1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Laika, con chó đầu tiên bay vào quỹ đạo

(Dân trí) - Chỉ một tháng sau khi Liên Xô làm cả thế giới bất ngờ bằng việc phóng vệ tinh nhân tạo đầu tiên bay vào quỹ đạo, họ lại tự hào với chiến thắng mới, lần này là một vệ tinh lớn hơn nhiều, mang theo một con chó lai có tên gọi Laika.

Sứ mệnh đúng ngày này 50 năm về trước (3/11/1957), có một kết cục buồn cho Laika, nhưng đã giúp mở đường cho những chuyến bay đưa con người vào vũ trụ.

 

Giờ đây, Nga đưa chuột, cá và nhiều loài vật nhỏ khác lên quỹ đạo để thử nghiệm. Nhưng những loài vật to hơn như chó, khỉ không còn có đặc quyền như Laika nữa.

 

Giống như nhiều giai đoạn khác của chương trình không gian của Liên Xô, sứ mệnh Laika được giữ bí mật. Chỉ khi Liên bang Xô Viết sụp đổ, những người trong cuộc mới tiết lộ về những bí mật đằng sau sứ mệnh đó.

 

Vệ tinh đưa Laika vào vũ trụ được xây dựng trong vòng chưa đầy một tháng, và có lẽ là một sứ mệnh không gian được chuẩn bị nhanh nhất thế giới tại thời điểm đó.

 

Vẫn còn đang phấn chấn về thành công trong sứ mệnh phóng tàu Sputnik vào ngày 4/10/1957 được cả thế giới tán tụng, nhà lãnh đạo Liên Xô lúc bấy giờ Nikita Khrushchev đã triệu Sergei Korolyov, cha đẻ của chương trình không gian vũ trụ Liên Xô, lên và yêu cầu ông phải đưa ra “một ý tưởng mới” để kỷ niệm ngày Cách mạng tháng 10 Nga thành công, 7/11/1917.

 

Yêu cầu của Khrushchev hoàn toàn bất ngờ đối với cả Korolyov. Đội của Korolyov mới làm việc cùng nhau để đưa tàu Sputnik vào không gian chỉ trong vòng chưa đầy ba tháng. Georgy Grechko, một nhà du hành vũ trụ, kỹ sư không gian cho biết Korolyov kể lại nhà lãnh đạo Khrushchev đã yêu cầu rằng: “Chúng tôi không tin là các anh có thể đưa người Mỹ vào không gian trên tàu của các anh. Nhưng các anh đã làm điều đó. Và bây giờ đến ngày 7/11 anh phải đưa một cái gì đó mới hơn lên vũ trụ”.

 

Boris Chertok, cánh tay phải của Korolyov, cho biết họ không thể nào thiết kế một con tàu vũ trụ mới với thời gian ngắn như vậy. “Korolyov ngay lập tức lo sợ rằng món quà ngày kỷ niệm này có thể kết thúc trong thảm họa, và sẽ làm hỏng hết chiến thắng bấy lâu họ dày công mới giành được”, Chertok viết trong cuốn hồi ký của mình. Song họ không tranh luận với nhà lãnh đạo Khrushchev, và quyết định đã được đưa ra vào ngày 12/10.

 

Khi ai đó trong đội gợi ý đưa chó vào không gian, Korolyov đã phản đối kịch liệt. Bởi họ biết rất ít về tác động của các chuyến bay vũ trụ đối với một sinh vật. Một số cho rằng chúng sẽ không thể sống sót khi tàu được phóng lên, hoặc không thể sống sót trong điều kiện ở ngoài không gian.

 

Chỉ chín ngày trước khi tiến hành vụ phóng, bác sỹ Vladimir Yazdovsky, đã chọn con chó lai Laika 2 tuổi cho sứ mệnh.

 

Thông tin Laika được chọn như thế nào cũng rất khác nhau. Một số cho biết Laika được chọn là vì nó có cái mẽ đẹp – một “người tiên phong” trong ngành vũ trụ của Liên Xô chắc chắn phải ăn ảnh chăng?

 

“Laika quyến rũ và khá trầm”, Yazdovsky đã viết như vậy trong cuốn sách về ngành y học trong vũ trụ của Liên Xô. Ông nhớ lại trước khi đến bệ phóng, ông đã mang Laika về nhà chơi với bọn trẻ của ông. “Tôi đã muốn làm một cái gì thật tuyệt vời cho nó. Nó còn rất ít thời gian để sống”.

 

Chạy đua với thời gian, Korolyov và đội của ông đã kết hợp một khoang có thể mang Laika với những hệ thống hỗ trợ sự sống cơ bản và những yếu tố khác của tàu Sputnik đầu tiên.

 

Họ làm việc mà không có một kế hoạch chi tiết với một tốc độ nhanh như đang chạy đua vậy. “Giờ đây khi chúng tôi đã có một công cụ tinh vi như máy tính, laser và những thứ khác, không ai có thể chế tạo được một vệ tinh mới chỉ trong có một tháng”, Grechko cho biết trong một cuộc phỏng vấn. “Gờ đây cũng phải mất hàng tháng để bắt đầu làm những việc giấy tờ. Korolyov sau đó đã nói với chúng tôi rằng đó là tháng hạnh phúc nhất trong cuộc đời ông”.

 

Do trục trặc kỹ thuật ở những phút cuối, nên Laika phải đợi trong cabin đến 3 ngày. Nhiệt độ trong đó rất thấp, các công nhân phải cho một đường ống nối với máy sưởi vào trong cabin để “cô nàng” được giữ ấm.

 

Và ngày 3/11, Laika được phóng lên vũ trụ trên vệ tinh Sputnik 2, nặng 1.118 pao (khoảng 507kg), một bằng chứng cho thấy Liên Xô có khả năng đưa những thiết bị có trọng tải lớn vào không gian. Sputnik 1 trước đó nặng 184 pao (83,46kg). Vệ tinh đầu tiên của Mỹ,  Explorer 1, được phóng vào ngày 31/1/1958 cũng nặng chỉ có 31 pao (khoảng 14kg).

 

Khi Laika chạm tới quỹ đạo, các bác sỹ đã thở phào khi thấy nhịp tim của nó (bị tăng lên trong khi phóng), và huyết áp đã trở lại bình thường. Cô nàng đã ăn chỗ thức ăn đặc biệt dành cho nó được đựng trong một chiếc hộp.

 

Theo thông tin chính thức của Liên Xô, Laika đã chết một tuần sau đó.

 

Nhưng phải đến khi Liên Xô sụp đổ, một số người tham gia dự án đưa Laika vào vũ trụ mới cho biết: thật sự thì từ trước người ta đã tiêm cho Laika một loại thuốc để nó có thể chết mà không đau đớn. Tuy nhiên có vẻ như nó đã chết vì sức nóng chỉ vài giờ sau khi bay lên quỹ đạo. Cho đến nay không có thông tin nào cho biết chính xác thời điểm Laika qua đời.

 

Sau đó, rất nhiều con chó khác cũng đã chết trong các vụ phóng không thành công trước các chuyến bay vào vũ trụ của Belka và Strelka vào tháng 8/1960, những con tàu đã trở về được trái đất an toàn. Sau một vài chuyến bay khác đưa chó vào không gian, Liên Xô cuối cùng đã đưa được con người lên vũ trụ vào ngày 12/4/1961. Được biết, Gagarin từng đùa rằng: “Tôi vẫn không hiểu tôi là ai: người đầu tiên hay con chó cuối cùng bay vào vũ trụ”.

 

Nguyên Hạ
Theo AP