1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Leo thang Biển Đông: Chuyển lửa ra bên ngoài?

Giai đoạn chuyển giao quyền lực là thời kì đáng lo ngại bởi vì một số lãnh đạo và các nhân tố giương ngọn cờ chủ nghĩa dân tộc nhằm phục vụ cho lợi ích của họ, GS Carl Thayer cảnh báo.

Trung Quốc hướng tới ‘khán giả trong nước’

Nhà báo Phương Loan: Trong phần trước, Giáo sư đã phân tích những động thái của Trung Quốc thời gian qua làm leo thang căng thẳng Biển Đông. Ông nhận định khả năng về một cuộc đối đầu giữa các tàu quân sự hai nước là rất thấp. Tuy nhiên dư luận vẫn quan ngại trước thực tế Trung Quốc đang quân sự hóa tranh trấp. Trong một loạt động thái của Trung Quốc vừa qua, có quyết định cho đồn trú quân đội tại cái gọi là Tam Sa. Lãnh đạo nước này cũng nói có một đơn vị đồn trú khác trực thuộc hải quân chịu trách nhiệm chiến đấu ở Biển Đông. Theo GS, mục đích của việc này là gì? Có gì khác so vớicác tuyên bố và hành động trước đây của Trung Quốc ở Biển Đông?

GS Carl Thayer: Sự tham gia trực tiếp của quân đội Trung Quốc là sự thay đổi chính sách đáng chú ý. Điều này rất đáng lo ngại bởi vì quyết định lập đơn vị đồn trú được đưa ra bởi Ủy ban quân ủy trung ương, cơ quan cao nhất về quân đội của đảng.

Leo thang Biển Đông: Chuyển lửa ra bên ngoài?

GS. Carl Thayer trao đổi với GS Tô Hạo của Trung Quốc bên lề hội thảo quốc gia của Việt Nam về Biển Đông tại TP.HCM năm 2011. Ảnh Tuổi trẻ.

Các tuyên bố này của Trung Quốc nhằm hăm dọa và ngăn Việt Nam và Philippines có các hành động trong vùng yêu sách chủ quyền của mình. Nhưng hành động của Trung Quốc thực ra chủ yếu là hướng tới các khán giả trong nước.

Không có vẻ gì là chúng ta sẽ chứng kiến việc xây dựng một căn cứ quân sự lớn ở đảo Trúc Lâm hay sự tham gia trực tiếp của Hải quân Trung Quốc trong các tranh chấp ở Biển Đông.

Chuyển lửa ra bên ngoài: Trò chơi nguy hiểm

Bạn Lệ Thùy nêu câu hỏi: Theo ông, những khó khăn kinh tế trong nước ảnh hưởng như thế nào đến sự gia tăng căng thẳng ở Biển Đông?

GS Carl Thayer: Khi các quốc gia tham chiến hoặc can dự vào một cuộc chiến, kinh tế là khía cạnh đầu tiên được tính đến. Đồng thời, một nền kinh tế yếu kém cũng sẽ cản trở hành vi của một quốc gia.

Bạn Lệ ThùyÝ của tôi là: liệu có khả năng căng thẳng hiện nay leo thang một phần bởi một vài bên yêu sách do tình hình kinh tế khó khăn trong nước nên đẩy vấn đề chủ quyền lên, nhằm làm người dân xao nhãng đến những mối lo thiết thân do những khó khăn kinh tế mang lại, giảm áp lực với chính phủ trong việc điều hành, quản trị kém nền kinh tế, nói cách khác, là cách thức chính quyền “chuyển lửa ra bên ngoài”?

GS Carl Thayer: Tôi không nghĩ vậy. Việc gia tăng căng thẳng không giúp giải quyết những khó khăn nằm sâu trong nền kinh tế hay giúp cải thiện năng lực quản trị quốc gia. Đó sẽ là một trò chơi cực kì nguy hiểm mà hệ quả có thể là một cuộc đối đầu. Không ai là kẻ thắng trong tình thế như vậy.

Nhà báo Phương Loan: Theo GS, những vấn đề trong nội bộ, đặc biệt là quá trình chuyển giao quyền lực trước Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc có ảnh hưởng như thế nào đến tình hình trên Biển Đông?

GS Carl Thayer: Rõ ràng Trung Quốc không phải là một thực thể thống nhất. Nghiên cứu của Nhóm khủng hoảng quốc tế ICG cho thấy cái gọi là “9 con rồng” hay 9 bộ của Trung Quốc có trách nhiệm chồng lấn nhau trong các vấn đề trên biển. Một số cạnh tranh với số khác để nắm giữ vai trò lãnh đạo và để gia tăng ngân sách của họ nhằm bảo vệ chủ quyền quốc gia củaTrung Quốc.

Giai đoạn chuyển giao quyền lực là thời kì đáng lo ngại bởi vì một số lãnh đạo và các nhân tố giương ngọn cờ chủ nghĩa dân tộc nhằm phục vụ cho lợi ích của họ. Rất có thể một khi nhóm lãnh đạo mới lên cầm quyền Trung Quốc sẽ nỗ lực để thúc đẩy quan hệ với Mỹ và trong một chừng mực nhất định khuếch tán căng thẳng ở Biển Đông.

Sản phẩm của chủ nghĩa dân tộc + mánh lớichính trị

Nhà báo Phương LoanÔng đánh giá như thế nào về vai trò của giới quân sự Trung Quốc trong việc định hình chính sách đối ngoại của nước này?

