1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Lầu Năm Góc yêu cầu Nhà Trắng không chính trị hóa quân đội

(Dân trí) - Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan đã gửi thông điệp tới Nhà Trắng: Không nên lẫn lộn chính trị và quân đội với nhau.

Lầu Năm Góc yêu cầu Nhà Trắng không chính trị hóa quân đội - 1

Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan (Ảnh: ST)

Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Patrick Shanahan và các quan chức hải quân Mỹ trong tuần trước đã đối mặt với yêu cầu từ Nhà Trắng rằng tàu USS John S. McCain cần được di chuyển “khuất khỏi tầm mắt” của Tổng thống Mỹ Donald Trump khi ông Trump tới công du Nhật Bản hồi tháng trước.

Trong bối cảnh đó, ông Shanahan đã chỉ đạo chánh văn phòng của ông nói với Nhà Trắng rằng không nên đặt quân đội vào các tình huống chính trị, phát ngôn viên của ông Shanahan Joseph Buccin trả lời Washington Post.

Ngày 1/6, hải quân Mỹ xác nhận họ nhận được yêu cầu từ Nhà Trắng về việc “giảm thiểu tối đa sự xuất hiện” của con tàu mang tên ông nội và cha của Thượng nghị sĩ quá cố John McCain, một nhân vật thuộc đảng Cộng hòa có quan điểm đối lập với ông Trump trong nhiều vấn đề. Ông Trump cũng từng công khai nói rằng ông không thích ông McCain.

Ông cũng cho rằng quan chức đưa ra yêu cầu trên thực chất là có “ý tốt” dù hải quân cho biết họ không làm theo yêu cầu.

Yêu cầu can thiệp về vị trí của tàu USS John S. McCain được cho là sẽ buộc ông Shanahan và cấp dưới cân nhắc về việc đưa ra một quy trình hướng dẫn cụ thể về những hạng mục mà quân đội có thể hỗ trợ khi các yếu nhân thăm quan các cơ sở quân sự và cách xử lý các yêu cầu không xuất phát từ quân đội liên quan tới chuyến thăm.

Bà Loren DeJonge Schulman, cựu quan chức quốc phòng dưới thời ông Barack Obama, cho biết ông Shanahan đã có bản năng đúng đắn tuy nhiên sự việc lần này gợi tới những vấn đề nghiêm trọng hơn trong nội bộ Lầu Năm Góc.

“Nếu ông Shanahan quan tâm tới mối đe dọa quân đội bị chính trị hóa, ông ấy nên cảm thấy không hài lòng vì không được thông báo về thông tin này trước khi nó được công khai rầm rộ trên báo đài”, bà Schulman nhận định.

Phát ngôn viên Nhà Trắng Hogan Gidley từ chối đưa ra bình luận về vấn đề này, trong khi quyền Chánh văn phòng Nhà Trắng Mick Mulvaney ngày 2/6 đã trấn an dư luận về mối quan ngại chính trị và quân đội bị lẫn lộn.

Ông Mulvaney nói rằng người đưa ra yêu cầu chỉ là một nhân viên thuộc đội tiền trạm, mới 23-24 tuổi. Ông cho rằng đó là một yêu cầu vô lý và khó có thể chấp nhận.

Quan ngại về các bài phát biểu của ông Trump 

Thời gian qua, các quan chức và nhà phân tích đã tỏ ra quan ngại với các bài diễn thuyết của ông Trump trước các khán giả quân nhân. Ông thường đưa ra các thông điệp chính trị và gọi họ là những người ủng hộ. Điều này được coi là đã làm ảnh hưởng tới nỗ lực tách riêng chính trị và quân sự của Mỹ trong nhiều năm qua.

Ví dụ, trong nhiều bài phát biểu với các quân nhân, ông Trump đã công kích đảng Dân chủ, nói về chính sách nhập cư và bức tường biên giới trong tiếng vỗ tay của các quân nhân.

Hạ nghị sĩ Ruben Gallego, thành viên Ủy ban Quân vụ Hạ viện, cựu lính thủy đánh bộ, cho rằng đây là động thái nguy hiểm vì trong các đời tổng thống trước, họ đã nỗ lực để ngăn quân đội không có ảnh hưởng trong bất cứ vấn đề chính trị nội bộ nào.

Ông Phil Carter, một chuyên gia tại Rand Corp, Mỹ cho rằng chỉ một dấu hiệu nhỏ của đảng phái xuất hiện trong quân đội có thể đe dọa sự cân bằng và khiến quá trình đưa ra quyết định liên quan tới an ninh quốc gia trở nên bất ổn.

Đức Hoàng

Theo Straits Times