong cuộc bầu cử mới đây.

 

LHQ trừng phạt Tổng thống đương chức, phe đối lập chiếm thủ đô - 1
Tổng thống đang tại chức Bờ Biển Ngà Laurent Gbagbo.
 

Đồng loạt các thành viên trong Hội đồng bảo an đã nhất trí với những biện pháp trừng phạt đối với ông Gbagbo. Cuộc bỏ phiếu diễn ra 5 ngày sau khi Pháp và Nigeria đệ trình phác thảo nghị quyết bày tỏ “lo ngại sâu sắc” về nguy cơ quốc gia Tây Phi có thể rơi vào một cuộc nội chiến.

 

“Tôi nghĩ vấn đề rất cấp bách bởi...sự đối đầu đang lan rộng ở Bờ Biển Ngà và tình hình đang xấu đi theo từng giờ”, Đại sứ Pháp tại Liên hợp quốc Gerard Arauad cho hay. Thông điệp “rất đơn giản – ông Gbagbo phải ra đi. Đó là cách duy nhất tránh được một cuộc nội chiến”.

 

Cuộc bỏ phiếu của cơ quan quyền lực nhất Liên hợp quốc được diễn ra một ngày sau khi các tay súng ủng hộ ông Alassane Ouattara, người được quốc tế công nhận là tổng thống sau cuộc bầu cử tháng 11/2010, chiếm được thủ phủ hành chính Yamoussoukro. Đây được xem như là chiến thắng mang tính biểu tượng của lực lượng Ouattara, sau nhiều tháng bất ổn chính trị. Bất ổn bắt đầu khi ông Gbagbo, tổng thống đang tại chức, từ chối công nhận kết quả cuộc bầu cử hồi tháng 11.

 

Nghị quyết yêu cầu “chấm dứt ngay bạo lực” và kêu gọi tất cả các bên ở Bờ Biển Ngà “tôn trọng ý nguyện của người dân và cuộc bầu cử”, với ông Ouattara là tổng thống.

 

Nghị quyết cũng lên án quyết định của ông Gbagbo không chấp nhận giải pháp do một ủy ban cấp cao của Liên minh châu Phi đề xuất hồi đầu tháng này, theo đó công nhận ông Ouattara là tổng thống và kêu gọi ông Gbagbo từ chức ngay lập tức.
 
 
LHQ trừng phạt Tổng thống đương chức, phe đối lập chiếm thủ đô - 2
Ông Ouattara được quốc tế công nhận là Tổng thống của Bờ Biển Ngà.

Liên minh châu Phi cũng gợi ý với ông Ouattara bổ nhiệm các thành viên trong đảng của ông Gbagbo tham gia vào một chính phủ hợp nhất. Ông Ouattara cho hay ông ủng hộ ý tưởng này từ chiến dịch tranh cử tổng thống năm ngoái, nhưng ông Gbagbo từ chối.

 

Nghị quyết của Liên hợp quốc ủng hộ đề xuất của Liên minh châu Phi và kêu gọi “một giải pháp chính trị toàn diện nhằm đảm bảo dân chủ, hòa bình và ủng hộ hòa giải trong dân”.

 

Bờ Biển Ngà, nhà sản xuất ca cao lớn nhất thế giới, đã chìm trong bất ổn gần một thập kỷ nay.

 

Đất nước bị chia rẽ giữa một bên là miền bắc do phe nổi dậy nắm giữ và một bên là miền nam do chính phủ nắm giữ sau vụ đảo chính châm ngòi cho cuộc nội chiến vào năm 2002. Một thỏa thuận hòa bình vào tháng 3/2007 đã đưa các lãnh đạo nổi dậy vào chính phủ và mở ra hi vọng về một chính phủ hợp nhất sau nhiều năm đàm phán và giải giáp vũ khí. Nhưng kết quả của cuộc bầu cử tổng thống ngày 29/11 năm ngoái cho thấy chia rẽ vẫn còn sâu sắc.
 
 
LHQ trừng phạt Tổng thống đương chức, phe đối lập chiếm thủ đô - 3
Lực lượng ủng hộ ông Ouattara chiếm được thủ phủ hành chính Yamoussoukro mà họ coi là thủ đô của chính phủ Ouattara.
 

Các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc đối với Bờ Biển Ngà, bao gồm cấm vận vũ khí và giám sát hoạt động xuất khẩu kim cương thô, đã có hiệu lực từ năm 2004.

 

Để gia tăng áp lực, nghị quyết mới nhất cấm đi lại và đóng băng tài sản của ông Gbagbo, vợ ông và 3 nhân vật ủng hộ quan trọng là  Desire Tagro, Pascal Affi N'Guessan và Alcide Djedje.

 

Đây là nghị quyết mạnh mẽ nhất kể từ khi cuộc khủng hoảng tổng thống bắt đầu. Song Hội đồng bảo an không áp dụng lệnh trừng phạt mạnh trong lĩnh vực tài chính hay thương mại.

 

Hội đồng bảo an cũng nhắm tới các lực lượng trung thành với ông Gbagbo, cho rằng họ đã dùng pháo cối bắn vào dân thường ở thành phố lớn nhất nước Abidjan. Được biết ít nhất 25 người đã thiệt mạng vào ngày 17/3 vừa qua tại quận Abobo của Abidjan, quận do phe nổi dậy chiếm giữ.

Ngoài ra, theo số liệu của Liên hợp quốc, 1 triệu người đã phải rời bỏ nhà cửa, hầu hết là ở thành phố Abidjan, vì bạo lực và ít nhất 462 người đã thiệt mạng kể từ tháng 12 vừa qua.

Phan Anh

Theo AP, BBC

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm