1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Kỳ lạ cách dân mạng Trung Quốc đặt tên tàu sân bay nội địa đầu tiên

(Dân trí) - Cộng đồng những người sử dụng mạng tại Trung Quốc đã thực hiện một cuộc thăm dò trực tuyến, chọn ra tên gọi được yêu thích nhất để đặt cho tàu sân bay nội địa đầu tiên của nước này. Và “Tôm tít” là cái tên được nhiều sự ủng hộ nhất.

Hình ảnh so sánh giữa tàu sân bay nội địa đầu tiên do Trung Quốc tự đóng (phải) và loài tôm tít (Ảnh: RT)
Hình ảnh so sánh giữa tàu sân bay nội địa đầu tiên do Trung Quốc tự đóng (phải) và loài tôm tít (Ảnh: RT)

Trung Quốc ngày 26/4 đã hạ thủy tàu sân bay nội địa đầu tiên do nước này tự đóng tại nhà máy đóng tàu ở Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh. Tên gọi tạm thời của tàu sân bay này là Type-001A và vẫn chưa có tên chính thức. Theo đó, cộng đồng mạng Trung Quốc đã nảy ra ý tưởng làm một cuộc thăm dò trực tuyến để kêu gọi người dân đặt tên cho tàu sân bay mới.

Theo RT, sau một thời gian lấy ý kiến, có hai tên được bình chọn nhiều nhất và cạnh tranh nhau vị trí dẫn đầu là “Đài Loan” và “Tôm tít”. Rốt cuộc, vào ngày 4/5, tên “Tôm tít” dẫn đầu với hơn 1,37 triệu lượt bình chọn từ cộng đồng mạng.

Mặc dù cuộc thăm dò này chỉ là một trò vui trên mạng nhưng cũng đã thu hút sự chú ý của Bộ Quốc phòng Trung Quốc và buộc cơ quan này phải lên tiếng. Trả lời câu hỏi của một phóng viên về tên gọi “Tôm tít”, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Yang Yujun, nói rằng cuộc thăm dò này chỉ do cộng đồng mạng tiến hành và con tàu vẫn chưa được đặt tên.

“Theo tôi biết, “Tôm tít” là một trong số những tên được nhiều người bầu chọn trong cuộc thăm dò dư luận. Nhưng theo quy định của quân đội Trung Quốc, tên của một con tàu mới sẽ được quyết định sau khi tàu được bàn giao và biên chế hoạt động”, ông Yu nói trong cuộc họp báo ngày 27/4.

Tàu sân bay Type-001A có lượng choán nước khoảng 70.000 tấn với chiều dài 315 m và chiều rộng 75 m. Tàu sân bay này lớn hơn một chút so với tàu sân bay Liêu Ninh đầu tiên của Trung Quốc. Liêu Ninh là tàu do Trung Quốc mua lại từ Ukraine từ năm 1998, sau đó được Bắc Kinh tân trang lại và đưa vào sử dụng.

Thành Đạt

Theo RT