1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ký sự từ miền đất nóng

(Dân trí) - Bây giờ mà kể chuyện đi Thái Lan, chắc chắn sẽ không ít người tủm tỉm cười mà cho rằng gã này hâm hấp hay mắc bệnh... tâm thần. Nhưng...

Vì giờ đây, chỉ cần đến một công ty du lịch nào đó đưa cho họ cái hộ chiếu là có thể đi khắp năm châu bốn bể miễn là rủng roảng túi tiền. Do vậy cái chuyện sang Thái Lan và các nước trong khu vực nó giống như... sang nhà hàng xóm. Nghĩa là lúc nào cũng có thể sang chơi thậm chí như kiểu đi ngang rồi tạt vào hút điếu thuốc lào hay uống chén nước chè ở làng, ở xóm vậy.
 
Những chuyện cũ hơn... trái đất
 
Lại nhớ dạo mới mở cửa, mỗi khi có người thân quen nào đó sang các nước tư bản về là tạo nên một sự kiện. Anh em, bè bạn có thể ngồi nghe họ kể hàng giờ về chuyến đi với rất nhiều háo hức mới mẻ. Thậm chí đến những năm đầu thập niên 90, nhà văn Lê Lựu sang Mỹ trở về đã trở thành một sự kiện trong đời sống xã hội. Anh được mời đi khắp nơi để kể chuyện về người Mỹ, về nước Mỹ. Những đơn đặt hàng anh đến nói chuyện với phong bì, phong bao cát-sê cao như ngôi sao ca nhạc nổi tiếng luôn đặc kín và những câu chuyện anh kể hay đến mức có người ghi hẳn thành băng cát-sét, in rồi bán chạy như mắm tôm, cá mè thời bao cấp dù giá cao ngút ngát trời xanh.
 
Thuở ấy, nước Mỹ là một thế giới xa lạ, bí ẩn và đầy mê hoặc. Vì vậy, ai được sang Mỹ, sang Anh tức là được đi đến một thế giới khác. Tôi kể chuyện này cho người bạn Việt kiều, anh trợn mắt không tin và cho rằng tôi bịa chuyện. Chỉ đến khi tôi đưa cho anh xem cái băng cát-sét cũ moi từ giá sách xuống anh mới tin là thật.
 
Còn bây giờ, hoạ có mà điên mới ngồi nghe ai đó kể về nước Mỹ hay bất cứ nơi nào trên thế giới. Vậy mà tôi lại định kể về Thái Lan, một hàng xóm tuy không kề tường, sát vách nhưng cũng chỉ vòng qua một đoạn như đi vòng qua cái bờ ao là đến được thôi. Thế thì có chuyện gì đáng để kể nhỉ?
 
Chuyện sex hay chuyện bầy voi, bầy cá heo biểu diễn? Nếu kể về những chuyện đó, hẳn là điên thật rồi vì đó là chuyện mà ít ai không biết. Thôi thì tốt nhất và an toàn nhất là kể về những con người với những câu chuyện mà tôi được gặp hoặc được nghe kể về họ.

Tư duy VIP của chàng hướng dẫn viên du lịch

Hướng dẫn kiêm phiên dịch cho chúng tôi là chàng trai gốc Việt có cái tên rất Việt: Nguyễn Trí Hào. Hào sinh năm 1978 tại Đà Nẵng, sang Thái Lan từ năm 15 tuổi. Như một người Thái chính gốc, Hào luôn có nụ cười thường trực trên môi và cách nói chuyện rất có duyên.
 
Ký sự từ miền đất nóng - 1

"Chính Hào đã khiến tôi nhiều lần giật mình về suy nghĩ của anh"
 
Anh hiểu biết khá vững nền văn hóa Thái cũng như những diễn biến trong đời sống chính trị ở vương quốc Quân chủ lập hiến này. Anh có những nhận định khá sâu sắc về cuộc biểu tình đang diễn ra của những người áo đỏ và chỉ ra sự đối lập giữa những phe phái chính trị cũng như vai trò của các nhà lãnh đạo cả hai phía. Đặc biệt, Hào có một niềm tin cũng như tình yêu vô tận vào Đức Phật và Quốc vương Thái Lan.
 
Anh có thể kể hàng giờ về niềm tin tôn giáo hay những đóng góp to lớn của Quốc vương Thái Lan. Anh yêu nước Thái như một người Thái chính cống chứ không phải như một kẻ ăn đậu, ở nhờ. Dù mang tên Việt, dù nói tiếng Việt, dù dòng máu Việt đang chảy trong huyết quản của anh nhưng tôi cảm nhận rằng Thái Lan đã trở thành Tổ quốc của anh. Tôi không tin một người lại có hai tổ quốc bởi "Quê hương mỗi người chỉ một - Như là chỉ một mẹ thôi...". Cũng chính Hào đã khiến tôi nhiều lần giật mình về suy nghĩ của anh.

