Làn gió mới giúp Triều Tiên chuyển mình dưới thời ông Kim Jong-un
(Dân trí) - Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã từng bước đưa Triều Tiên thay đổi, sẵn sàng tiếp nhận những điều mới mẻ và đưa Bình Nhưỡng hòa vào dòng chảy phát triển sau 7 năm lên nắm quyền.
Các nhà báo Mary Louise Kelly và Becky Sullivan của hãng tin NPR cùng nhiếp ảnh gia David Guttenfelder là 3 trong số 150 phóng viên nước ngoài có cơ hội tới thăm Triều Tiên hồi tháng 9 theo lời mời của chính phủ Triều Tiên nhằm mục đích đưa tin về các hoạt động kỷ niệm 70 năm Quốc khánh Triều Tiên. Ông Guttenfelder đã thực hiện gần 40 chuyến đi tới Triều Tiên kể từ năm 2000.
Chỉ 7 năm sau khi lên nắm quyền, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã khiến Triều Tiên “thay da đổi thịt”. Ông đã biến năm 2018 trở thành một năm với các hoạt động ngoại giao chưa từng có tiền lệ trong lịch sử Triều Tiên khi tham dự một loạt cuộc gặp thượng đỉnh với Hàn Quốc và Mỹ.
Có thể thấy rõ những dấu hiệu cho thấy sự chuyển mình bên trong đất nước Triều Tiên. Từng được xem là một nước nghèo với những con đường vắng vẻ, những tòa nhà xám xịt lạnh lẽo và sân bay lỗi thời, thủ đô Bình Nhưỡng giờ đây đã hiện đại hơn rất nhiều trong khi các thành phố khác cũng đang trên đà phát triển. Mặc dù vẫn còn cảnh thiếu lương thực và điện ở một số khu vực xa xôi hẻo lánh, song nhìn chung nền kinh tế Triều Tiên đã được cải thiện bất chấp các lệnh trừng phạt. Chất lượng cuộc sống cũng tiến một bước dài kể từ sau nạn đói trong thập niên 1990.
Trong chuyến đi kéo dài 6 ngày tới Triều Tiên, các phóng viên nước ngoài đã có cơ hội chứng kiến những sự kiện hoành tráng, trong đó có lễ duyệt binh thể hiện sức mạnh quân sự của Triều Tiên và màn rước đuốc quy mô lớn tại Bình Nhưỡng. Các phóng viên cũng được đưa tới thăm các nhà máy, trường học và nông trại tại Triều Tiên.
“Chúng tôi vừa ghi chép lại các sự kiện, vừa nhìn nhận chúng để hiểu thêm về cuộc sống bình thường của người Triều Tiên. Trong những khoảnh khắc như vậy, chúng tôi nhận ra một đất nước Triều Tiên chuyển mình theo hướng ấn tượng, phi thường, xinh đẹp”, các phóng viên nhận định.
Nhiều năm trước đây, Triều Tiên thường cấm người nước ngoài mang theo điện thoại di động và những bức ảnh do người nước ngoài chụp về Triều Tiên thường rất hiếm. Tới đầu năm 2013, Triều Tiên bổ sung mạng Internet 3G dành cho du khách nước ngoài và lần đầu cho phép họ mang theo điện thoại.
Hiện nay, gần như tất cả những ai tới Triều Tiên, dù là phóng viên hay khách du lịch, đều có thể chụp và chia sẻ những bức ảnh chụp bằng điện thoại của họ. Mặc dù vậy người dân Triều Tiên vẫn gặp hạn chế trong việc tiếp cận với mạng Internet toàn cầu, ngoại trừ số lượng nhỏ những người thuộc tầng lớp tinh hoa hoặc công chức nhà nước.
Màn rước đuốc bắn pháo hoa kỷ niệm 70 năm Quốc khánh Triều Tiên.
Các nhà báo phương Tây cũng nhận ra sự thay đổi đáng kể trong bộ mặt của thủ đô Bình Nhưỡng. Chỉ trong vòng 10 năm, hàng chục tòa nhà chọc trời được xây dựng theo phong cách mới với cửa kính và các đường cong mềm mại. Những tòa nhà cũ cũng được sơn lại bằng những gam màu tươi sáng hơn.
