1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

"Lá bài" WHO trong cuộc chiến "chặn" Trung Quốc của Tổng thống Trump

(Dân trí) - Giới phân tích nhận định, việc Tổng thống Trump cắt ngân sách cho WHO là bước đi mới nhất nhằm ngăn chặn ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc trên thế giới, trong đó có các tổ chức quốc tế.

Lá bài WHO trong cuộc chiến chặn Trung Quốc của Tổng thống Trump - 1

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày càng thể hiện sự quyết liệt với Trung Quốc (Ảnh: ABC News)

Tổng thống Mỹ Donald Trump và các đồng minh của ông đã mở một mặt trận mới trong cuộc chiến dịch tranh cử hồi tuần này khi chĩa mũi vào Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), gọi tổ chức này là đứng về phía về Trung Quốc trong việc giấu giếm quy mô và tính nghiêm trọng của đại dịch Covid-19.

Những người chỉ trích cho rằng Nhà Trắng đang thực hiện một chiến lược yếm thế trong bối cảnh một cuộc khủng hoảng kinh tế và y tế toàn cầu để đánh lạc hướng khỏi sự yếu kém của ông Trump trong xử lý đại dịch và tạo ra một lý do khác để tăng cường sự ủng hộ của phe bảo thủ trước cuộc bầu cử tổng thống 2020.

Gia tăng chiến lược ngăn chặn Trung Quốc

Tổng thống Trump ngày 14/4 thông báo sẽ tạm dừng cấp kinh phí cho WHO vì các cáo buộc tổ chức này đã yếu kém trong xử lý đại dịch Covid-19, thiên vị Trung Quốc và thông đồng với Bắc Kinh để che giấu thông tin về dịch bệnh. Quyết định của ông Trump đã vấp phải sự chỉ trích của nhiều nước trên thế giới. Mỗi năm Mỹ đóng góp khoảng 400-500 triệu USD cho WHO, trong khi Trung Quốc đóng góp khoảng 40 triệu USD.

Nhưng các đồng minh của ông Trump cho rằng quyết định cắt ngân sách cho WHO phù hợp với các mục tiêu hiện nay của chính quyền nhằm chống lại sự tuyên truyền của Trung Quốc về nguồn gốc của virus, và cũng nằm chiến dịch dài hơi hơn nhằm chống lại sự ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh tại WHO, một cơ quan của Liên hợp quốc, và các thể chế quốc tế khác.

“Đây là Covid-19, chứ không phải Covid-1. Và do đó, các bạn nên nghĩ rằng những người chịu trách nhiệm về các số liệu và thông tin trong WHO phải chịu trách nhiệm điều đó”, cố vấn Nhà Trắng Kellyanne Conway nói với Fox News hôm 15/4 khi bà chỉ trích phản ứng của WHO với đại dịch.

Covid-19 là tên của căn bệnh do chủng virus corona mới lần đầu được phát hiện tại Vũ Hán, Trung Quốc hồi cuối năm ngoái. Tên của nó liên hệ tới năm, chứ không phải là số của các đợt bùng phát trước đây.

“Đây là lúc cần phải ngừng lại, để có một cuộc điều tra và xem xét những gì đã xảy ra. Mọi người nên biết các sự thật. Chúng tôi đã đóng góp hơn 830 triệu USD cho WHO trong 2 năm qua trong khi Trung Quốc chỉ chi 10% trong số đó”, bà Conway nói thêm.

Trong nội bộ Nhà Trắng, quyết định của ông Trump nhằm cắt ngân sách cho WHO đã khiến một số cố vấn y tế công lo ngại rằng động thái này diễn ra trong bối cảnh Mỹ và các quốc gia khác đang đối mặt với số người tử vong vì Covid-19 gia tăng có thể cản trở sự hợp tác quốc tế, dù ông Trump và chính quyền của ông có thể tiếp tục phối hợp trực tiếp với các quốc gia khác.

Các cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Trump thì cho rằng, động thái của ông Trump đã gửi đi một tín hiệu cứng rắn tới Liên hợp quốc và các quốc gia khác, rằng Mỹ sẽ không ngồi yên nếu các nước này bị chính sách ngoại giao của Trung Quốc chi phối.