Lần thứ nhất là khi thấy chúng tôi ăn xoài một cách hứng thú, Hào đã nói đầy cảm động với chúng tôi rằng xin cám ơn quý vị. Khi quý vị mua một trái xoài, nghĩa là quý vị đã giúp người nông dân Thái Lan chúng tôi rất nhiều. Người trồng xoài bán được xoài, người bán phân bón tiêu thụ được phân bón, người chuyên chở xoài cũng có việc làm và cả người bán nhiên liệu xăng dầu cũng nhờ đó mà có việc.

Chuyện thứ hai là khi vào Trung tâm nghiên cứu và quảng bá sản phẩm về rắn, người thuyết trình kiêm nhà tiếp thị đã bỏ ra hơn nửa giờ để nói về rắn, về tác dụng của các loại dược liệu chế biến từ một trong số những loài động vật cổ xưa nhất còn sót lại đến hôm nay. Thế nhưng do không có nhu cầu nên chẳng ai trong đoàn mua một mặt hàng nào. Thấy chúng tôi có vẻ ái ngại, Hào đã nói rằng xin các anh, các chị đừng buồn. Hôm nay các anh các chị chưa có nhu cầu thì ngày mai các anh các chị có nhu cầu. Lần này các anh các chị không mua hàng thì lần khác các anh các chị mua. Mà thậm chí chẳng bao giờ các anh các chị mua mặt hàng này thì chúng tôi cũng đã đạt được mục đích là giới thiệu về một mặt hàng độc đáo của đất nước tôi.

Cách nghĩ đơn giản nhưng hiệu quả của người hướng dẫn viên du lịch làm tôi kinh ngạc và thầm nghĩ không biết lãnh đạo ngành du lịch nước nhà có được cái tư duy như của anh chàng hướng dẫn viên du lịch bình thường trên đất Thái này không nhỉ?

Nhà sư tham gia thương trường du lịch
Ký sự từ miền đất nóng - 2
Một góc ngôi chùa, nơi Hoàng tử Thái Lan đã từng đến tu.
 
Ngôi chùa Hào dẫn chúng tôi đến thăm là nơi Hoàng tử Thái Lan năm 21 tuổi từng đi tu 30 ngày. Trụ trì là một vị sư già có khuôn mặt phúc hậu, xấp xỉ tuổi cửu tuần. Khi chúng tôi đến, nhà sư đã trực tiếp vẩy nước cầu phúc cho chúng tôi. Điều đặc biệt là nếu mua một bức tượng nhỏ mạ vàng giá khoảng 1 - 2.000 bạt (khoảng 500 ngàn - 1triệu VND), bạn sẽ được chính tay vị sư già làm lễ "nhập tâm" cho bức tượng.
 
Việc làm này của nhà sư đạt được hai mục đích. Một là sự hành đạo (cầu phúc và ban phúc, quảng bá Phật đạo) và hai là góp sức cho thương trường. Mặc dù theo lời Nguyễn Trí Hào, toàn bộ số tiền bán hàng ở đây sau khi trừ vốn sẽ được dùng để phục vụ cho việc trùng tu, bảo dưỡng ngôi chùa đồng thời ban phát cho người nghèo khổ.
 
Những ngày ngắn ngủi trên đất Thái, tôi cảm nhận đất nước này như một thương trường rộng lớn mà sự thấm nhuần sâu sắc đến mỗi người dân và cả các chùa chiền. Thương trường là một nét văn hóa đặc sắc của người Thái.

Sự hình thành của vườn hoa Noongnúc

Câu chuyện thứ ba là về bà chủ của vườn hoa Noongnúc. Theo lời Nguyễn Trí Hào thì bà chủ có được cơ nghiệp này là nhờ 5 đời cha ông bà tích góp. Đời cụ kỵ của bà về đây mua mảnh đất này từ những năm đầu thế kỉ trước. Khi đó, đất đai nơi đây rẻ như bèo, bán như cho. Từ cái mảnh đất be bé ban đầu, sau hơn một thế kỉ bành trướng giờ đã thẳng cánh cò bay. Chiếc xe du lịch chở chúng tôi đi với vận tốc 60 - 70 km/h, nằm trên xe thiu thiu ngủ, tỉnh dậy vẫn thấy hai bên đường còn tít tắp những hàng cọ.
 
Nguyễn Trí Hào kể rằng cứ đâu có cọ là đất của đồn điền này. Khi Chính phủ Thái Lan có chính sách mới về đất đai, bà chủ trang trại đã định trả lại cho nhà nước để tránh bị đánh thuế. Nhưng rồi không nỡ để mồ hôi công sức tổ tiên biến thành nước lã, bà cho trồng cọ bán. Khi Pattaya trở thành thành phố du lịch, đất của bà bỗng chốc hóa thành vàng. Khu vườn hoa nửa hiện đại, nửa hoang sơ với hàng đàn sư tử, hổ, tê giác, voi, hươu nai... sống hoang đã trở thành Vườn hoa Quốc gia nổi tiếng. Ở đây, có hẳn một làng với đầy đủ nhà cửa, trường học, trạm xá dành cho những người làm việc trong công viên. Tất cả mọi khoản từ ốm đau, học hành đến các chi phí sinh hoạt khác đều do bà chủ đảm nhận. Làng giống như một công xã lý tưởng mà ngày xưa ở ta hằng mơ ước và phấn đấu nhưng chưa thành hiện thực. Cũng rất may là ở Thái Lan không có những cuộc biến động lớn về ruộng đất như ở ta nên tài sản tổ tiên bà chủ để lại vẫn còn nguyên vẹn.     

