1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Cuộc chiến gián điệp tại miền đông Ukraine:

Kỳ 1: Mặt trận thứ ba - Nga chiếm ưu thế

Hai tháng sau khi Kiev và lực lượng ly khai miền đông nhất trí về một lệnh ngừng bắn, cuộc xung đột tại Ukraine vẫn tiếp tục âm ỉ và sẵn sàng bùng phát. Đó là cuộc chiến của súng ống và rốckét trên chiến trường, cũng là cuộc chiến của những cảnh báo và lệnh trừng phạt trên bàn đàm phán. Nhưng trên mặt trận thứ ba còn một cuộc chiến ngầm - cuộc chiến gián điệp - và các bên đã chuẩn bị như thế nào cho cuộc chiến này?

Một đơn vị xe tăng của lực lượng ly khai ở Lugansk, miền đông Ukraine (ảnh: AFP/TTXVN)
Một đơn vị xe tăng của lực lượng ly khai ở Lugansk, miền đông Ukraine (ảnh: AFP/TTXVN)
 
Với giới lãnh đạo mới ở Kiev, vốn đang phải vật lộn để bình ổn đất nước, việc có được thông tin chính xác và tin cậy về lực lượng ly khai ở miền đông là vấn đề then chốt. Nhưng việc có được thông tin tình báo về mục tiêu, ý định, khả năng của lực lượng này, là điều gần như không thể. Mỗi khi muốn đáp trả các động thái quân sự và chính trị của phe ly khai, Kiev dường như không biết liệu đâu là hành động nghiêm túc, đâu là động tác giả. Thậm chí số lượng quân ly khai và vũ khí của họ cũng chỉ là những… ước lượng.

Trái lại, các thông tin về năng lực tình báo của Ukraine, như hệ thống thông tin liên lạc, cơ cấu chỉ huy, những nguồn cung cấp vũ khí, lại được phía đối phương nắm rõ. Và phe ly khai đang sử dụng những lợi thế này để làm thay đổi cuộc chơi theo hướng có lợi cho mình.

Để đảo ngược ván cờ, Kiev không chỉ phải khởi động các nỗ lực tình báo và phản tình báo mà còn phải cải tổ căn bản bộ máy an ninh của mình. Dựa vào sự trợ giúp của Phương Tây sẽ là không hữu ích vì Phương Tây cũng thiếu các nguồn đáng tin cậy ở miền đông Ukraine.

Nếu Phương Tây và Ukraine định lao vào cuộc chiến tình báo với Nga thì đây sẽ là một sai lầm. Thứ nhất, đơn giản vì với Ukraine, quốc gia vốn nằm trong khu vực ảnh hưởng truyền thống, Nga đã có sự chuẩn bị sớm hơn so với Phương Tây. Kế thừa hoạt động của KGB huyền thoại, Cơ quan An ninh liên bang Nga (FSB) có nhiều cách để bảo vệ lợi ích của Nga ở Ukraine.

Họ có khả năng kết hợp các tác động tình báo với quân sự, kinh tế, tuyên truyền... Tổng tham mưu trưởng các Lực lượng vũ trang Nga, Tướng Valery Gerasimov hồi năm ngoài nhấn mạnh “các công cụ phi quân sự” đã trở nên rất cần thiết và đôi khi còn quan trọng hơn hỏa lực truyền thống.

Một điều quan trọng thứ hai là các cơ quan tình báo Nga đã có nhiều thập kỷ được thoải mái tác nghiệp tại Ukraine - một sự hiện diện vốn có từ thời Liên Xô, giai đoạn mà hệ thống an ninh Ukraine chỉ là một nhánh của KGB.

Đến thời kỳ sau này, theo thỏa thuận an ninh song phương Nga-Ukraine, nhân viên của FSB đã từng giúp Kiev huấn luyện cho nhiều đơn vị an ninh, tình báo của Ukraine. Vậy nên, theo báo chí Phương Tây, dù quan hệ giữa hai nước đang khủng hoảng, các đặc vụ của FSB, GRU (Tình báo quân đội) vẫn hiện diện trong nhiều đơn vị quân đội của Ukraine.

Ba là, Nga có lợi thế trong việc duy trì một lực lượng an ninh đáng kể trên thực địa, cả công khai và dưới các vỏ bọc khác nhau, gần biên giới với Ukraine. Họ dễ dàng tận dụng những dòng người đi lại giữa hai nước để tìm kiếm thông tin cần thiết. Việc thu thập thông tin từ người dân có thể lấy được những thông tin rất giá trị về hoạt động của chính quyền Kiev, vị trí đóng quân và chiến thuật mà Kiev sử dụng.

Trinh sát điện tử cũng là một thế mạnh của các cơ quan an ninh Nga, do vậy, nếu cần việc xác định vị trí của các đơn vị quân đội Ukraine ngay bên kia biên giới cũng không phải là vấn đề khó.

Ngoài ra, Cơ quan tình báo đối ngoại Nga và Bộ Nội vụ cũng được cho là có mạng lưới hoạt động khá rộng tại nhiều quốc gia, trong đó có Ukraine. Đặc biệt, mối liên hệ từ lâu của Bộ Nội vụ Nga với Bộ Nội vụ Ukraine trước đây cho phép cơ quan này dễ dàng xác định được những đối tác bên phía Ukraine mà FSB có thể tuyển mộ được.

Như vậy, trong cuộc chiến ngầm của Phương Tây với Nga tại Ukraine, Moskva đã có được lợi thế ban đầu ngay từ khi cuộc xung đột bùng phát. Hơn nữa, năng lực tình báo, cùng với kinh nghiệm hoạt động lâu năm của tình báo Nga cho phép Moskva có được nhiều lựa chọn, dễ dàng thay đổi chiến lược, mục tiêu theo từng tuần.

Mới đây, tờ Times của Anh đưa tin cơ quan tình báo Anh đang công khai tuyển mộ các nhân viên biết tiếng Nga và tiếng Trung. Tờ báo cho hay trước đây, Cơ quan Tình báo Anh (MI5, MI6) và Tổng cục Thông tin Chính phủ (GCHQ) thường thuê các nhân viên tình báo biết tiếng Arab, Ba Tư và tiếng Urdu (ngôn ngữ được sử dụng tại Pakistan, Ấn Độ…) để đối phó với những đe dọa khủng bố đến từ Trung Đông và châu Á. Hiện nay, các cơ quan này lại đặt trọng tâm vào các hoạt động gián điệp đến từ Moskva và Bắc Kinh.

(Kỳ cuối: Thế khó của Ukraine và Phương Tây)

Theo Thái Nguyễn