1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Hamas phá vỡ hình tượng "Ngài An ninh" của ông Netanyahu

Quốc Đạt

(Dân trí) - Thủ tướng Benjamin Netanyahu thường xây dựng hình tượng bản thân là nhà lãnh đạo cứng rắn có thể đem lại sự an toàn cho Israel, nhưng cuộc tấn công bất ngờ của Hamas đã phá vỡ hình tượng ấy.

Hamas phá vỡ hình tượng Ngài An ninh của ông Netanyahu - 1

Tấm áp phích chiến dịch bầu cử của đảng Likud có hình lãnh đạo đảng, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, vào năm 2019 tại thành phố Haedera, Israel (Ảnh: Getty).

Trên đường vận động tranh cử năm 2009, ông Netanyahu đã thăm thành phố Ashkelon của Israel, nơi không lâu trước đó bị trúng tên lửa từ Dải Gaza. Ông thề sẽ "trả lại an ninh... cho công dân Israel" và lật đổ Hamas.

Lối nói cứng rắn đã giúp ông Netanyahu giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm ấy. Kể từ đó, ông cố gắng xây dựng hình ảnh "Ngài An ninh", tức nhà lãnh đạo duy nhất có thể đảm bảo an toàn cho Israel mà không phải nhượng bộ người Palestine.

Nhưng trong phần lớn thời gian qua, ông Netanyahu chưa bao giờ tìm cách đè bẹp Hamas. Chính lực lượng đó hôm 7/10 đã phát động cuộc tấn công lớn nhất từ trước đến nay vào lãnh thổ Israel, khiến hơn 1.300 người thiệt mạng, từ đó phủ bóng đen lên tương lai chính trị của vị Thủ tướng.

Israel đã phải đáp trả mạnh mẽ, khiến hơn 2.300 người thiệt mạng trong các cuộc không kích vào Dải Gaza, theo số liệu từ các quan chức Palestine.

"Ông Netanyahu luôn nói muốn được nhớ đến với tư cách là người bảo vệ Israel. Mọi thứ lúc này đang nhấn chìm di sản ấy", ông Mazal Mualem, tác giả cuốn tiểu sử về ông Netanyahu và là nhà phân tích chính trị cấp cao tại Al-Monitor, nói.

"Triều đại Bibi" lung lay

Hôm 12/10, các cáo buộc lại xuất hiện. Văn phòng Thủ tướng Israel phải khẳng định ông Netanyahu không hề nhận được cảnh báo trước về vụ tấn công, sau khi báo chí Israel đưa tin ông đã nhận được thông tin tình báo vào đêm hôm trước về chuyển động bất thường của Hamas.

Nhưng phía chỉ trích cho rằng cuộc tấn công của Hamas không chỉ xuất phát từ thất bại ngắn hạn mà còn do ông Netanyahu có chiến lược kết hợp răn đe quân sự và khuyến khích kinh tế để kiềm chế lực lượng kiểm soát Dải Gaza.

Hamas phá vỡ hình tượng Ngài An ninh của ông Netanyahu - 2

Theo các quan chức Israel, cuộc tấn công của Hamas đã giết chết ít nhất 1.300 người ở Israel (Ảnh: AFP).

Chiến lược ấy dựa trên giả định rằng sự hỗ trợ kinh tế ở mức độ hạn chế cho người dân Dải Gaza - khu vực đã bị Israel và Ai Cập phong tỏa kể từ khi Hamas lên kiểm soát từ năm 2007 - có thể chế ngự lực lượng đã thề sẽ hủy diệt Israel.

"Họ hoàn toàn phớt lờ việc Hamas xây dựng lực lượng và quân sự, trong khi hệ tư tưởng cực đoan của tổ chức này cũng không thay đổi", ông Amos Harel, tác giả sách về xung đột Israel - Palestine, nói.

Một số nhà quan sát cho rằng thất bại tình báo trong vụ tấn công của Hamas đến cuối cùng sẽ buộc "Bibi" - biệt danh của vị Thủ tướng tại nhiệm lâu nhất Israel - phải từ chức. Một cuộc thăm dò trong tuần qua cho thấy 56% người Israel gốc Do Thái tin rằng ông Netanyahu nên từ chức sau khi cuộc giao tranh kết thúc.

"Giả sử ông ấy đạt được mọi mục tiêu: Israel tiêu diệt Hamas và đánh bại Hezbollah. Mọi người sẽ vẫn còn nhớ ngày kinh hoàng này", Aviv Bushinsky, cựu cố vấn cho ông Netanyahu và hiện là nhà phân tích chính trị, nhận định và lưu ý rằng sai lầm xảy ra dưới sự lãnh đạo của ông ấy.

Không gian thở tạm thời

Tuy nhiên, những người khác không chắc chắn rằng đây là dấu chấm hết của ông Netanyahu, đặc biệt là khi vị Thủ tướng đã nhiều lần qua mặt các đối thủ và trụ vững trên chính trường Israel trong 25 năm qua.

Sau 6 nhiệm kỳ, ông đã trở thành một trong những chính trị gia gây chia rẽ nhất ở Israel. Nhưng bất chấp hiềm khích với nhiều đồng minh cũ và cáo buộc tham nhũng mà ông vẫn luôn phủ nhận, ông Netanyahua đã tái đắc cử nhờ thành lập liên minh với các đảng cực hữu vào năm ngoái.

Hamas phá vỡ hình tượng Ngài An ninh của ông Netanyahu - 3

Thủ tướng Benjamin Netanyahu của Israel đang vướng cáo buộc tham nhũng. Ông luôn bác bỏ cáo buộc (Ảnh: Reuters).

Theo Dahlia Scheindlin, một nhà thăm dò ý kiến, thảm họa quân sự của Israel có thể sẽ không thuyết phục được những người ủng hộ trung thành thay đổi quan điểm về vị Thủ tướng, như điều đã xảy ra với phiên tòa xét xử ông Netanyahu về cáo buộc tham nhũng.

"Tôi vẫn nghĩ rằng có một kịch bản có thể xảy ra, đó là cánh hữu ủng hộ ông Netanyahu sẽ nói: "Điều này chứng tỏ những gì chúng tôi đã nói từ lâu. Israel phải cứng rắn và không nhượng bộ", bà Scheindlin nói.

Vị Thủ tướng Israel đã có được chút không gian thở sau khi đảng Thống nhất Quốc gia của ông Benny Gantz đồng ý tham gia chính phủ liên minh của ông Netanyahu trong suốt thời gian cuộc chiến với Hamas.

Thỏa thuận này sẽ giúp kiềm chế cuộc tranh cãi gay gắt liên quan tới nỗ lực thúc đẩy cải tổ tư pháp của ông Netanyahu và các đồng minh cực hữu - vấn đề vốn đã chia rẽ đất nước trong 9 tháng qua.

Ngoài ra, việc thành lập chính phủ bao gồm toàn bộ các chính đảng sẽ giúp ông Netanyahu san sẻ thiệt hại chính trị có thể đi kèm một số quyết định đau đớn trong chiến dịch quân sự trên bộ dự kiến tấn công vào Dải Gaza.

Tuy nhiên, một số người khác cho rằng chính phủ đoàn kết của Israel sẽ không phải là sự miễn trách nhiệm cho ông Netanyahu.

"Chính phủ đoàn kết không hứa hẹn đem lại sự thống nhất trên quy mô rộng bên ngoài khuôn khổ cuộc chiến", Natan Sachs tại Viện Brookings nhận định. "Đương nhiên, ông Netanyahu có thể cố gắng bám lấy quyền lực trong một thời gian, nhưng điều đó không thể kéo dài".

Theo Financial Times