1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Lầu Năm Góc: Quân đội Trung Quốc “nói một đằng, làm một nẻo” trên biển

(Dân trí) - Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết Trung Quốc luôn phản đối các hoạt động quân sự trong khu vực đặc quyền kinh tế trên biển của họ (EEZ), nhưng Bắc Kinh dường như không dè dặt khi hoạt động quân sự trong vùng EEZ của nước khác.

Một tàu do thám lớp Dongdiao của Trung Quốc. (Ảnh minh họa: USNI News)
Một tàu do thám lớp Dongdiao của Trung Quốc. (Ảnh minh họa: USNI News)

Theo Business Insider, Trung Quốc thường xuyên phản đối các hoạt động quân sự của Mỹ và các nước khác trong vùng EEZ của Bắc Kinh, gọi những hoạt động này là “giám sát tầm gần”. Để phản bác lại những chỉ trích từ Bắc Kinh, Mỹ và các nước đã trích dẫn Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), quy định rằng các hoạt động quân sự bên trong EEZ là hợp lệ.

Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, trái ngược với những tuyên bố về EEZ mà họ hay đưa ra, quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đã thực hiện hàng loạt hoạt động quân sự trong khu vực EEZ của quốc gia khác.

“Mặc dù Trung Quốc phản đối các hoạt động quân sự của lực lượng ước ngoài tại khu vực EEZ theo cách thức không phù hợp với luật lệ được quy định trong UNCLOS, nhưng PLA nhiều năm qua đã thực hiện những hoạt động tương tự trong EEZ của nước khác”, báo cáo của Lầu Năm Góc công bố hồi tuần trước, viết.

Từ năm 2014, Bộ Quốc phòng Mỹ đã thống kê về những “hoạt động quân sự không mời mà tới” của PLA trên khắp Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Năm 2017, một tàu gián điệp của Trung Quốc xâm nhập vào vùng EEZ của Australia để quan sát tàu Mỹ và Australia tập trận, đi vào vùng EEZ của Mỹ xung quanh đảo Aleutian (Alaska) dường như theo dõi vụ thử nghiệm hệ thống tên lửa phòng không tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) mà Washington thực hiện tại đây. Bắc Kinh cũng thực hiện hàng loạt các hoạt động quân sự trên không và trên biển trong vùng EEZ của Nhật Bản.

Năm nay, Trung Quốc cũng cử tàu gián điệp tới theo dõi của tập trận RIMPAC 2018 do Mỹ chủ trì ở Hawaii, cuộc tập trận họ đã bị rút lại lời mời trước khi diễn ra vì những những động thái vi phạm luật pháp quốc tế trên Biển Đông.

Mỹ và các quốc gia khác có liên quan tới những vụ việc trên đã không lên tiếng về sự xuất hiện của tàu Trung Quốc tại vùng EEZ của những nước này, vì theo UNCLOS, những hoạt động trên được cho phép. Tuy nhiên, Trung Quốc lại thường xuyên lớn tiếng chỉ trích Mỹ và các quốc gia thực hiện những hoạt động hợp pháp theo luật lệ quốc tế tại vùng EEZ của họ.

Tại Biển Đông, Mỹ tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ tuần tra xung quanh những đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp phi pháp, hành động cho thấy Washington không công nhận tuyên bố sai trái về chủ quyền của Trung Quốc tại đây. Mỹ cam kết sẽ tuân thủ theo luật pháp, phán quyết của tòa án quốc tế nhằm đảm bảo tự do hàng không, tự do hàng hải tại khu vực.

Đức Hoàng

Theo Business Insider