Phóng viên Dân trí ở trung tâm chảo lửa

Thời gian này là thời điểm nóng nhất của thời tiết Thái Lan. Thế nhưng cái nóng của trời đất không ăn nhằm gì so với cái nóng của biển người biểu tình.

Việc những người áo đỏ biểu tình đang trở thành sự kiện nóng bỏng trên các trang báo thế giới. Và các phóng viên báo điện tử Dân trí trong đoàn du lịch cũng không bỏ lỡ cơ hội hiếm hoi này. Đêm ngày 13/4, khi cuộc biểu tình dâng lên đỉnh điểm, phóng viên Tuấn Hợp đã có mặt tại "chảo lửa", tâm điểm của cuộc biểu tình.
 
Để có được bài phóng sự nóng hổi trên Dân trí, Tuấn Hợp đã tranh thủ được hướng dẫn viên Nguyễn Trí Hào đi cùng. Thế nhưng tất cả các con đường đến đó đều bị phong tỏa, taxi không dám chở vì sợ bị những người biểu tình chặn lại. Mãi sau mới có một tài xế nhận lời nhưng chỉ đi được 2km thì bị stop. Tuấn Hợp và Trí Hào phải bắt tiếp xe ôm để "đột nhập" tâm điểm. Song do không có thẻ Nhà báo quốc tế nên không được vào vòng cách li. Sau nhờ Trí Hào trình bày với một người thuộc lực lượng bảo vệ của những người áo đỏ. Rất may là anh ta chấp nhận và còn tỏ ý hoan nghênh.
 
Ký sự từ miền đất nóng - 3

Ảnh phóng viên Dân trí chụp tại "chảo lửa" - tâm điểm của cuộc biểu tình.
 
Có lẽ Tuấn Hợp là phóng viên Việt Nam duy nhất có mặt tại thời điểm nóng bỏng ở tâm điểm của sự kiện này. Chỉ hơn một giờ sau, bài báo đã lên trang nhất điện tử Dân trí. Khi đoàn chúng tôi ra sân bay, ngồi trong nhà chờ thấy mấy vị khách đọc Dantri.com.vn bàn tán sôi nổi. Một người (sau này dò hỏi, tôi mới biết anh là bác sỹ của Bệnh viện Phụ sản T.W sang đây nghỉ mát) nói to: Bọn phóng viên điện tử Dân trí "tởm" thật, mò sang tận bên này đưa tin. Tôi chỉ cho anh tác giả của bài báo, khi xếp hàng chuẩn bị soát vé, thấy anh ta chỉ vào Tuấn Hợp thì thầm với một người bạn: "Tay kia là tác giả bài báo biểu tình ở Băng Cốc đấy". Nghe mà sướng nổi da gà.

Sức mạnh ở niềm tin

Trước khi sang Thái Lan, tôi cứ đinh ninh rằng nền du lịch nước này phát triển là nhờ… du lịch tình dục. Được tận mắt chứng kiến những gì người Thái đã làm, tôi mới ngộ ra rằng du lịch tình dục chỉ là một trong vô vàn những loại hình du lịch mà người Thái áp dụng. Họ không nề hà bất cứ điều gì để làm đẹp lòng du khách miễn là thu được tiền. Chính sự "móc túi" êm ái và chính đáng đó, họ đã khiến du khách dốc đến đồng bạc cuối cùng mà không hề nuối tiếc và ca thán. Hình như có một chiến lược xã hội hóa du lịch đã bắt rễ vào mỗi người dân của mảnh đất này và họ ý thức sâu sắc điều đó.

Điều ấn tượng thứ hai đối với tôi là niềm tin của người Thái. Họ tin tưởng tuyệt đối vào tôn giáo mà hiện thân là Phật Bốn Mặt và niềm tôn kính vô hạn đối với Quốc vương. Khắp các ngõ ngách phố phường, đâu đâu cũng thấy hình ảnh Quốc vương và tượng Phật Bốn Mặt. Chợt nhớ chuyện một nhà khoa học từng đoạt giải Nobel khi được hỏi có tin Chúa trời không, ông ta đã trả lời rằng đối với ông, việc có Chúa hay không không quan trọng mà điều ông ta cần là một niềm tin.

Một dân tộc hạnh phúc là một dân tộc luôn có niềm tin và người Thái có được hai lần như vậy. Họ tin ở Đức Phật trong thế giới tâm linh và thành kính sùng bái Quốc Vương nơi trần thế. Phải chăng đó là sức mạnh tiềm ẩn của người dân Thái Lan?
 
Bùi Hoàng Tám