Lầu Năm Góc: Trung Quốc đã vượt “giới hạn đỏ” ở Biển Đông
(Dân trí) - Mỹ cảnh báo bất cứ nỗ lực nào nhằm quân sự hóa bãi cạn Scarborough ở Biển Đông bị coi là vượt “lằn ranh đỏ” và giới chức Lầu Năm Góc cho rằng Trung Quốc có thể đã vượt qua giới hạn đó.
Tờ Washington Free Beacon dẫn lời giới chức Lầu Năm Góc ngày 11/8 cho biết, Trung Quốc đang ngang nhiên tăng cường lực lượng quanh bãi cạn Scarborough ở Biển Đông mà Washington từng nhiều lần cảnh báo Bắc Kinh không được quân sự hóa.
Nguồn thạo tin tình báo nói rằng, những tuần gần đây, số tàu chấp pháp của Trung Quốc xuất hiện gần bãi cạnh Scarborough có xu hướng tăng mạnh. Nếu những năm trước, Trung Quốc chỉ giới hạn 2 đến 3 tàu chấp pháp ở khu vực này thì gần đây con số này đã tăng vượt 10 chiếc.
Ngoài ra, Trung Quốc dường như còn trắng trợn “lùa” hàng trăm tàu cá đến bãi cạn Scarbourough mà nước này chiếm đóng của Philippines năm 2012.
Bãi cạn Scarborough được sự quan tâm đặc biệt của Mỹ. Tại Đối thoại Shangri La tổ chức ở Singapore vào tháng 6 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cảnh báo Trung Quốc không được khởi động chương trình xây dựng đảo nhân tạo ở bãi cạn Scarborough, "nếu không sẽ dẫn tới việc Mỹ và các nước khác phải hành động, không chỉ dẫn tới hậu quả là làm leo thang căng thẳng mà còn làm Trung Quốc bị cô lập thêm". Một ngày sau đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tuyên bố nếu Trung Quốc ngang ngược thiết lập Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) trên Biển Đông, đó sẽ là một hành động khiêu khích và gây mất ổn định của Bắc Kinh.
Đây được coi là hai giới hạn đỏ rõ ràng mà Mỹ đã vạch ra với Trung Quốc ở Biển Đông. Tuy nhiên, theo giới chức Lầu Năm Góc, Bắc Kinh dường như đã vượt qua ranh giới đỏ này.
Jim Fanell, một đại tá hải quân về hưu của Mỹ, cho rằng: “Sự tăng cường hiện diện các tàu quân sự Trung Quốc ở bãi cạn Scarborough có thể cho thấy Bắc Kinh đã quyết định bắt đầu quá trình cải tạo đất trong và xung quanh bãi cạn nhằm thiết lập sự hiện diện quân sự lớn hơn ở cửa ngõ phía bắc vào Biển Đông”.
Vị cựu giám đốc tình báo thuộc Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ này cũng cho rằng, nếu các tàu trên của Trung Quốc duy trì hiện diện ở đó, Hải quân Mỹ sẽ tìm cách ngăn chặn với việc tăng cường các chuyến bay tuần tra sau đó chia sẻ thông tin rộng rãi để “tố cáo” những hành động trắng trợn mà Trung Quốc không thể chối cãi.
Ngoài bãi cạn Scarborough, Trung Quốc còn tăng cường các hoạt động khiêu khích ở các khu vực khác trên Biển Đông và cả vùng biển Hoa Đông. Trung Quốc tuần trước trắng trợn tuyên bố đã tiến hành “tuần tra chiến đấu” trên không ở Biển Đông với sự tham gia của các máy bay ném bom tầm xa, máy bay cảnh báo sớm. Các ảnh vệ tinh chụp cuối tháng 7 cũng cho thấy Trung Quốc đang xây dựng hàng loạt nhà chứa máy bay quân sự trên quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Trong khi đó, nhằm đánh lạc hướng dư luận, Trung Quốc lần đầu tiên triển khai 14 tàu tuần duyên hộ tống khoảng 230 tàu cá ngang nhiên tiến vào khu vực gần quần đảo tranh chấp mà Nhật Bản gọi là Senaku, Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.
Tòa trọng tài của Liên Hợp Quốc ngày 12/7 đã ra phán quyết bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở Biển Đông. Tòa cũng kết luận không thực thể nào ở quần đảo Trường Sa có thể tạo ra vùng đặc quyền kinh tế cho Trung Quốc.
Về các hành động của Trung Quốc trên Biển Đông, tòa kết luận Trung Quốc đã vi phạm quyền chủ quyền của Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế với việc quấy rối hoạt động đánh bắt và khai thác dầu khí của Philippines; xây dựng các đảo nhân tạo; để ngư dân đánh bắt trong vùng đặc quyền của Philippines. Ngoài ra, theo tòa, các tàu chấp pháp của Trung Quốc đã gây ra các rủi ro va chạm khi tìm cách ngăn cản tàu Philippines.
Đối với bãi cạn Scarborough, mặc dù nhấn mạnh không đưa ra phán quyết về chủ quyền đối với bãi cạn này nhưng tòa cho rằng Trung Quốc đã vi phạm trách nhiệm phải tôn trọng quyền đánh bắt ở ngư trường truyền thống của Philippines khi luôn tìm cách ngăn tàu cá Philippines tiếp cận khu vực này kể từ sau tháng 5/2012.
Minh Phương
Tổng hợp