1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

LHQ điều tra Triều Tiên buôn bán vũ khí với Syria, Myanmar

(Dân trí) - Nhóm theo dõi việc thực thi lệnh cấm vận đối với Triều Tiên của Liên hợp quốc hiện đang điều tra thông tin về các hợp đồng có khả năng liên quan đến vũ khí giữa Bình Nhưỡng và Syria cùng Myanmar.

 
LHQ điều tra Triều Tiên buôn bán vũ khí với Syria, Myanmar

Binh sỹ Triều Tiên tại khu vực giáp giới Trung Quốc.
 

Thông tin được hãng thông tấn Reuters tiết lộ vào ngày 17/5 từ một báo cáo mật của nhóm các chuyên gia thuộc Ủy ban trừng phạt Triều Tiên của Liên hợp quốc

 

“Triều Tiên tiếp tục bất chấp các lệnh cấm của Liên hợp quốc”, nhóm này cho biết trong báo cáo được đệ trình lên Ủy ban trừng phạt Triều Tiên của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc vào đầu tuần này.

 

“Các quốc gia thành viên không thông báo cho ủy ban về bất kỳ vi phạm nào liên quan đế việc vận chuyển thiết bị hạt nhân, thiết bị liên quan đến vũ khí hủy diệt hàng loạt khác hoặc các thiết bị tên lửa đạn đạo”, báo cáo cho biết.

 

“Nhưng họ đã thông báo về nhiều vi phạm khác trong đó bao gồm việc bán vũ khí trái phép, các vật dụng liên quan và hàng hóa xa xỉ”.

 

Báo cáo của nhóm chuyên gia trên của Liên hợp quốc khá nhạy cảm. Trung Quốc đã bị nêu tên trong báo cáo là trung tâm vận chuyển cho hàng hóa, thiết bị trái phép của Triều Tiên. Trước đây, Trung Quốc đã ngăn cản Hội đồng bảo an Liên hợp quốc gồm 15 thành viên công bố các báo cáo của Ủy ban theo dõi trừng phạt Triều Tiên và theo các đại sứ tại Liên hợp quốc, họ cũng có thể làm vậy với báo cáo mới nhất lần này.

 

“Mặc dù các lệnh trừng phạt không khiến Triều Tiên ngừng các hoạt động đã bị Liên hợp quốc cấm, nhưng có vẻ như chúng đã làm giảm và khiến các giao dịch bất hợp pháp khó hơn, đắt đỏ hơn”, báo cáo của nhóm chuyên gia cho hay.

 

Một trong những trường hợp cho thấy hoạt động buôn bán vũ khí bất hợp pháp giữa Triều Tiên và Syria đã được thông báo cho Ủy ban trừng phạt vào tháng trước. “Vào tháng 4/2012, Pháp đã thông báo cho ủy ban rằng vào tháng 11/2010 họ đã kiểm tra và bắt giữ một chuyến tàu vận chuyển trái phép các vật liệu liên quan đến vũ khí xuất phát từ Triều Tiên và đích tới là Syria”, báo cáo cho hay.

 

Chuyến tàu, M/V San Francisco Bridge, được khai báo là chở “các thanh và tấm đồng”.

 

“Tuy nhiên, sau khi kiểm tra Pháp phát hiện trên tàu có các đĩa đồng và thanh đồng có thể dùng để sản xuất đạn pháo và ống hợp kim aluminum, có thể dùng để sản xuất tên lửa”, nhóm chuyên gia cho biết.

 

Báo cáo còn trích dẫn một trường hợp vận chuyển chất nổ đẩy được dùng cho tên lửa SCUD và các thiết bị khác dùng cho tên lửa đạn đạo vào năm 2007. Báo cáo của Ủy ban vào năm ngoái đã nhắc đến nhưng năm nay họ cho biết thêm chi tiết về mối liên hệ với Syria và khẳng định những vật dụng đó được vận chuyển qua Trung Quốc.

 

“Chuyến tàu này xuất phát từ Triều Tiên, qua Đại Liên (Trung Quốc) và cảng Kelang (Malyasia) và được vận chuyển qua các cảng khác”, báo cáo tiết lộ. “Nó đang trên đường tới Latakia, Syria.”

 

Mặc dù cả hai chuyến hàng được kể trên đều được vận chuyển trước khi chính phủ Syria tiến hành cuộc truy quét các nhóm đối lập vào tháng 3/2011, song các nhà ngoại giao lo ngại chúng chứng tỏ Damascus đang cố gắng bổ sung thêm loại vũ khí gì vào kho vũ khí của mình và cũng như sự hỗ trợ mà Syria nhận được từ Trung Quốc, Triều Tiên.

 

Nhóm chuyên gia cho biết họ không thể chứng minh Triều Tiên tiếp tục duy trì hợp tác về tên lửa đạn đạo với Iran, Syria cùng các nước khác, song “nhấn mạnh rằng thông tin của họ phù hợp với các báo cáo về lịch sử hợp tác lâu dài của Triều Tiên với những nước này và quá trình giám sát của nhóm chuyên gia”.

 

Hợp tác vũ khí với Myanmar?

 

10 ngàn cây thuốc lá, 12 chai Sake và một số xe Mercedes Benz cũ là những vi phạm mới nhất về lệnh cấm hàng xa xỉ đối với Triều Tiên được báo cáo.

 

Ngoài ra, nhóm chuyên gia hiện đang xem xét khả năng Triều Tiên có hợp đồng hợp tác với Myanmar về vũ khí thông thường, vi phạm lệnh cấm của Hội đồng bảo an năm 2006 và 2009 sau khi Triều Tiên thử hạt nhân vào những năm này.

 

Báo cáo cho biết các chuyên gia quan tâm đến tuyên bố của tân Tổng thống Myanmar rằng nước này “không có hợp tác hạt nhân hay vũ khí với Triều Tiên”. Báo chí đã nhiều lần đưa tin cho rằng các tướng lĩnh dưới chính quyền quân sự cũ của Myanmar đã khai thác triệt để hợp tác hạt nhân –vũ khí với Triều Tiên, cáo buộc mà Myanmar luôn phủ nhận.

 

Báo cáo của nhóm chuyên gia Liên hợp quốc cũng đề cập tới những phủ nhận này song bày tỏ lo ngại về khả năng “hợp tác cấm khác” giữa hai nước.

 

Cụ thể, báo cáo nhắc tới tuyên bố gần đây của chủ tịch quốc hội mới của Myanamar, Thura Shwe Mann, mà theo nhóm chuyên gia Liên hợp quốc ông đã tuyên bố từng ký một bản ghi nhớ với Bình Nhưỡng trong chuyến thăm Triều Tiên năm 2008.

 

“Không phải là hợp tác hạt nhân như là đồn đoán”, nhóm chuyên gia Liên hợp quốc dẫn lời ông Thura Shwe Mann cho hay. “Chúng tôi đã nghiên cứu hệ thống phòng không, các nhà máy vũ khí, máy bay và tàu của họ. Lực lượng vũ trang của họ khá mạnh và vì vậy chúng tôi đồng ý hợp tác với họ nếu cần thiết”.

 

Báo cáo cho rằng ông Shwe Mann có thể đã đi thăm một nhà máy tên lửa đạn đạo ở Triều Tiên và lo ngại bản ghi nhớ vi phạm lệnh cấm của Liên hợp quốc, cấm Triều Tiên bán vũ khí và các công nghệ liên quan, cũng như mua hoặc bán công nghệ hạt nhân, tên lửa.

 

Tuy nhiên, nhóm chuyên gia của Liên hợp quốc cho biết họ không thấy bằng chứng Triều Tiên đang tìm cách xuất khẩu các vật dụng cấm như thép mactenxit già và các ống aluminum độ bền cao, cần thiết để mở rộng chương trình ly tâm làm giàu.

 

“Kể từ tháng 5/2010, Ủy ban không được thông báo về trường hợp Triều Tiên xuất khẩu hoặc mua những thứ này”, báo cáo cho biết. “Không rõ liệu đó có phải là Triều Tiên đã không bị phát hiện hay đã tích trữ những vật dụng này từ trước khi bị trừng phạt hay không”. Nhóm chuyên gia cũng cho rằng Triều Tiên không thể sản xuất được thép mactenxit già có độ cứng cao. Hoặc nếu Triều Tiên có sản xuất được cũng chưa đạt được đến chất lượng cần thiết cho ly tâm làm giàu.

 

Vũ Quý
Theo Reuters