Kỳ nghỉ bí mật của lãnh đạo Trung Quốc
Trong 2 tuần đầu tiên của tháng 8, các nhà lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc, trong đó có Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường, đột nhiên không xuất hiện trước công chúng.
Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) tiết lộ họ khi đó có thể họ đang đi "nghỉ hè" và tham dự một cuộc họp bí mật ở Bắc Đới Hà (tỉnh Hà Bắc), cách thủ đô Bắc Kinh khoảng 280 km về phía Đông.
Khác biệt với phương Tây, truyền thông nhà nước Trung Quốc không đưa tin về “kỳ nghỉ hè” của các nhà lãnh đạo của họ. SCMP giải thích giới lãnh đạo Trung Quốc không muốn công khai kỳ nghỉ bởi làm như vậy có thể ảnh hưởng đến uy tín chính trị và gây tổn hại đến hình ảnh “phục vụ hết mình vì dân vì nước”.
Cuộc họp bí mật vào mùa hè này được cho là rất quan trọng bởi diễn ra trước thời điểm tổ chức hội nghị của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 10 tới. Hội nghị sẽ thảo luận các vấn đề như điều chỉnh bộ máy nhân sự cấp cao trong bối cảnh Chủ tịch Tập Cận Bình tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch chống tham nhũng để củng cố quyền lực.
Ngoài ra, tại đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 dự kiến diễn ra vào năm tới, 5/7 Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị sẽ nghỉ hưu. Nhiều vị trí trung và cao cấp trong đảng, chính quyền, quân đội, các doanh nghiệp nhà nước cũng thay đổi. Có ý kiến cho rằng ông Tập sẽ cắt bớt quyền lực của ông Lý trong việc xử lý các vấn đề kinh tế sau khi 2 người có rạn nứt về hướng đi của nền kinh tế.
Trong khi đó, theo đài CNBC (Mỹ), cuộc họp kín ở Bắc Đới Hà nhiều khả năng hình thành thế hệ lãnh đạo tương lai của Trung Quốc, vào thời điểm các nhà quan sát nhận thấy có sự căng thẳng trong giới lãnh đạo hiện tại ở Bắc Kinh.
Nơi tổ chức cuộc họp không được tiết lộ. Tuy nhiên, CNBC dẫn nguồn thạo tin cho biết cuộc họp diễn ra ở 4-5 biệt thự tại Bắc Đới Hà, một thành phố ven biển. Các chuyên gia nhận định vấn đề chính trị và thay đổi lãnh đạo nằm trong chương trình nghị sự bởi tháng 10-2017, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ kết thúc nhiệm kỳ 5 năm của mình.
Các chiến lược gia chỉ ra rằng Bắc Kinh gần đây ưu tiên đặt trọng tâm vào ổn định nền kinh tế và có hướng tiếp cận lâu dài với vấn đề cải cách. Nếu cuộc họp có thể tìm ra được giải pháp cho những khó khăn hiện nay của nền kinh tế, như thừa mứa công suất, nợ doanh nghiệp cao..., Trung Quốc nhiều khả năng tái cân bằng nền kinh tế và tiếp bước trên con đường phát triển bền vững.
Theo P.Nghĩa/SCMP, CNBC
Người Lao động