1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Lầu Năm Góc và Nhà Trắng bất đồng về cách thức đối phó Trung Quốc ở Biển Đông

(Dân trí) - Giới chức tướng lĩnh Mỹ được cho là đang không đồng thuận với chính quyền Tổng thống Barack Obama hiện nay về cách xử lý vấn đề Biển Đông.


Tổng thống Obama trong một cuộc họp với các quan chức cấp cao tại Nhà Trắng ngày 5/4

Tổng thống Obama trong một cuộc họp với các quan chức cấp cao tại Nhà Trắng ngày 5/4

Một số nguồn tin cho rằng có những động thái cho thấy Washington đã yêu cầu các tướng lĩnh cấp cao của Mỹ hạn chế đưa ra những phát biểu nhằm vào các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông trong thời gian chuẩn bị và diễn ra Hội nghị An ninh Hạt nhân mới đây.

Chỉ huy hàng đầu của quân đội Mỹ tại khu vực Thái Bình Dương đã và đang tranh luận trong các cuộc họp kín về việc nước này cần có cách tiếp cận đối đầu hơn nhằm chống lại những gì mà Trung Quốc đã đạt được ở Biển Đông. Trang mạng Navy News ngày 7/4 dẫn các nguồn tin cho biết Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Hải quân Mỹ, đang đề xuất một biện pháp phản ứng mạnh mẽ nhằm vào các đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông, bao gồm tiến hành tuần tra và tổ chức các hoạt động quân sự ở khu vực 12 hải lý xung quanh những hòn đảo này. Đây được coi là một phần trong chiến lược được Đô đốc Harry Harris đưa ra nhằm đối phó với cái mà ông gọi là "Vạn Lý Trường Thành bằng cát" của Trung Quốc trên Biển Đông.

Trong những tháng qua, Đô đốc Harris và Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương đã phát động một chiến dịch mạnh mẽ để kêu gọi sự ủng hộ của dư luận và các cá nhân nhằm vào hồ sơ hoạt động cải tạo đảo của Trung Quốc ở Biển Đông, cũng như cáo buộc Bắc Kinh tiến hành quá trình quân sự hoá ở các hòn đảo này.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama, hiện chỉ còn khoảng 9 tháng tại nhiệm, đang hướng tới phương án hợp tác với Trung Quốc trong các lĩnh vực như phi hạt nhân hoá hay thúc đẩy thương mại. Ngoài ra, cũng có thông tin cho rằng Washington không sẵn sàng "lật đổ con thuyền Trung Quốc" ở Biển Đông, thậm chí đã có những yêu cầu Đô đốc Harris và các quan chức quân sự cấp cao khác không thảo luận nhiều về vấn đề Biển Đông trong quá trình chuẩn bị cho Hội nghị An ninh Hạt nhân mới đây.

Ông Jerry Hendrix, một chỉ huy Hải quân Mỹ đã nghỉ hưu và hiện là chuyên gia phân tích chiến lược quốc phòng tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Mỹ, cho rằng: "Khi rời nhiệm sở, họ muốn có ít sự phiền phức nhất và muốn tối đa quá trình hợp tác với Trung Quốc".

Bên cạnh đó, Nhà Trắng được cho là đã tìm cách "đánh lạc hướng" quan điểm của Đô đốc Harris và các quan chức quân sự cấp cao khác, những người cảnh báo rằng Trung Quốc đang củng cố những vị trí mà nước này nắm giữ ở Biển Đông để tăng cường cho những đòi hỏi chủ quyền phi lý tại vùng biển này.

Theo hai quan chức Mỹ giấu tên, Cố vấn An ninh Quốc gia Susan Rice đã đưa ra yêu cầu với giới lãnh đạo quân sự này liên quan tới vấn đề Biển Đông trong thời gian chuẩn bị và diễn ra Hội nghị An ninh Hạt nhân tại thủ đô Washington hồi đầu tháng 4, nơi Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị.

Một nguồn tin cho biết yêu cầu trên là một phần trong những lưu ý từ một cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia hôm 18/3 và bao gồm một đề nghị từ bà Rice về việc tránh đưa ra những bình luận công khai về các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông thời gian qua. Yêu cầu này được đưa ra với lý giải muốn để Tổng thống Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình có "tối đa không gian để thảo luận về các vấn đề chính trị" trong cuộc gặp trực tiếp bên lề Hội nghị An ninh Hạt nhân.

Nguồn tin trên nói: "Đôi khi, sẽ không có chuyện gì khi nhắc tới thực tế và chỉ ra những gì mà Trung Quốc đang làm. Đôi khi, điều đó lại gây ra rắc rối. Trong khi đó, Trung Quốc lại đang giữ được sự nhất quán trong vấn đề thông tin".

Ngọc Anh

Theo Navy Times

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm