1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Dấu ấn Huyền thoại châu Á:

Kỳ cuối: “Cố vấn đặc biệt” của Việt Nam

Ông Lý Quang Diệu từng nhiều lần sang thăm Việt Nam với tư cách một người bạn, nhà tư vấn. Ông đã có nhiều cuộc thảo luận trao đổi kinh nghiệm thẳng thắn, cởi mở với các nhà lãnh đạo Việt Nam về nhiều vấn đề khác nhau.

Từ đó, "cố vấn đặc biệt" cũng chính là danh xưng mà báo giới Việt Nam thường dành cho vị “tổng công trình sư” của đảo quốc Sư tử.

Thắng về giáo dục sẽ thắng về kinh tế

Lý Quang Diệu đến Việt Nam lần đầu vào năm 1992, khi công cuộc Đổi mới bắt đầu chập chững những bước sơ khởi, và đã có nhiều chuyến thăm khác. Thông điệp ngắn gọn đọng lại sau mỗi cuộc tiếp xúc của vị "cố vấn đặc biệt" Lý Quang Diệu với các nhà lãnh đạo Trung ương cũng như địa phương Việt Nam mà ông gặp luôn là: Việt Nam cần tiến hành những "cuộc cách mạng" về tư duy quản lý và đào tạo nguồn nhân lực.

Kỳ cuối: “Cố vấn đặc biệt” của Việt Nam
Ông Lý Quang Diệu tham quan mô hình thành phố mới Bình Dương đang được triển khai xây dựng, tháng 4-2009 (Ảnh: TTXVN)

Mỗi lời khuyên đều được ông đúc kết từ thực tiễn của Singapore, Mỹ, Anh, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, bài học từ những thành công và những sai lầm phải trả giá: “Thế giới đang thay đổi là thách thức lớn nhất. Nếu tự mãn với những gì đã có được, chúng ta sẽ nhanh chóng bị tụt hậu và bị vượt qua. Việt Nam cần luôn luôn thay đổi, cập nhật theo tình hình mới, có chính sách nhất quán theo một tầm nhìn lớn và bắt tay biến tầm nhìn lớn thành hiện thực”.

Trong cuộc gặp với Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết hồi tháng 1-2007, ông Lý Quang Diệu đã đưa ra nhiều ý tưởng về giáo dục cho Việt Nam. Theo ông, “nếu thắng trong cuộc đua giáo dục, sẽ thắng trong phát triển kinh tế. Luôn giáo dục để thừa chứ không phải để thiếu. Nếu tính toán đào tạo đủ, chúng ta sẽ không thể cung cấp đủ nhu cầu của thị trường”.

Ông từng khuyên Việt Nam nên đưa vào sử dụng trong nhà trường sách giáo khoa tiếng Anh trong một số môn quan trọng song song với sách tiếng Việt: “Các trường đại học của Việt Nam nên có sách giáo khoa tiếng Anh ở các ngành quan trọng như kỹ thuật, công nghệ... bởi nếu chỉ dùng sách Việt Nam thì chắc chắn sẽ tụt hậu. Nếu tất cả sinh viên Việt Nam sau này không thể nghe và nói tiếng Anh trôi chảy, chỉ có thể đọc thôi cũng đã là tụt hậu. Singapore đã kiên trì với việc sử dụng tiếng Anh trong trường học, công sở nên có được phần thưởng ngoài mức dự kiến”. Phần thưởng đó, theo ông, chính là khả năng hội nhập và học hỏi khi các hoạt động giao lưu, buôn bán quốc tế đều dùng tiếng Anh, dù đó là ở Nhật Bản hay Hàn Quốc.

Tại một cuộc tiếp xúc với các chuyên gia cao cấp của Việt Nam nhân chuyến thăm năm 2009, ông cho rằng, từ sau khi thực thi chính sách Ðổi mới, Việt Nam đã có một bước tiến dài. Từ thực tế đó, ông cho rằng, Việt Nam đã vận hành khá thành công một nền kinh tế thị trường và bắt đầu gặt hái được những thành quả của nền kinh tế này. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, những thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt không hề nhỏ, trong đó, điều cần phải đặc biệt lưu ý là sự phân hóa thành các nhóm xã hội có mức sống khác nhau. Nếu không chú ý đúng mức việc xử lý vấn đề này có thể sinh ra những hậu quả khó giải quyết về sau.

Đánh giá về các kế sách của ông Lý Quang Diệu, sinh thời, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng chia sẻ, ấn tượng nhất chính là gợi ý khuyến khích Việt Nam tiếp tục đổi mới, mở rộng quan hệ với bên ngoài: “Bây giờ chúng ta đã thực hiện được điều đó và ông Lý bày tỏ sự hài lòng của mình. Ông cho biết luôn trông đợi được thấy Việt Nam thay đổi như những gì ông chứng kiến trong chuyến thăm lần này. Phải nói rằng, ông Lý Quang Diệu luôn luôn dành sự quan tâm đối với Việt Nam”.

Trong các chuyến thăm Việt Nam, chủ đề xuyên suốt của ông Lý Quang Diệu luôn là kinh tế, từ vĩ mô như kinh tế thị trường, các hình thái sở hữu doanh nghiệp, các ngành mũi nhọn và kinh tế vùng, cho đến những vướng mắc trong thủ tục đầu tư, triển khai các dự án, trao đổi tiền tệ... mà doanh nghiệp Singapore và các nước đầu tư ở Việt Nam phản ảnh với ông qua nhiều kênh. Cũng vì lẽ đó mà các khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP), một trong những dấu mốc về thành tựu hợp tác kinh tế giữa hai nước do chính ông và các nhà lãnh đạo hai bên vun đắp, là điểm đến thường xuyên.
 
Ông ghi nhận rằng, các vướng mắc mà ông trao đổi đã được tháo gỡ, phong cách làm việc của các lãnh đạo và ban, ngành Trung ương của Việt Nam cũng ngày càng chuyên nghiệp hơn, trong khi bộ mặt kinh tế, xã hội quốc gia ngày càng chuyển biến tích cực. “Nếu các nhà đầu tư hài lòng, các bạn sẽ thịnh vượng. Nên làm việc với họ và học thật nhanh vào”, ông đưa ra lời khuyên khi thăm VSIP Bình Dương năm 2007.

"Đối thủ" của Singapore

Theo ông Lý Quang Diệu, Việt Nam đang ở trong giai đoạn quan trọng trong tiến trình phát triển. Do đó, “Việt Nam không nên ngồi một chỗ mà cần đội ngũ lao động trẻ, năng động, nhiệt huyết thúc đẩy quá trình phát triển để tăng trưởng mạnh mẽ hơn”. Ông cũng là người đặt trọn niềm tin và sự đánh giá cao vào thế hệ trẻ Việt Nam.
 
Trong hồi ký "One Man's View of the World" (tạm dịch: "Cái nhìn của một con người về thế giới"), ông đã không tiếc lời khen ngợi: “Người Việt Nam là một trong những dân tộc nghị lực và có khả năng nhất Đông Nam Á. Sinh viên của họ đến Singapore theo diện học bổng ASEAN rất nghiêm túc với việc học hành và thường có điểm số cao nhất”.

Ông Lý Quang Diệu đã nhiều lần nói riêng với cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt rằng, Việt Nam mới là “đối thủ” kinh tế mà Singapore rất e ngại. Ông từng cho rằng, nếu có vị trí số một ở Đông Nam Á thì đó phải là Việt Nam mới xứng đáng. Bởi so sánh về địa chính trị, tài nguyên, con người thì Việt Nam không thể xếp sau nước nào trong khu vực. “Tài năng của người Việt Nam trong việc sử dụng và cải tiến các khí tài của Liên Xô trong thời kỳ chiến tranh và tài năng của người Việt hiện sống ở Mỹ và Pháp nhắc nhở chúng ta về những phẩm chất tuyệt vời của dân tộc này”, ông viết trong hồi ký "Bí quyết hóa rồng".

Và cũng không chỉ một lần, ông tin “Việt Nam sẽ thắng”, Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh như: Singapore, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Australia, hay New Zealand.
 
“Giống như với Trung Quốc, bây giờ, chúng tôi giúp các bạn, nhưng 30, 40 năm nữa, có thể chính Singapore sẽ phải học tập Việt Nam, Trung Quốc. Singapore có một người xuất sắc thì Việt Nam, Trung Quốc có hàng trăm, hàng nghìn người xuất sắc. Làm sao Singapore với 4 triệu dân có thể cạnh tranh được với Việt Nam 85 triệu dân, chỉ là Singapore đang có lợi thế mà thôi”, ông chia sẻ trong chuyến thăm Việt Nam đầu năm 2007.

Trò chuyện với cây bút Seth Mydan của tờ New York Times hồi tháng 9-2010, ông Lý Quang Diệu cho rằng trong bất cứ trường hợp nào, phán xét cuối cùng về công trạng của ông không phải do các bài viết hay ký giả hiện nay đưa ra mà nó thuộc về các học giả tương lai, những người sẽ nghiên cứu trong bối cảnh thời đại của họ.
 
Ông cũng dẫn ra một câu ngạn ngữ Trung Quốc có đại ý là “đừng đánh giá một người trước khi quan tài người đó đóng lại”. “Hãy đóng quan tài rồi quyết định. Sau đó bạn phán xét người ta. Tôi có thể vẫn làm điều gì đó dại dột trước khi nắp quan tài của tôi được đóng lại”, ông nói.
 
Khi chiêm nghiệm về tuổi tác, những đau thương và mất mát, ông từng hỏi phóng viên New York Times: “Khi nào chiếc lá cuối cùng lìa cành?” Chiếc lá giờ đây đã lìa cành nhưng chắc chắn rằng, vẫn còn đó một Lý Quang Diệu mãi gắn liền với Singapore, một Singapore mãi gắn liền với tên tuổi Lý Quang Diệu.
 
Theo Hoàng Vũ
Quân đội Nhân dân