1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Lá chắn Vòm sắt gặp sự cố, Israel lo ngại bị hỏa tiễn tấn công

Tùng Nguyễn

(Dân trí) - Người phát ngôn của quân đội Israel thừa nhận, Lá chắn Vòm sắt của lực lượng này đã gặp sự cố khi đánh chặn hỏa tiễn của các nhóm vũ trang Palestine.

Lá chắn Vòm sắt gặp sự cố, Israel lo ngại bị hỏa tiễn tấn công - 1
Hình ảnh Lá chắn Vòm sắt của Israel đánh chặn hỏa tiễn từ Palestine (Ảnh: AFP).

Trong phát biểu được đưa ra hôm 12/5, ông Daniel Hagari, người phát ngôn của quân đội Israel, thừa nhận Lá chắn Vòm sắt (Iron Dome) của lực lượng này đã gặp phải một sự cố kỹ thuật trong quá trình đánh chặn hỏa tiễn bị bắn từ phía biên giới Palestine trong đêm 11/5.

Sự cố này đã khiến một tòa nhà cao tầng tại Rehovot bị trúng hỏa tiễn của các nhóm vũ trang Palestine. Vụ tấn công đã khiến ít nhất một dân thường thiệt mạng và 8 người khác bị thương.

Vào tuần trước, những sự cố kỹ thuật tương tự cũng đã được ghi nhận với hệ thống Vòm sắt, gây ra sự bất an tại Israel về độ tin cậy của hệ thống phòng không được đánh giá là vô cùng toàn diện này. Tuy nhiên, người phát ngôn của quân đội Israel khẳng định các sự cố đã được phát hiện và khắc phục kịp thời. Tỷ lệ đánh trúng của hệ thống Lá chắn Vòm sắt của Israel trong tuần qua vì vậy vẫn đạt mức 90,5%.

Hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm sắt (Iron Dome) được cho là đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực của Israel đánh chặn "mưa" tên lửa từ phía Palestine. Vòm sắt là hệ thống phòng không do các doanh nghiệp quốc phòng của Israel sản xuất với sự hỗ trợ cả về tài chính và công nghệ của Mỹ.

Lá chắn Vòm sắt gặp sự cố, Israel lo ngại bị hỏa tiễn tấn công - 2

Một tên lửa thuộc Lá chắn Vòm sắt của Israel (Ảnh: Reuters).

Hệ thống này được đưa vào biên chế của quân đội Israel năm 2011. Nó được thiết kế để đánh chặn các tên lửa và pháo tầm ngắn. Hai hệ thống riêng biệt, được gọi là David's Sling và Arrow, được thiết kế để đối phó với các mối đe dọa tầm trung và tầm xa, bao gồm máy bay, máy bay không người lái, pháo và tên lửa.

Vòm sắt hoạt động dựa vào một hệ thống radar và phân tích để xác định mục tiêu tên lửa có gây ra mối đe dọa hay không. Hệ thống này chỉ triển khai tên lửa đánh chặn nếu xác định tên lửa đang bay tới có nguy cơ nhằm vào một khu vực có dân cư hay cơ sở hạ tầng quan trọng.

Các tên lửa đánh chặn được phóng theo phương thẳng đứng từ một giàn phóng di động hoặc bệ phóng cố định. Chúng được thiết kế để đánh chặn tên lửa đối phương ở trên không, tạo ra các vụ nổ và tiếng còi cảnh báo.

Chi phí vận hành Vòm sắt được cho là tương đối thấp bởi nó chỉ khai hỏa khi phát hiện mối đe dọa đến con người và cơ sở hạ tầng, không lãng phí quá nhiều tên lửa đánh chặn.

Mặc dù vậy, một số người cho rằng, chính phủ Israel phụ thuộc quá nhiều vào hệ thống này và không đầu tư thích đáng cho các hệ thống phòng thủ khác như hầm trú ẩn.

Theo Jerusalem Post