1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Lãnh đạo Kosovo ký dự thảo hiến pháp

(Dân trí) - Hôm qua, 7/4, các lãnh đạo của Kosovo đã ký vào bản dự thảo hiến pháp, trong đó xác định rõ tỉnh phía nam của Serbia là một “quốc gia độc lập và có chủ quyền”.

“Hôm nay chúng ta sẽ hợp pháp hoá tuyên bố của chúng ta về một nước Cộng hoà Kosovo dân chủ, độc lập và có chủ quyền”, Thủ tướng Kosovo Hashim Thaci phát biểu trong buổi lễ ký kết.

 

Tỉnh Kosovo, gồm đa số là người Albania, đã nằm dưới sự quản lý của Liên Hợp Quốc và NATO từ năm 1999, sau khi NATO không kích buộc người Serbia phải rút lui. Ngày 17/2, Kosovo đã đơn phương tuyên bố độc lập khỏi Serbia, sử dụng quốc kỳ và quốc huy mới.

 

Cho tới nay, tuyên bố độc lập của Kosovo đã được 36 quốc gia công nhận trong đó có Mỹ và các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU).

 

Sau lễ ký kết này, dự thảo hiến pháp cần được sự phê chuẩn chính thức của 120 đại biểu trong quốc hội, dự kiến bỏ phiếu vào ngày mai, 9/4.

 

Nếu được thông qua, hiến pháp sẽ có hiệu lực từ ngày 15/6 tới. Khi đó, lực lượng hỗ trợ của Liên minh châu Âu, gồm 2.000 cảnh sát, nhân viên pháp lý và các cố vấn - được gọi là sứ mệnh EULEX, dự kiến cũng đã hoàn thành việc triển khai để thay thế lực lượng của LHQ vốn có mặt tại đây từ năm 1999.

 

Dự thảo hiến pháp của Kosovo bao gồm 40 chương, 160 điều, tuyên bố rõ Kosovo là một nước cộng hoà độc lập, với ngôn ngữ chính thức là tiếng Albania và Xéc-bi.

 

“Kosovo là một quốc gia của các công dân tự do. Kosovo sẽ đảm bảo quyền lợi của mọi công dân, các quyền tự do và bình đẳng của tất cả công dân trước luật pháp”.

 

Dự thảo Hiến pháp cũng khẳng định rằng Kosovo sẽ "đóng góp vào sự ổn định trong khu vực và toàn bộ châu Âu bằng việc xây dựng mối quan hệ láng giềng gần gũi với tất cả các quốc gia lân cận".

 

VTH

Theo Ria