1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Lao động Thái Lan giằng xé giữa chiến sự Hamas - Israel

Quốc Đạt

(Dân trí) - Khi Boonchai Saeyang trở về Thái Lan hôm 13/10, trong lòng anh vẫn luôn đau đáu về những người đồng hương còn ở lại tại Israel để làm việc cho một trang trại gần Gaza.

Lao động Thái Lan giằng xé giữa chiến sự Hamas - Israel - 1

Một người Thái Lan bị thương trong cuộc tấn công bất ngờ vào Israel của Hamas trở về Bangkok, Thái Lan, ngày 12/10 (Ảnh: Reuters).

Những người ấy chọn ở lại vì lý do tài chính, dù chiến binh Hamas từng xâm nhập và bắn chết dân thường tại ngôi làng họ sống, Boonchai nói.

"Điều này có thể hiểu được vì một số người vẫn còn nợ phải trả. Họ muốn chờ xem tình hình ra sao", người đàn ông 35 tuổi nói với các phóng viên khi đến sân bay Suvarnabhumi ở Bangkok.

Boonchai chỉ là một trong hàng nghìn người Thái đã đến Israel trong 10 năm qua theo chương trình lao động nước ngoài để lấp đầy khoảng trống nhân lực rất cần thiết cho ngành nông nghiệp tại đây.

Hàng chục công nhân nước ngoài đã bị giết hoặc bắt cóc kể từ khi Hamas tấn công Israel hôm 7/10. Số người chết là công dân Thái Lan, một trong những nhóm lao động nước ngoài lớn nhất ở Israel, đã tăng lên 29 người vào ngày 16/10, trong khi 18 người Thái khác được cho là bị bắt làm con tin.

Chính phủ Thái Lan cam kết sẽ hồi hương người lao động có nguyện vọng và đặt mục tiêu đưa 4.000 người về nước vào cuối tháng này.

Nguồn lao động lớn từ Thái Lan

Theo chính phủ Israel, tính đến tháng 7, có khoảng 119.000 lao động nước ngoài hợp pháp và hơn 25.000 người lao động bất hợp pháp tại đây. Lĩnh vực nông nghiệp có 22.862 lao động nước ngoài hợp pháp và 7.493 người khác không có giấy tờ hợp lệ, phần lớn là những người đã ở quá hạn thị thực.

Ngành nông nghiệp nhập khẩu gần như toàn bộ người lao động từ Thái Lan, dù cũng có vài nghìn thực tập sinh từ châu Á và châu Phi làm việc theo khuôn khổ chương trình vừa học vừa làm.

Lao động Thái Lan giằng xé giữa chiến sự Hamas - Israel - 2

Quan tài chở thi thể người lao động Thái Lan thiệt mạng trong cuộc tấn công của Hamas vào Israel được đưa đến sân bay Suvarnabhumi ở Bangkok, Thái Lan, ngày 20/10 (Ảnh: Reuters).

Người Thái Lan đã tới làm việc tại Israel từ nhiều thập kỷ trước.

Theo nghiên cứu của nhà nhân chủng học Matan Kaminer, hàng trăm thực tập sinh và tình nguyện viên nông nghiệp từ Thái Lan đã đến Israel vào những năm 1980 và hàng nghìn người đã đến nước này vào năm 1992.

"Israel đã ra quyết định chiến lược nhằm thay thế người lao động Palestine bằng người lao động nhập cư để không bị phụ thuộc", Kaminer nói với Nikkei Asia.

Tới năm 2011, lộ trình tuyển dụng lao động đã được chính thức hóa với việc 2 nước ký thỏa thuận về dự án Hợp tác Thái Lan - Israel về Bố trí Người lao động (TIC), được triển khai vào năm 2013.

Thỏa thuận này đã loại bỏ trung gian môi giới lao động ở phía Thái Lan, đặt ra mức phí cố định và trao quyền cho Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) của Liên Hợp Quốc phụ trách tuyển dụng và đào tạo ở Thái Lan.

Theo TIC, người Thái được phép làm ở Israel tối đa 5 năm 3 tháng nhưng chỉ trong ngành nông nghiệp. Về phía Israel, 13 cơ quan nhân lực do chính phủ chỉ định chịu trách nhiệm tuyển dụng và phúc lợi cho người lao động.

Sự xuất hiện của TIC đã giúp cắt giảm phí mà người lao động phải trả từ mức trung bình 9.000 USD xuống còn khoảng 2.100 USD, theo nghiên cứu năm 2019 của Rebeca Raijman và Nonna Kushnirovich.

Bà Kushnirovich cho biết tỷ lệ visa làm nông nghiệp vẫn ổn định, chiếm khoảng 1/4 tổng số visa làm việc nước ngoài.

Vào năm 2020, Israel và Thái Lan đã ký mới thỏa thuận TIC theo hướng không có sự tham gia của IOM nhưng vẫn giữ nguyên các điều khoản tương tự.

Lao động Thái Lan giằng xé giữa chiến sự Hamas - Israel - 3

Công nhân Thái Lan tại một vườn nho ở miền nam Israel (Ảnh: Getty).

Chất xúc tác cho thay đổi?

Theo nghiên cứu của Raijman và Kushnirovich, hầu hết người Thái di cư ở Israel là nam giới và 84% đến từ vùng đông bắc Thái Lan.

Một quan chức tại cơ quan việc làm của Bộ Lao động Thái Lan, cơ quan giám sát việc đào tạo lao động di cư, gọi chương trình này là thỏa thuận "đôi bên cùng có lợi".

"Người lao động có thể trở về nhà với số tiền lớn bằng baht Thái. Họ có thể trả hết nợ và thậm chí xây ngôi nhà mới cho gia đình ", quan chức này cho biết.

Tuy nhiên, các trường hợp lao động Thái Lan bị ngược đãi tại trang trại vẫn tiếp tục đeo bám ngành này. Một báo cáo năm 2020 của tổ chức phi chính phủ Kav LaOved về tình hình di cư của người Thái sang Israel cho thấy 83% được trả dưới mức lương tối thiểu.

Theo nghiên cứu trên, nhiều người không được nhận các lợi ích theo luật định, phải đối mặt với điều kiện làm việc không an toàn và khó tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế.

Lao động Thái Lan giằng xé giữa chiến sự Hamas - Israel - 4

Một cặp vợ chồng giơ ảnh con mình bị Hamas bắt cóc. Ảnh được chụp tại Nakhon Phanom, Thái Lan, ngày 10/10 (Ảnh: Reuters).

Yahel Kurlander - tình nguyện viên của tổ chức Hỗ trợ Công nhân Nông trại (AFW), mới được thành lập để giúp đỡ công nhân Thái Lan ở Israel - cho biết có khoảng 5.000 công nhân Thái Lan đã đăng ký và 1.000 người chưa đăng ký ở khu vực gần Dải Gaza khi vụ tấn công xảy ra.

"Tại nhiều địa điểm mà người lao động được sơ tán đến đó, họ bị ép phải lập tức đi làm trở lại. Ở một số nơi khác, chủ nhà nói thẳng rằng những ai muốn ở lại thêm một tuần sẽ phải làm việc", nhóm AFW nói.

Trong bài đăng trên Facebook vào tuần trước, Đại sứ Israel tại Thái Lan, Orna Sagiv, cam kết rằng người lao động Thái Lan bị ảnh hưởng bởi cuộc tấn công của Hamas sẽ nhận được "sự đối xử và bảo vệ giống như mọi người ở Israel".

Dù vậy, các nhà nghiên cứu như Yahel Kurlander, học giả chuyên về công nhân Thái Lan ở Israel, cho rằng sự kiện lần này có thể là chất xúc tác để tình hình được cải thiện, do một số người Thái Lan không muốn quay trở lại và Israel sẽ ngày càng quay lưng với người lao động Palestine.

"Khi nhu cầu đối với người lao động ở mức cực kỳ lớn, họ có thể yêu cầu được trả thêm tiền và thêm quyền lợi", bà Kurlander nói.

Theo NIkkei