1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Kissinger: Không thể chiến thắng bằng quân sự tại Iraq

(Dân trí) - Trong một buổi trả lời phỏng vấn phát sóng gày 19/11, cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger, người có mối quan hệ thân thiết với Tổng thống Bush, cho rằng Mỹ không thể chiến thắng tại Iraq bằng quân sự.

Trong con mắt của Henry Kissinger, tương lai của Iraq khá mù mờ và ảm đạm. Ông cũng đề xuất chính phủ Mỹ cần phải đối thoại với các quốc gia láng giềng của Iraq, bao gồm cả Iran, nếu điều đó có thể giúp đạt được tiến bộ trong khu vực.

Xuất hiện trên đài BBC hôm qua, cựu Ngoại trưởng Mỹ dưới thời Nixon nói: “Chiến thắng quân sự có nghĩa là một chính phủ Iraq phải được thành lập và lãnh đạo đất nước, kiểm soát nội chiến và bạo lực bè phái. Cùng lúc đó, chính phủ cũng phải đảm bảo nền chính trị dân chủ. Tôi không tin những điều này có thể thực hiện được”.

Tuy nhiên, cựu Ngoại trưởng cho rằng Tổng thống Mỹ không nên rút quân nhanh chóng khỏi Iraq vì điều này có thể làm mất ổn định tình hình trong khu vực và gây ra xung đột kéo dài.

 

Ông Kissinger nói thêm: “Sự xụp đổ ghê gớm tại Iraq có thể gây ra những hệ quả thảm khốc mà chúng ta phải trả giá trong nhiều năm và có thể sẽ phải trở lại khu vực, bằng cách này hay cách khác”.

 

Cựu Ngoại trưởng Kissinger, người thường xuyên đóng góp ý kiến cho Nhóm nghiên cứu Iraq do cựu Ngoại trưởng James Baker III điều hành, đã kêu gọi một buổi hội thảo quốc tế với sự tham dự của các thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, các quốc gia láng giềng của Iraq, trong đó có Iran, Ấn Độ, Pakistan, nhằm tìm ra một giải pháp cho toàn khu vực.

 

Ông Kissinger tỏ ra nghi ngờ: “Tôi nghĩ chúng ta phải định nghĩa lại đường lối, nhưng tôi không nghĩ chúng ta phải lựa chọn giữa chiến thắng quân sự và rút quân toàn phần”.

 

Trong khi đó, tờ Bưu điện Washington hôm nay đưa tin, một nhóm các quan chức của Lầu Năm Góc đã thảo ra 3 phương án nhằm cải thiện tình hình Iraq hiện nay. Ba sự lựa chọn bao gồm: Rút quân, phát triển quân hoặc giảm lực lượng quân đội nhưng kéo dài thời gian ở lại Iraq.

 

Tướng Peter Pace, chủ tịch Hội đồng tham mưu liên quân cho biết Lầu Năm Góc đang nghiêng về phương án thứ 3 vì hiện Mỹ không đủ lực lượng để mở rộng quân đội tại Iraq, trong khi phương án rút quân nhanh chóng bị phản đối vì có thể đẩy quốc gia vùng Vịnh này ngay lập tức rơi vào một cuộc nội chiến lớn.

 

VTH

Theo AP, Reuters