1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

"Lá chắn thép" giúp chặn đứng biến chủng Delta

Thành Đạt

(Dân trí) - Các loại vắc xin cho đến nay vẫn là "lá chắn" hiệu quả nhất trong việc bảo vệ con người trước biến chủng Delta với khả năng lây nhiễm nhanh hơn.

Lá chắn thép giúp chặn đứng biến chủng Delta - 1

Charles Muro,13 tuổi, được tiêm vắc xin Covid-19 tại Connecticut, Mỹ (Ảnh: AFP).

Biến chủng Delta lần đầu tiên được phát hiện ở Ấn Độ vào tháng 12 năm ngoái cho đến nay đã lan ra hơn 100 quốc gia trên toàn thế giới. Ở Anh, biến chủng này chiếm khoảng 99% trong số ca mắc Covid-19 mới.

Mỹ lần đầu tiên ghi nhận ca nhiễm biến chủng Delta vào tháng 3 năm nay. Hiện Delta là chủng virus chủ đạo ở Mỹ, chiếm 82% tổng số ca nhiễm mới trong cả nước.

Số ca mắc Covid-19 đang nhanh chóng tăng trở lại ở Mỹ. Số ca nhiễm trung bình hàng ngày được ghi nhận hơn 67.000 trường hợp, theo dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC). Sự gia tăng số ca nhiễm tại Mỹ được cho là do biến chủng Delta với khả năng lây nhiễm cao hơn 60% so với biến chủng Alpha.

Ngoài ra, các khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp đều chứng kiến sự gia tăng số ca mắc Covid-19.

"Những người dân chưa được tiêm chủng có nguy cơ nhiễm bệnh cao. Nếu biến chủng này tiếp tục lây lan nhanh chóng, đặc biệt là ở các khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp, Mỹ có thể sẽ chứng kiến sự gia tăng số ca nhiễm SARS-CoV-2", tiến sĩ Miriam Smith, trưởng khoa bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Long Island Jewish Forest Hills tại Queens, New York, cho biết.

Trong một cuộc họp báo, Giám đốc CDC Rochelle Walensky dẫn dữ liệu sơ bộ cho thấy, 99,5% số người chết vì Covid-19 kể từ tháng 1 ở Mỹ là những trường hợp chưa được tiêm chủng.

"Chúng tôi biết rằng biến chủng Delta đang tăng mạnh ở những khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp", bà Walensky cho biết.

Tại Missouri, nơi có tỷ lệ tiêm chủng khoảng 40%, số ca nhiễm đã tăng mạnh trong những tuần gần đây. Ngược lại, Vermont, nơi có tỷ lệ tiêm chủng khoảng 68%, chỉ ghi nhận 213 ca nhiễm. Vermont cũng là một trong những bang có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất ở Mỹ.

"Chúng ta đều biết rằng các loại vắc xin đã được cấp phép của chúng ta đều ngăn ngừa tình trạng bệnh nặng, nhập viện và tử vong do biến chủng Delta", bà Walensky nói.

Tiến sĩ Theodore Strange tại Bệnh viện Đại học Staten Island ở New York cho biết các dữ liệu đã chứng minh hiệu quả của vắc xin Covid-19.

"Tính an toàn và hiệu quả của các loại vắc xin hiện nay rất rõ ràng. 3 loại vắc xin đều có tác dụng ngăn ngừa dịch bệnh và sự lây lan của virus, đồng thời chúng cũng an toàn như bất kỳ loại vắc xin nào khác đã được sử dụng. Mặc dù một số tác dụng phụ đã được báo cáo, nhưng những vấn đề này rất hiếm gặp và có thể điều trị được", ông Theodore nhận định, đề cập đến 3 loại vắc xin đang được sử dụng ở Mỹ gồm Pfizer-BioNTech, Moderna và Johnson & Johnson.

Theo Healthline, cả 3 loại vắc xin đều được chứng minh có hiệu quả ở các mức độ khác nhau đối với biến chủng gốc của virus SARS-CoV-2.

Tuy nhiên, kể từ khi biến chủng Delta xuất hiện, các nhà khoa học đã cố gắng xác định xem liệu những loại vắc xin này có hiệu quả chống lại Delta hay không.

Do hạn chế về nghiên cứu, việc cố gắng xác định hiệu quả của từng loại vắc xin đối với biến chủng Delta vẫn còn là một thách thức. Tuy nhiên, đã có những kết quả tích cực từ các cuộc nghiên cứu về vấn đề này.

Hiệu quả của vắc xin Covid-19

Lá chắn thép giúp chặn đứng biến chủng Delta - 2

Hai lọ vắc xin Pfizer-BioNTech và AstraZeneca (Ảnh: Reuters).

Theo nghiên cứu của Cơ quan Y tế Cộng đồng Anh, 2 liều vắc xin Pfizer-BioNTech có thể ngăn ngừa 88% nguy cơ nhiễm bệnh có triệu chứng và 96% nguy cơ nhập viện vì biến chủng Delta. Nghiên cứu cũng cho thấy vắc xin này có thể ngăn ngừa 80% nguy cơ nhiễm biến chủng Delta.

Cơ quan Y tế Cộng đồng Anh cũng chia sẻ dữ liệu hồi tháng 5 cho thấy tầm quan trọng của việc tiêm đủ 2 liều vắc xin Covid-19. Nghiên cứu chỉ ra rằng một liều vắc xin Pfizer-BioNTech ó hiệu quả khoảng 33% trong việc ngăn ngừa nhiễm bệnh có triệu chứng. Nhưng nếu tiêm mũi thứ 2 sau 2 tuần, hiệu quả của vắc xin lên tới 88%.

Một báo cáo do Nature công bố cho thấy, một mũi tiêm vắc xin Pfizer-BioNTech hoặc AstraZeneca có khả năng bảo vệ thấp trước virus. Nhưng nếu tiêm đủ 2 liều vắc xin, khả năng bảo vệ đã lên tới 95%.

Một nghiên cứu ở Scotland cũng chứng minh kết quả tương tự. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng vắc xin Pfizer-BioNTech cung cấp khả năng bảo vệ "rất tốt" trước biến chủng Delta và đạt hiệu quả 79% trong 14 ngày sau khi tiêm liều thứ 2.

Một nghiên cứu phân tích hiệu quả của vắc xin ở Ấn Độ, nơi biến chủng Delta xuất hiện lần đầu tiên, cho thấy vắc xin Pfizer-BioNTech có hiệu quả 88% đối với Delta sau 2 liều tiêm.

Pfizer-BioNTech cho biết đang trong quá trình nghiên cứu liều thứ 3 của vắc xin Covid-19 nhằm tăng cường hiệu quả đối với biến chủng Delta. Các công ty này cho biết, dữ liệu mới từ Bộ Y tế Israel, trong đó nhận định hiệu quả của vắc xin giảm sau 6 tháng, đã thúc đẩy họ khởi động nghiên cứu liều vắc xin thứ 3.

Một nghiên cứu trong phòng thí nghiệm về vắc xin Moderna cho thấy vắc xin này cũng có khả năng bảo vệ trước biến chủng Delta và các biến chủng khác được thử nghiệm, mặc dù hiệu quả giảm hơn so với biến chủng Alpha.

Nghiên cứu tương tự của Canada cho thấy vắc xin Pfizer-BioNTech có hiệu quả 87% trong khi vắc xin Moderna có hiệu quả 72% đối với biến chủng Delta sau một liều tiêm.

Một nghiên cứu nhỏ trong phòng thí nghiệm do các nhà nghiên cứu ở New York thực hiện cho thấy vắc xin dựa trên công nghệ mRNA Pfizer và Moderna đều có hiệu quả từ 94-95% trong việc ngăn ngừa biến chủng Delta.

Theo Reuters, Moderna ngày 5/8 tuyên bố vắc xin Covid-19 do hãng sản xuất có 93% hiệu quả bảo vệ trong 4-6 tháng sau liều tiêm thứ 2. Dù vắc xin có hiệu quả bảo vệ cao, nhưng Moderna cho rằng việc tiêm thêm một mũi tăng cường sẽ là cần thiết trước mùa đông vì mức độ kháng thể có thể suy yếu. 

Vắc xin Moderna đã được phép sử dụng khẩn cấp cho dân số trưởng thành ở Mỹ vào tháng 12/2020 và kể từ đó đã được cho phép sử dụng khẩn cấp hoặc có điều kiện ở người trưởng thành tại hơn 50 quốc gia.

Hiện có rất ít dữ liệu cho thấy mức độ hiệu quả của vắc xin Johnson & Johnson (J&J) trong việc bảo vệ trước biến chủng Delta. Một thử nghiệm lâm sàng gần đây cho thấy vắc xin này có hiệu quả 85% trong việc ngăn ngừa nguy cơ bệnh nặng và có khả năng bảo vệ "mạnh mẽ, lâu dài" trước nguy cơ nhập viện và tử vong.

Nghiên cứu cũng cho thấy rằng vắc xin J&J giúp ngăn virus lây nhiễm sang các tế bào khỏe mạnh, chống lại biến chủng Delta ở mức độ cao hơn so với biến chủng Beta.

Mặc dù ghi nhận hiệu quả của các loại vắc xin trước biến chủng virus, song các nhà khoa học cũng cho rằng không nên thả lỏng ngay cả khi đã tiêm vắc xin cho người dân. Giáo sư Tim Spector tại Đại học King London cho rằng dù nguy cơ nhiễm bệnh sau khi tiêm thấp, nhưng vẫn cần coi trọng việc giãn cách xã hội và đeo khẩu trang ở những nơi đông người và không thông thoáng.