Trong một cuộc điện đàm với các đồng minh và người phát ngôn tạm thời hôm 15/4, bà Sarah Makin-Acciani, một thành viên của Hội đồng An ninh quốc gia, cho hay số tiền bị cắt cho WHO vì một số lý do, trong đó có việc WHO “thiên vị Trung Quốc”.

“Họ đã thất bại trong việc điều tra các báo cáo đáng tin cậy từ các nguồn ở Vũ Hán vốn mâu thuẫn với thông tin chính thức của chính phủ Trung Quốc”, bà Makin-Acciani nói. “Đã có thông tin đáng tin cậy liên quan tới sự lây nhiễm từ người sang người tháng 12 năm ngoái. Họ đã không điều tra chúng”.

Bà Makin-Acciani nói thêm, những sự chậm trễ đó đã gây ảnh hưởng tới Mỹ và rằng WHO vẫn im lặng về các hạn chế nghiên cứu và sự mất tích của các bác sĩ, hoặc không chỉ trích Trung Quốc thiếu minh bạch. Bà cũng nêu lập trường phản đối của WHO đối với việc đóng cửa các chợ bán đồ tươi sống ở Trung Quốc.

“Họ đã bảo vệ Trung Quốc ra mặt và phát tán thông tin sai lệch”, bà Makin-Acciani nói.

Các cố vấn của ông Trump và các đồng minh những ngày gần đây cho biết, thông điệp của ông nhằm vào WHO và Trung Quốc nhiều khả năng sẽ giúp thu hút những người ủng hộ ông, đặc biệt là lập trường chống Trung Quốc.

Washington Post dẫn lời Michael Pillsbury, một chuyên gia về Trung Quốc tại Viện Hudson và là cố vấn không chính thức của Tổng thống Trump, cho rằng quyết định của ông phù hợp với chiến lược mà ông đưa ra nhiều tháng trước nhằm ngăn chặn mạnh mẽ hơn sự ảnh hưởng của Trung Quốc trên trường quốc tế.

Ông Pillsbury cũng chỉ ra các động thái của chính quyền Mỹ nhằm ngăn Trung Quốc giữ vai trò lãnh đạo tại Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) hồi đầu tháng 3 năm nay và hạn chế tiếp cận của Bắc Kinh đối với các khoản vay từ Ngân hàng Thế giới (WB) hồi tháng 12 năm ngoái.

“Điều này không xuất phát từ nhóm chuyên trách”, ông Pillsbury nói, đề cập tới một nhóm cố vấn và các chuyên gia y tế do Phó tổng thống Mike Pence đứng đầu được Tổng thống Trump chỉ định để đối phó với dịch Covid-19. “Nó xuất phát từ bộ khung của Hội đồng An ninh Quốc gia”, ông nói.

Sẵn sàng trừng phạt nhưng không đối đầu trực tiếp

Lá bài WHO trong cuộc chiến chặn Trung Quốc của Tổng thống Trump - 2

Cuộc đối đầu Mỹ - Trung ngày càng gay gắt khi dịch Covid-19 bùng nổ (Ảnh: EPA/AFP)

Nhưng điều đáng chú ý cuộc tấn công mới của ông Trump nhằm vào WHO là, hơn 3 tháng sau khi Trung Quốc lần đầu công khai thừa nhận về sự bùng phát của dịch Covid-19 tại Vũ Hán, chính sách Trung Quốc của ông Trump vẫn mâu thuẫn và không thống nhất.

Ban đầu, ông Trump ca ngợi phản ứng của Trung Quốc nhưng sau đó có giọng điệu cứng rắn hơn khi dịch lan rộng. Nhưng có một sự nhất quán trong các phát biểu của ông Trump là ông luôn nhấn mạnh tới mối quan hệ cá nhân tốt với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, một mối quan hệ mà ông nói là góp phần khiến Mỹ đạt được một thỏa thuận thương mại gần đây với Bắc Kinh và có thể là một thỏa thuận lớn hơn trong tương lai.

Khi dịch Covid-19 mới nổ ra, ông Trump thậm chí còn ca ngợi các nỗ lực của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhằm kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh.