GS Carl Thayer: Quân đội Trung Quốc được xem là lực lượng bảo thủ mang nặng chủ nghĩa dân tộc và họ không muốn nhân nhượng trong các yêu sách chủ quyền. Nhưng quân đội Trung Quốc cũng không muốn đẩy tới đối đầu với Mỹ. Quân đội Trung Quốc đóng vai trò chủ đạo trong các chính sách an ninh quốc gia, không phải với chính sách ngoại giao nói chung.

Nhà báo Phương Loan: Cũng liên quan đến vai trò của giới chức quân sự Trung Quốc, bạn đọc Lan Phương đặt vấn đề: ông có cho rằng sự quyết đoán gia tăng của Trung Quốc ở Biển Đông phản ánh thế đi lên của giới chức quân sự trong chính quyền Trung Quốc hay không?

GS Carl Thayer: Sự quyết đoán của Trung Quốc là sản phẩm của chủ nghĩa dân tộc hơn là chủ nghĩa quân sự. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc biết rằng bây giờ không phải thời điểm để thách thức Mỹ ở một cuộc đối đầu quân sự.

Bạn đọc Nguyễn Hưng: Cuối năm nay,Trung Quốc sẽ hoàn thành việc chuyển giao quyền lực. Liệu viễn cảnh tình hình và chính sách Biển Đông của Trung Quốc có gì khác, thưa GS?

GS Carl Thayer: Sự thay đổi lãnh đạo sẽ trao cho nhóm lãnh đạo mới thời gian để đánh giá lại chính sách của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Trung Quốc có vẻ chuyển đổi các chiêu thức và nhấn mạnh vào việc sử dụng ngoại giao trước tiên. Nhưng Trung Quốc sẽ không từ bỏ các yêu sách chủ quyền của mình và Trung Quốc sẽ phản ứng lại bất cứ hành động nào xâm phạm quyền tài phán của nước này.

Bạn Hà Ngọc: Đánh giá của GS về chính sách đối ngoại của Trung Quốc dưới thời lãnh đạo mới. Chính sách này tác động như thế nào đối với tình hình Biển Đông?

GS Carl Thayer: Nhiều nhà phân tích đang trông đợi hành xử tốt hơn của Trung Quốc trên Biển Đông dưới thời Tập Cận Bình bởi các mánh khóe chính trị nhằm hướng tới vị trí lãnh đạo sẽ không còn áp dụng.

Điều này không đồng nghĩa với việc sẽ chấm dứt cuộc tranh cãi về chủ quyền nhưng rất có thể Trung Quốc sẽ nỗ lực để sử dụng ngoại giao một cách tốt hơn.

Bạn Phạm Dũng: Để sang một bên những sự kiện căng thẳng gần đây, theo ông, đâu là bản chất của tranh chấp ở Biển Đông?

GS Carl Thayer: Bản chất lâu dài của tranh chấp Biển Đông nằm ở chủ nghĩa dân tộc tài nguyên, đặc biệt ở dầu, khí và hải sản. Bằng việc yêu sách chủ quyền với các đảo, một quốc gia có thể yêu sách 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế. Quốc gia đó nhờ đó có quyền tài phán với các tài nguyên dưới nước, trên thềm lục địa và dưới đáy biển. Trữ lượng dầu và khí theotính toán của Trung Quốc cao hơn 7 lần so với tính toán của Mỹ. Và Trung Quốc muốn kiểm soát nguồn dầu và khí này trên Biển Đông.

Nguyên trạng: Viễn cảnh tốt nhất

Nhà báo Phương Loan: Viễn cảnh tốt nhất và xấu nhất cho căng thẳng Biển Đông trong những năm tới?

GS Carl Thayer: Viễn cảnh tốt đẹp nhất là khi Trung Quốc và ASEAN triển khai các hoạt động hợp tác trong DOC và đạt thỏa thuận và cam kết COC trên Biển Đông. Với COC là nền tảng, tất cả các bên có thể đồng ý cùng phát triển.

Viễn cảnh xấu nhất là khi Trung Quốc chộp cơ hội buộc một nước phải rút ra khỏi đảo hoặc đá ở Biển Đông và sau đó chiếm đóng đảo, đá đó và đóng quân tại đảo và đá để bảo vệ thành quả từ việc chiếm đoạt ấy.

Nhà báo Phương Loan: Theo Giáo sư, đâu là viễn cảnh mà tất cả các bên yêu sách chủ quyền đều có thể hài lòng?

GS Carl Thayer: Tranh chấp chủ quyền sẽ không được giải quyết. Duy trì tính nguyên trạng một cách hòa bình không có mối đe dọa vũ lực, cùng phát triển trong một số khu vực nhất định có chọn lựa, và tăng cường hợp tác trong khuôn khổ DOC có thể làm hài lòng tất cả các bên yêu sách.

Còn nữa

Phần 3: Để Trung Quốc hết 'bắt nạt láng giềng'

Trong phần này, Giáo sư Carl Thayer sẽ phân tích những lựa chọn chính sách cho Việt Nam trong bối cảnh một ASEAN chia rẽ và sự quan tâm của các nước lớn đến khu vực gia tăng đồng thời với việc lợi ích của các nước với Trung Quốc cũng không nhỏ.
Theo Hoàng Phương Loan
Tuần Việt Nam