1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Lầu Năm Góc “qua mặt” quốc hội mua 30 trực thăng Nga

(Dân trí) - Bộ quốc phòng Mỹ dự định “phớt lờ” một lệnh cấm của quốc hội để mua 30 trực thăng từ công ty quốc phòng Rosoboronexport của Nga, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của các nghị sĩ Mỹ.

Trực thăng Mi-17 của Nga.

Trực thăng Mi-17 của Nga.

“Bộ quốc phòng đã thông báo cho quốc hội về ý định ký hợp đồng với hãng Rosoboronexport để mua bổ sung 30 trực thăng Mi-17 nhằm trợ giúp các lực lượng an ninh quốc gia Afghansitan”, phát ngôn viên Lầu Năm Góc James Gregory cho hay.

Tuy nhiên, kế hoạch trên của Lầu Năm Góc đã vấp phải sự phản đối của các nghị sĩ Mỹ vốn cáo buộc rằng Rosoboronexport cung cấp vũ khí cho chính phủ Syria để chống lại các dân thường.

Đạo luật uỷ nhiệm quốc phòng 2013 của Mỹ, được quốc hội phê chuẩn hồi năm ngoái, có một điều khoản nhằm cấm các hợp đồng tài chính giữa Mỹ với công Rosoboronexport, trừ khi Bộ quốc phòng Mỹ thấy rằng các thoả thuận như vậy có lợi cho an ninh quốc gia.

“Do tình hình hiện thời, Bộ quốc phòng xác định rằng chỉ Rosoboronexport là đáp ứng các yêu cầu của phía Afghanistan” về các trực thăng, ông Gregory nói thêm.

Hợp đồng trị giá tổng cộng khoảng 690 triệu USD, theo ông Gregory.

Hồi tháng 2, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã thông báo các kế hoạch nhằm giảm số lượng các binh sĩ Mỹ tại Afghanistan từ 66.000 xuống 34.000 binh sĩ trong năm tới, đồng nghĩa với việc lực lượng Afghanistan sẽ đảm nhiệm vai trò lớn hơn trong việc đảm bảo an ninh quốc gia.

Nhiều thành viên của lực lượng Afghanistan đã được đào tạo để vận hành máy bay Nga. Việc chuyển sang một máy bay mới có thể làm trì hoãn sự sẵn sàng của họ ít nhất 3 năm do phải huấn luyện và làm quen với hệ thống mới, ông Gregory nói.

Một nhóm nghị sĩ quốc hội đã gửi thư cho Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Chuck Hagel hồi tuần trước nhằm phản đối mối quan hệ giữa công ty vũ khí Nga và Lầu năm Góc.

“Nga tiếp tục vận chuyển vũ khí qua Rosoboronexport cho chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad tại Syria. Kể từ khi cuộc khủng hoảng nổ ra, Nga đã tiếp tục trở thành nhà cung cấp vũ khí chính cho Syria, khiến nhiều dân thường thiệt mạng trong tay chính phủ”, lá thư của các nghị sĩ viết.

Tuy nhiên, phía Nga đã khẳng định việc cung cấp vũ khí cho Syria là hợp pháp theo luật quốc tế và Mátxcơva sẽ không cung cấp cho Syria các vũ khí tấn công.

An Bình
Theo Ria