Trong một cuộc phỏng vấn với CNBC tại Davos, Thụy Sĩ vào ngày 22/1, khi được hỏi rằng liệu ông có tin Trung Quốc minh bạch về virus, ông trả lời “Có”. “Tôi có quan hệ rất tốt với Chủ tịch Tập. Chúng tôi vừa ký thỏa thuận thương mại có thể là lớn chưa từng có. Chắc chắn nó có tiềm năng trở thành thỏa thuận thương mại lớn nhất được thực hiện”.

Khi virus “càn quét” các thành phố Mỹ, ông Trump đã gia tăng sự chỉ trích nhằn vào Trung Quốc, vốn được bổ sung bằng các đánh giá của tình báo Mỹ cho thấy Bắc Kinh có thể đã cố tình giảm số người chết và mắc bệnh để chứng tỏ việc đã kiểm soát được virus và lấy lại danh tiếng quốc tế.

Ông Trump cũng vẫn duy trì giọng điệu kính trọng đối với ông Tập trong cuộc chiến thương mại kéo dài giữa Washington và Bắc Kinh, vốn đi tới thỏa thuận giai đoạn 1 hồi tháng 1, trong đó Trung Quốc cam kết mua 250 tỷ USD hàng hóa của Mỹ.

Khi một phóng viên đặt câu hỏi hồi tuần trước rằng liệu ông có hợp tác với Trung Quốc về cuộc chiến chống Covid-19, trong đó có việc mua các trang thiết bị y tế mà các bệnh viện Mỹ đang thiếu trầm trọng, ông Trump cho biết ông sẵn sàng hợp tác trên tinh thần của thỏa thuận thương mại. Hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung đã cam kết hợp tác trong cuộc điện đàm kéo dài 1 giờ hồi cuối tháng 3.

“Tôi hi vọng họ sẽ tuân thủ thỏa thuận đó. Nếu họ không làm vậy, tôi sẽ nói với bạn một câu trả lời khác, nhưng tôi nghĩ họ sẽ tuân thủ. Họ sẽ chi hàng tỷ USD cho các sản phẩm nông nghiệp”, ông Trump nói.

Trong bối cảnh đó, động thái của ông Trump nhằm vào WHO có thể được xem là một “cuộc chiến ủy nhiệm” - một cách để gửi thông điệp tới những phe bảo thủ rằng ông sẵn sàng trừng phạt Trung Quốc, nhưng không đối đầu trực tiếp ông Tập. Động thái của ông cũng làm hài lòng những tiếng nói hành đầu trong phe bảo thủ, trong đó có Thượng nghị sĩ Lindsey O. Graham, vốn kêu Mỹ phải cứng rắn hơn với WHO.

Hồi đầu tháng 4, ông Graham đã kêu gọi Mỹ cắt đóng góp cho WHO trừ khi lãnh đạo tổ chức này bị thay thế.

Michael Green, một cựu trợ lý chính sách cấp về châu Á dưới thời Tổng thống George W. Bush, thừa nhận mặc dù WHO dường như thiên vị Bắc Kinh nhưng ông cũng nhấn mạnh rằng các đồng minh của Mỹ đã nói rằng Washington tốt hơn là nên hợp tác với các đối tác để phản đối các hành động của Trung Quốc thay vì hành động đơn phương.

“Chiến dịch tranh cử của ông Trump rõ ràng đã xác định rằng điều này sẽ có lợi”, ông Green nói, chỉ ra rằng một cuộc thăm dò của hãng Harris hồi tháng này cho thấy phần lớn người Mỹ ở cả 2 đảng Cộng hòa và Dân chủ ngày càng không tin tưởng các thông tin của Trung Quốc về dịch Covid-19.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng ông Trump có thể đang đánh lạc hướng sự chỉ trích của dư luận về cách đối phó của chính quyền với đại dịch.

“Cách nhìn nhận của công chúng với Trung Quốc ngày càng xấu đi… Và có một sự liên kết giữa các nhân vật chính trị, các quan chức an ninh quốc gia và nhóm cố vấn của ông Trump nhằm làm đánh lạc hướng sự đổ lỗi”, Washington Post dẫn lời ông Green.

An Bình

Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm