1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Lãnh đạo vùng ly khai Ukraine gửi thư cho ông Kim Jong-un

Thành Đạt

(Dân trí) - Người đứng đầu Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng ở miền Đông Ukraine đã gửi thư cho nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un để kêu gọi hợp tác song phương.

Lãnh đạo vùng ly khai Ukraine gửi thư cho ông Kim Jong-un - 1

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (Ảnh: KCNA).

Hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên (KCNA) hôm nay 17/8 đưa tin, ông Denis Pushilin, người đứng đầu Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng, đã gửi thư cho nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Ông Pushilin chúc mừng ông Kim nhân ngày giải phóng Triều Tiên 15/8.

"Người dân vùng Donbass cũng đang chiến đấu để giành lại tự do và công lý của lịch sử, giống như cách mà người dân Triều Tiên đã làm cách đây 77 năm", KCNA trích dẫn bức thư của ông Pushilin viết.

"Bức thư bày tỏ sự tin tưởng rằng Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên sẽ đạt được mối quan hệ hợp tác song phương cùng có lợi, dựa trên lợi ích của người dân hai bên", KCNA tuyên bố.

Ông Pushilin trước đó bày tỏ hy vọng rằng, sẽ có "sự hợp tác hiệu quả" và tăng cường thương mại giữa Donetsk và Triều Tiên. Các quan chức Triều Tiên, Nga và các khu vực ly khai đã thảo luận về việc đưa người lao động Triều Tiên tới làm việc ở Ukraine.

Trước khi công bố bức thư của lãnh đạo DPR, KCNA hôm 15/8 đưa tin, trong bức thư gửi nhà lãnh đạo Kim Jong-un nhân ngày giải phóng Triều Tiên, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định, một mối quan hệ chặt chẽ hơn sẽ mang lại lợi ích cho cả hai nước, đồng thời giúp tăng cường an ninh và ổn định của bán đảo Triều Tiên cũng như khu vực Đông Bắc Á.

Ông Kim cũng gửi một bức thư cho ông Putin, nói rằng tình bạn Nga - Triều Tiên đã được hun đúc từ Thế chiến II. Ông Kim dự đoán hợp tác giữa Nga và Triều Tiên sẽ tiếp tục phát triển dựa trên một thỏa thuận được ký kết vào năm 2019 khi ông gặp Tổng thống Putin.

Triều Tiên ngày 13/7 tuyên bố công nhận độc lập cho vùng ly khai Donetsk và Lugansk ở miền Đông Ukraine. Triều Tiên là quốc gia thứ 3 trên thế giới, sau Nga và Syria, công nhận độc lập cho các vùng lãnh thổ này.

Đáp lại động thái trên, Ukraine tuyên bố cắt đứt quan hệ với Triều Tiên. Bộ Ngoại giao Ukraine cho biết Kiev coi quyết định của Bình Nhưỡng là "nỗ lực gây ảnh hưởng tới chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, vi phạm hiến pháp Ukraine, hiến chương Liên Hợp Quốc và các chuẩn mực và nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế".

Bình Nhưỡng cho rằng, Ukraine không có quyền đưa ra hoặc tranh luận về việc Triều Tiên "thực hiện quyền chủ quyền chính đáng", sau khi Kiev cùng với Mỹ thực hiện những chính sách thù địch chống lại quốc gia châu Á này.

Chỉ vài ngày trước khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, Tổng thống Putin đã ký sắc lệnh công nhận độc lập của Cộng hòa Nhân dân tự xưng Donetsk (DPR) và Cộng hòa Nhân dân tự xưng Lugansk (LPR).

Hai vùng Lugansk và Donetsk đã tuyên bố ly khai khỏi Ukraine từ năm 2014 sau cuộc đảo chính quân sự dẫn tới chính quyền cựu Tổng thống Viktor Yanukovych bị lật đổ. Các cuộc giao tranh giữa quân đội Ukraine và phe ly khai ở Donbass kéo dài dai dẳng suốt 8 năm qua.

Chính quyền Nga tuyên bố một trong những mục tiêu khiến nước này quyết định mở chiến dịch quân sự ở Ukraine là nhằm bảo vệ cộng đồng người nói tiếng Nga bị phân biệt đối xử ở Donbass, cũng như 2 vùng Lugansk và Donetsk.

Theo Reuters