1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Làm vợ ông lớn khó lắm thay!

Ai bảo làm phu nhân thủ tướng là sướng? Riêng bà Cherie Blair, phu nhân của thủ tướng Anh, có những chuyện khá buồn vì cứ bị dư luận xét nét từng hành động và lời nói.

Chuyện rắc rối mới nhất của bà Cherie là hôm 28/10 báo chí Anh làm rùm beng chung quanh bài diễn văn mà bà đọc ở Melbourne (Australia) hồi tháng 2 trong một buổi dạ tiệc có biểu diễn văn nghệ bán vé mang tính từ thiện của Viện Vì trẻ em mắc bệnh ung thư của Australia. Bài diễn văn này đã đem lại cho bà 25.000 euro (483,4 triệu VNĐ) tiền bồi dưỡng, trong khi bản thân viện chỉ thu 10.000 euro.

 

Rắc rối là luật pháp Australia quy định 60% số thu của bất cứ sự kiện gây quỹ từ thiện nào cũng phải thuộc về cơ quan từ thiện đứng ra tổ chức. Việc viện từ thiện nói trên nể nang trích tiền thu được chi cho bà Cherie quá hậu hĩ đang bị cơ quan pháp luật Australia xem xét lại.

 

Câu chuyện buồn nói trên không phải là rắc rối đầu tiên đối với bà Cherie. Tháng 6 vừa qua, báo chí Anh đã một phen chế nhạo bà nhận 45.000 USD (716 triệu VND) tiền bồi dưỡng cho một buổi nói chuyện ở Washington kể lể chuyện sinh hoạt trong Phủ Thủ tướng Anh ở số 10 đường Downing.

 

Như thế cũng chưa hết khổ đâu. Một tờ báo mới đây bàn ra tán vào chuyện bà là phu nhân thủ tướng đầu tiên được cấp xe công với tài xế riêng đi đây đó, kể cả đi mua sắm. Về cái khoản riêng tư này, báo chí Anh cũng từng làm khổ bà với những câu chuyện vụn vặt như bà khoái mặc gì, xài hàng hiệu nào.

 

Nói chung, bà Cherie Booth – tên con gái trước khi lấy chồng – thường bị làng báo Anh cà khịa, xoi mói đủ thứ. Tuy là một luật sư nổi tiếng, “chuyên trị” những vụ án về nhân quyền, bà vẫn phải ngậm đắng nuốt cay trước búa rìu dư luận.

 

Mấy tay nhà báo không chỉ xét nét từng hành động mà còn chú ý đến những lời phát biểu công khai của bà. Vụ xì-căng-đan nổi đình đám nhất là vào năm 2002, phát biểu về thanh niên Palestine, bà đã lỡ miệng nói như thế này: “(Đó là) những em nghĩ rằng không có hy vọng nào khác ngoài việc tự làm nổ tung thân xác mình”.

 

Khổ nỗi, bà đã đưa ra lời bình luận này vài giờ sau khi một thanh niên Palestine đánh bom tự sát ở Jerusalem khiến 20 người chết. Dĩ nhiên, sau đó bà phải lên tiếng xin lỗi, nhưng quá muộn vì các nhà báo không chịu tha thứ cho bà.

 

D.H.Anh

Người lao động