Bình Nhưỡng bây giờ cũng có nhiều taxi hơn. Tầng lớp thượng lưu ngày càng đông ở Bình Nhưỡng đủ khả năng tài chính để sắm xe ô tô riêng. Diện mạo của những người dân Triều Tiên đi bộ trên vỉa hè cũng hiện đại hơn với tóc tạo kiểu thoải mái và trang phục bắt mắt hơn so với trước đây.
Tại sân bay Bình Nhưỡng, một nhà ga quốc tế mới đã đi vào hoạt động từ năm 2015. Đây là một sân bay hiện đại với trần cao, cửa kính, tiệm cafe, cửa hàng và cả khu vực bán đồ miễn thuế. Tuy vậy, hiện Triều Tiên chỉ vận hành hai chuyến bay đi và đến mỗi ngày và cũng chỉ có 2 điểm đến là Nga và Trung Quốc.
Những điều chưa thay đổi
Bên cạnh sự chuyển mình đáng kể, các phóng viên nước ngoài vẫn nhận thấy những điều chưa thay đổi tại Triều Tiên. Trước hết, họ vẫn chưa được tác nghiệp tự do tại nước này.
“Các hướng dẫn viên của chính phủ vẫn theo sát chúng tôi mọi lúc mọi nơi. Sau khi các sự kiện chính thức kết thúc, các hướng dẫn viên sẽ đi cùng chúng tôi tới các điểm du lịch và các nhà hàng. Khi đi tới bất kỳ địa điểm nào ngoài khách sạn, chúng tôi đều phải được chấp thuận từ trước. Thậm chí chúng tôi không được phép tới thăm một số nơi công cộng như tàu điện ngầm hay chợ”, các phóng viên Mỹ chia sẻ.
Theo nhận định của các phóng viên nước ngoài, các hướng dẫn viên Triều Tiên dường như chưa thực sự tin tưởng họ. Các phóng viên có thể bị nhắc nhở nếu cố tình chụp những bức ảnh được cho là không phù hợp về cuộc sống thường ngày của người dân Triều Tiên. Ngoài ra, việc trò chuyện với người dân Triều Tiên cũng phức tạp. Các phóng viên không thể tự do phỏng vấn bất kỳ ai họ muốn.
Tất nhiên cần phải có thời gian để tạo dựng niềm tin giữa các bên. Các phóng viên nước ngoài từng nhiều lần đến Triều Tiên có thể xây dựng sự tin tưởng với các hướng dẫn viên sở tại. Còn với đoàn phóng viên Mỹ trong chuyến đi lần này, 6 ngày là khoảng thời gian chưa đủ.
Các phóng viên nước ngoài cũng chỉ ra một điểm không thay đổi tại Triều Tiên, đó là sự hiện diện của chân dung hai cố lãnh đạo Kim Nhật Thành và Kim Jong-il. Hình ảnh của hai cố lãnh đạo xuất hiện ở khắp mọi nơi trên đất nước Triều Tiên, từ quảng trường, các tòa nhà cho tới lớp học.
Kết thúc chuyến đi tới Triều Tiên, các phóng viên nước ngoài nhận ra rằng cuộc sống tại quốc gia Đông Bắc Á này đã có sự chuyển mình bên cạnh những điều được xem là cốt lõi và không thay đổi.
“Ngoài những hình ảnh mới đầy màu sắc, vẫn còn đó những lễ duyệt binh. Ngoài những tai nghe thực tế ảo trong lớp học, vẫn có những giám sát viên theo dõi từng bước chân của chúng tôi. Ngoài những chiếc xe hơi mới, những siêu thị, những cửa hàng kiểu Italy, những chiếc điện thoại di động, vẫn còn đó bộ loa cũ của Nhật Bản đặt ở quầy rượu của nhà hàng”, nhóm phóng viên Mỹ chia sẻ.
Thành Đạt
Theo NPR