1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Lãnh đạo Trung Quốc công bố triết lý lãnh đạo "4 toàn diện"

(Dân trí) - Truyền thông Nhà nước Trung Quốc ngày 25/2 đã đồng loạt đăng tải khẩu hiệu “4 toàn diện” vừa được Chủ tịch nước này, ông Tập Cận Bình đề ra với trọng tâm cải cách, củng cố pháp quyền và tăng cường giám sát trong đảng Cộng sản Trung Quốc.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: EPA)
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: EPA)

Theo tờ Tạp chí phố Wall, trước ông Tập, các nhà lãnh đạo Trung Quốc thường có hai xu hướng đưa ra những lý thuyết về phát triển của mình, đó là dạng liệt kê hoặc đưa ra những tuyên bố thông thường.

Cố thủ tướng Chu Ân Lai và cựu chủ tịch Giang Trạch Dân là những người thuộc nhóm đầu tiên, khi lần lượt đưa ra các khẩu hiệu “4 hiện đại hóa” và “3 đại diện”. Trong khi đó các ông Đặng Tiểu Bình với khẩu hiệu “Cải cách và mở cửa” và Hồ Cẩm Đào với “Quan niệm phát triển khoa học” thuộc nhóm thứ hai.

Kể từ khi lên nắm quyền Tổng bí thư tháng 11/2012, dư luận vẫn chờ xem ông Tập Cận Bình sẽ lựa chọn khẩu hiệu thuộc nhóm nào trong hai nhóm trên.

Và câu trả lời đã có trong ngày 25/2, khi truyền thông Nhà trước Trung Quốc đồng loạt đăng tải cái ông Tập gọi là “4 toàn diện”, với một loạt nguyên tắc nhấn mạnh sự cần thiết phải “xây dựng một cách toàn diện một xã hội tương đối thịnh vượng, cải cách sâu sắc toàn diện, quản lý toàn diện đất nước theo pháp luật và lãnh đạo Đảng nghiêm khắc toàn diện”.

Ngoại trừ ý tưởng về một xã hội tương đối thịnh vượng - một tư tưởng của Khổng Tử được hồi sinh và phổ biến dưới thời ông Hồ Cẩm Đào - các cụm từ khác đều gắn chặt với ông Tập, người đã trấn áp mạnh mẽ nạn tham nhũng trong hàng ngũ quan chức Đảng Cộng Sản Trung Quốc, đồng thời thúc đẩy cải cách luật pháp và cảnh báo về sự cấp thiết của việc phải cải cách triệt để nói chung.

Đây không phải lần đầu tiên “4 toàn diện” được báo giới Trung Quốc đề cập. Theo Nhân dân nhật báo, ông Tập từng đưa ra ý tưởng này trong một chuyến công tác tại tỉnh Giang Tô hồi giữa tháng 12 vừa qua, và cụm từ này xuất hiện rải rác trên một số trang tin tiếng Trung hồi đầu tháng. Dù vậy đến nay lý thuyết này mới được tuyên truyền rộng rãi, cho thấy có vẻ nó đã được chấp nhận rộng rãi trong giới lãnh đạo Trung Quốc.

Thanh Tùng
Theo WSJ