1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Lãnh đạo tình báo Đức đi Mỹ thúc đẩy điều tra vụ nghe lén

(Dân trí) - Lãnh đạo các cơ quan tình báo nội địa và nước ngoài của Đức sẽ tới Mỹ để hối thúc điều tra những cáo buộc Washington đã nghe lén điện thoại của thủ tướng Đức Angela Merkel, chính phủ Đức khẳng định.

Lãnh đạo các nước EU giận dữ vì bị Mỹ do thám
Lãnh đạo các nước EU giận dữ vì bị Mỹ do thám

Theo BBC, thông tin trên được một người phát ngôn của chính phủ Đức xác nhận với báo giới. Trước đó, Đức và Pháp khẳng định họ muốn Mỹ ký kết một thỏa thuận không do thám trước cuối năm nay.

Trong khi đó lãnh đạo các quốc gia EU tuyên bố sự thiếu lòng tin có thể gây hại cho nỗ lực chống khủng bố toàn cầu.

Ngoài cáo buộc nghe lén điện thoại của bà Merkel, Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA) còn bị tố đã theo dõi hàng triệu cuộc điện thoại của công dân Pháp và Đức.

Tây Ban Nha trong ngày 25/10 cũng đã theo chân Đức và Pháp triệu đại sứ Mỹ tới để yêu cầu giải thích về thông tin Washington do thám tại nước này. Trong khi đó, Ý đã tỏ ra tức giận khi có tin nước mình cũng bị Mỹ do thám.

Người phát ngôn Bộ ngoại giao Mỹ Jen Psaki thừa nhận rằng những tiết lộ trên – hầu hết xuất phát từ tài liệu của cựu điệp viên CIA Edward Snowden – đã “tạo ra một thời điểm căng thẳng với một vài đồng minh của chúng tôi”.

“Chúng tôi đang thảo luận với những đồng minh này, và việc đó sẽ còn tiếp tục, như đã được minh chứng bởi phái đoàn từ Đức sẽ tới đây trong những tuần tới”, bà Psaki nói.

Bà Psaki cũng cho biết việc rà soát hoạt động thu thập thông tin tình báo do Tổng thống Obama đề nghị sẽ nghiên cứu xem nó ảnh hưởng ra sao tới chính sách đối ngoại.

“Các nhóm chuyên gia độc lập cấp cao…sẽ cân nhắc xem chúng tôi có thể duy trì sự tin tưởng của công chúng bằng cách nào, hoạt động theo dõi ảnh hưởng ra sao tới chính sách đối ngoại, đặc biệt là trong một kỷ nguyên mà ngày càng nhiều thông tin được công bố rộng rãi”, bà Psaki cho biết.

Người phát ngôn chính phủ Đức Georg Streiter không cho biết thời gian cụ thể các lãnh đạo cơ quan tình báo sẽ tới Washington nhưng nói rằng việc này đang được sắp xếp “với thời gian khá gấp rút”.

Trước đó bà Merkel đã tỏ rõ sự tức giận trước những cáo buộc trên truyền thông nước này khi bà tới Brussels, Bỉ, hôm 24/10 để dự hội nghị thượng đỉnh EU.

Bà khẳng định với các phóng viên rằng “một khi mầm mống của sự thiếu tin cậy đã được lộ ra, nó không hỗ trợ gì cho hoạt động hợp tác của chúng ta…Nó chỉ khiến việc đó khó khăn hơn”.

Trong cuộc họp báo ngày 25/10, bà khẳng định cả Berlin và Paris sẽ hành động độc lập để gây sức ép lên Washington trong việc ký một thỏa thuận “rõ ràng, phù hợp với tinh thần của một liên minh”.

Tổng thống Pháp Francois Hollande khẳng định mục tiêu của sáng kiến này đó là “biết về những gì xảy ra trong quá khứ và đặt ra một khuôn khổ cho tương lai, và chấm dứt các cơ chế theo dõi không được kiểm soát”.

Tuyên bố chung của các lãnh đạo EU ngày 25/10 khẳng định những vấn đề tình báo gần đây đã tạo ra “mối quan ngại sâu sắc” trong công dân châu Âu.

Các nhà lãnh đạo “nhấn mạnh mối quan hệ giữa châu Âu và Mỹ và giá trị của mối quan hệ đối tác đó”. Họ cũng “nhấn mạnh rằng việc chia sẻ thông tin tình báo là nhân tố thiết yếu trong cuộc chiến chống lại chủ nghĩa khủng bố”.

“Sự thiếu niềm tin có thể gây tổn hại cho những hoạt động hợp tác cần thiết trong lĩnh vực chia sẻ thông tin tình báo”, thông báo viết.

Thanh Tùng
Theo BBC

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm