1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Leningrad 900 ngày trong vòng vây của phát xít Đức

Cuộc sống thanh bình của Leningrad bị phá vỡ sau cuộc tấn công của Đức nhằm vào Liên Xô ngày 22/6/1941. Không thể chiếm được thành phố, quân Đức lập vòng vây nhưng rồi đã bị đẩy lui sau gần 900 ngày đêm.

"Xoá sổ St. Petersburg khỏi bản đồ thế giới" là chỉ thị của Hitler. "Với việc Liên Xô thất bại, một khu đô thị lớn như vậy không còn chỗ để tồn tại nữa. Phần Lan cũng không thấy lý do để một thành phố ngay gần biên giới của họ tiếp tục hiện diện... Một cuộc bao vây căng thẳng sẽ được áp dụng với thành phố, đạn pháo và oanh kích không ngớt sẽ biến nơi đây thành đống đổ nát...".

 

Tất cả tiềm năng con người và vật chất của Leningrad được huy động để đẩy lui kẻ thù. Nhiều máy móc và tác phẩm nghệ thuật đã được chuyển đi trước cuộc bao vây. Những nhà máy còn lại được chuyển thành nơi bảo dưỡng vũ khí. Vì đa số nam công nhân đã ra mặt trận, nên người già, phụ nữ và thiếu niên phải vào làm việc trong nhà máy. 

 

Trong thời gian bị vây hãm, thành phố bị bom phá huỷ. Các công viên tuyệt đẹp có đầy hố bom. Không có nhiên liệu, các nhà máy điện và nhà máy nước không thể hoạt động. Mùa đông năm 1941-1942 vô cùng lạnh lẽo, và người Leningrad bị đóng băng trong những ngôi nhà điêu tàn. Khẩu phần bánh mỳ hàng ngày giảm xuống còn 125-350 gram. Mỡ, thịt, đường thường là không có.

 

Thiếu lương thực, thời tiết giá lạnh và các cuộc oanh kích không ngớt khiến số dân thường thiệt mạng tăng nhanh. Tỷ lệ chết tăng vọt vào tháng 1/1942. Người ta ngã ở ngoài đường và không thể gượng dậy được nữa. Buổi tối, các thi thể được đưa về nghĩa trang. Tuy nhiên, vì không thể đào mộ xuống nền đất lạnh cứng, các xác chết cứ nằm trên tuyết. Thi thể những người xấu số mà người nhà không có đủ sức đưa đến nghĩa trang thì nằm lại ở gần nhà.

 

Khẩu phần bánh mỳ bị giảm tới mức thấp nhất. Hội đồng quân sự quyết tâm đưa lương thực và nhiên liệu vào thành phố qua hồ Ladoga. Ngày 12/9/1941, hai xuồng ngũ cốc và bột mỳ cập bến tại Mũi Osinovets từ phía đông hồ. Đây là tuyến đường liên lạc duy nhất trong 900 ngày bao vây và người Leningrad gọi đó là Con đường Sống. Mùa đông đến, vận chuyển đường thuỷ không thể sử dụng được nữa. Việc xây dựng tuyến đường mùa đông trên mặt băng hồ Ladoga bắt đầu. Con đường mùa đông này được gọi là xa lộ quân sự 101.

 

Việc xây dựng được tiến hành trong điều kiện thời tiết cực kỳ giá rét và gió mạnh. Công nhân làm việc liên tục. Con đường xuất hiện dưới mưa bom đạn. Phát xít Đức liên tục nhằm bắn các phương tiện nên việc vận chuyển phải diễn ra trong đêm. Xe cộ thường vấp phải hố bom.

 

Vận chuyển qua hồ Ladoga chỉ có thể giúp duy trì mức khẩu phần bánh mỳ tối thiểu vào tháng 12/1941. Công nhân nhận 350 gram/ngày, còn nhân viên văn phòng, người phụ thuộc và trẻ em là 200 gram.

 

Một nhân vật nổi tiếng trên Con đường Sống là lái xe Maxin Tverdokhleb. Trước Tết 1942, xe tải của ông đi nhận hàng ở bờ phía đông hồ Ladoga - điểm nhận cứu trợ lượng thực cho người bị bao vây. Ông nhận ra ngay rằng xe tải của mình chất toàn hộp gỗ dán đề chữ "Dành cho trẻ em của Leningrad Anh hùng" thay vì những túi bột mỳ bình thường.

 

Thấy sự bối rối của lái xe, viên chỉ huy phụ trách cung cấp lương thực giải thích những hộp này đựng quýt của Gruzia làm quà Năm mới cho trẻ em Leningrad. "Hãy cố gắng đưa hàng về đúng giờ nhé", viên chỉ huy hét trong lúc xe tải chuyển bánh. Bóng tối nhanh chóng sập xuống, trăng sáng. Thật không hay chút nào vì Phát xít Đức đánh bom tuyến đường không chỉ vào ban ngày mà cả ban đêm nữa. Đêm đó cũng không phải ngoại lệ.

 

"Hai máy bay Messerschmitt tấn công tôi", Maxim Tverdokhleb nhớ lại. "Chúng nhằm vào thùng xe và cabin. Tôi đi nhanh, rồi chậm lại, sang trái, sang phải. Xung quanh tôi, tuyết bắn lung tung. Cabin bị trúng mấy viên đạn. Kính chắn gió vỡ thành những mạnh vụn. Tôi thấy có gì đó đâm trúng tay và bỏng rát. Tôi lôi ra để ngăn máu chảy và không bị choáng. Tôi không thể nhìn thấy gì trước mặt nữa. Tôi có thể nhảy ra ngoài và trốn vào lề đường, nhưng còn số quýt cho trẻ em thì sao? Tôi nghĩ tôi sẽ quyết đi đến cùng".

 

Cuối cùng ông cũng tới đích. Xe tải của ông bị trúng 49 viên đạn. Nhưng trẻ em Leningrad thì nhận được quýt từ nước cộng hoà đầy nắng Gruzia trong dịp năm mới.

 

Con đường Sống đã vận chuyển lương thực cho Leningrad suốt mùa đông năm 1941-1942. Nhờ nó mà nhiều mạng sống đã được cứu, thành phố thì vẫn liên lạc được với khu trung tâm.

 

Trong suốt 900 ngày bị vây hãm, Leningrad phải chịu nhiều đau đớn khủng khiếp. Tuy nhiên, tình cảnh thiếu thốn và chết chóc không thể huỷ hoại tinh thần người dân thành phố. Người ta chiến đấu, làm việc tại các nhà máy quốc phòng, áp dụng các chương trình phù hợp hoàn cảnh. Vào mùa hè, họ trồng rau trong công viên và trên đại lộ. "Không một thử thách nào có thể phá vỡ tinh thần chúng tôi" là câu nói thường được nghe thấy. "Thành phố sẽ không đầu hàng kẻ thù. Chỉ khi nào sông Neva chảy ngược dòng, thành phố mới đầu hàng Đức Quốc xã".

 

Trong lúc khó khăn như vậy, người Leningrad vẫn không quên sáng tác thơ và soạn nhạc. Đó chính là thời điểm nhà soạn nhạc Nga Dmitry Shostakovich viết Bản giao hưởng số 7. Ngày 9/8/1942, dàn nhạc chơi bản nhạc tại nhà hát. Nhạc vừa dứt, tiếng vỗ tay vang lên. Khán giả rơi nước mắt, những giọt nước mắt vui mừng và tự hào.

 

Trước sự dũng cảm, kiên cường của người dân Leningrad, phát xít Đức không thể chiếm được thành phố. Tháng 1/1944, Hồng quân phản công, chấm dứt cuộc bao vây kéo dài 900 ngày đêm. Leningrad trở thành biểu tượng cho lòng dũng cảm, không thể đánh bại của Liên Xô.

 

Theo Nguyễn Hạnh

Vnexpress/Voice of Russia, BBC