1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Cuộc chiến gián điệp tại miền đông Ukraine:

Kỳ cuối: Thế khó của Ukraine và phương Tây

Hai tháng sau khi Kiev và lực lượng ly khai miền đông nhất trí về một lệnh ngừng bắn, cuộc xung đột tại Ukraine vẫn tiếp tục âm ỉ và sẵn sàng bùng phát. Đó là cuộc chiến của súng ống và rốckét trên chiến trường, cũng là cuộc chiến của những cảnh báo và lệnh trừng phạt trên bàn đàm phán.

Nhưng trên mặt trận thứ ba còn một cuộc chiến ngầm - cuộc chiến gián điệp - và các bên đã chuẩn bị như thế nào cho cuộc chiến này?
 
Một ngôi nhà bị phá hủy trong cuộc giao tranh tại khu vực ngoại ô Donetsk, miền Đông Ukraine
Một ngôi nhà bị phá hủy trong cuộc giao tranh tại khu vực ngoại ô Donetsk, miền Đông Ukraine

Phản ứng của Kiev đối với những thách thức từ bên kia biên giới dường như rất yếu ớt. Bởi lẽ chính phủ không thể tin tưởng chính lực lượng quân đội, cảnh sát, tình báo của mình, thậm chí còn nghi ngờ lực lượng này tiết lộ thông tin cho đối phương. Giới chức Ukraine có thể đã đánh giá quá cao mức độ thâm nhập của tình báo Nga vào hệ thống của họ và chính việc thiếu tin tưởng vào lực lượng an ninh của mình buộc họ phải dựa nhiều vào thông tin không chính thức từ lực lượng dân quân. Trong khi đó, việc một số lực lượng dân quân chống Nga gay gắt với những quan điểm rất cực đoan khiến việc sử dụng lực lượng này chỉ như “tiếp thêm dầu cho đám cháy miền Đông”.

Trong cuộc đối đầu tình báo này, mắt xích yếu nhất của Kiev lại nằm ở chính Cơ quan An ninh Ukraine (SBU), một tổ chức có nhiệm vụ chuyên săn tìm những “chuột chũi” của tình báo nước ngoài và hỗ trợ cho chiến dịch chống nổi dậy ở miền Đông. Hồi đầu năm nay, một chuyên gia an ninh cấp cao giấu tên của Ukraine nhận định “có khoảng 30% nhân sự của SBU có thể là điệp viên của Nga”. Một vị phó giám đốc của SBU năm 2010 thừa nhận rằng trong hàng ngũ của SBU không chỉ có các điệp viên Nga mà tổ chức này còn có một thỏa thuận chính thức với FSB theo một nghị định hợp tác năm 2010 giữa hai bên, theo đó, cho phép Moskva tuyển mộ điệp viên ngay bên trong chính phủ Ukraine. Tháng 12/2013, một nhóm 30 sĩ quan FSB còn tham gia vào khóa huấn luyện tại SBU và gặp gỡ với vị giám đốc của SBU, người sau đó đã chạy sang Nga cùng với hai vị phó và hai cựu quan chức cấp cao khác trong SBU.

Giám đốc mới của SBU Valentyn Nalyvaichenko tiếp quản cơ quan này trong tình huống không thể tin tưởng chính cấp dưới của mình và hoạt động của SBU đã không còn là quá bí mật với đối phương. Sau đó, SBU đã phải tiến hành một cuộc đại phẫu về nhân sự khi giới lãnh đạo mới yêu cầu thay thế những nhân viên cũ bằng các nhân sự trung thành.

Nhưng ngọn lửa đang chuẩn bị tiếp tục bùng lên. Hồi giữa tháng 10, Kiev đã đưa ra một đạo luật mới nhằm xóa bỏ mọi thỏa thuận có từ thời Liên Xô ở tất cả các cấp chính quyền, trong đó có hệ thống an ninh, mà Giám đốc Nalyvaichenko cho rằng khoảng 20% nhân sự hoặc là làm việc cho KGB hoặc được đào tạo tại các cơ sở của KGB. “Cuộc thanh trừng” này đi kèm với nó là một cái giá rất đắt khi buộc phải từ bỏ những nhân viên kinh nghiệm, những nhà tình báo chuyên nghiệp. Và như một sĩ quan tình báo Mỹ đánh giá “một số nhân viên mới tuyển dụng (của SBU) vẫn là ‘những đứa trẻ’. Rồi họ sẽ bắt nhịp với công việc nhưng họ đang phải làm những công việc không được đào tạo hoặc có đủ kinh nghiệm để làm”.

Có thể sẽ cần phải hàng tháng hoặc hàng năm để tái thiết lại hoàn toàn SBU thành một đơn vị an ninh tin cậy. Điều khó tránh được là một số tài năng, chuyên gia sẽ bị loại bỏ một cách bất công. Trái lại, trong số những sĩ quan còn lại, những người tỏ ra đặc biệt trung thành và không có mối liên hệ vào với Moskva vẫn có thể cuối cùng lại nằm trong mạng lưới tình báo của FBS hay GRU. Mặc dù mạng lưới của Nga trong SBU đã suy yếu đi kể từ khi Ukraine thành lập chính phủ mới nhưng Kiev lo ngại rằng nó chưa hẳn biến mất.

Kiev không phải là thủ đô duy nhất của châu Âu đang phải vật lộn để đối phó với lợi thế của Moskva trên mặt trận tình báo. Các chiến lược gia châu Âu và Mỹ cũng có những khó khăn tương tự để bắt nhịp với “cuộc chiến hỗn hợp” (hybrid war) mới tại miền Đông Ukraine. Trước khi khủng hoảng bùng phát hồi đầu năm ngoái, các cơ quan tình báo phương Tây đã không coi trọng địa bàn Ukraine mà chỉ tập trung nguồn lực của mình vào khu vực châu Á, Trung Đông và Nga. Tầm nhìn này đã khiến phương Tây phải trả giá về mặt thời gian vào thời điểm khởi đầu cuộc xung đột. Do vậy, họ thiếu điệp viên trên thực địa và không có nhiều cơ hội để gài người vào khu vực miền Đông. Vì thế, khả năng phân tích, đánh giá số thông tin tình báo ít ỏi lượm nhặt được của họ cũng hạn chế.

Những vũ khí mà phương Tây có thể sử dụng trong cuộc đối đầu với Nga trên mặt trận thầm lặng này cũng rất ít ỏi. Dù phương Tây và đặc biệt là Mỹ có công nghệ rất vượt trội, như vệ tinh viễn thám, các thiết bị nghe lén điện tử, song họ vẫn bất ngờ trước việc Nga sáp nhập Crimea.

Khi cuộc xung đột chuyển hướng sang miền Đông, phương Tây còn tụt lại xa hơn. Thách thức đưa điệp viên phương Tây vào khu vực do phe ly khai kiểm soát này trở nên lớn hơn, họ không thể “cấy” bất kỳ đặc vụ hoặc tạo dựng được bình phong nào hợp lý. Một sĩ quan tình báo Anh chia sẻ: “Đây không phải là môi trường để có thể thả một điệp viên xuống mà không có một vỏ bọc vững chắc, mà việc xây dựng vỏ bọc cần có thời gian”. Ngoài ra, khu vực này không có một sứ quán nước ngoài nào để có thể tiếp nhận điệp viên hay lót ổ cho hoạt động ngầm.

Nói cách khác, hoạt động gián điệp tại miền Đông Ukraine không khác gì ở một quốc gia đúng nghĩa, đó là một quốc gia bên trong nhà nước Ukraine. Do vậy, phương Tây tới nay vẫn chưa trả lời được câu hỏi liệu giới lãnh đạo ly khai hành động một mình hay hoạt động như các điệp viên của Moskva.

Thiếu những thông tin này khiến chính sách của phương Tây hiện nay đối với khu vực này trở nên mông lung. Không ai dự đoán được cuộc xung đột tại Ukraine sẽ kéo dài bao lâu, Mỹ và phương Tây có áp đặt thêm các lệnh trừng phạt với Nga hay không. Moskva vẫn đang có lợi thế trên mặt trận tình báo, một phần không thể thiếu của mọi cuộc đối đầu.

Theo Thái Nguyễn