1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Kinh tế Trung Quốc: Hổ hay mèo?

(Dân trí) - "Cả thế giới choáng váng trước thông tin sức mạnh của nền kinh tế Trung Quốc đã bị thổi phồng 40%. Trên thực tế đây không phải là thông tin đáng quan tâm nhất..."

Bài viết của tác giả Eswar Prasad, giám đốc phụ trách nghiên cứu về Trung Quốc tại Quỹ Tiền Tệ Thế Giới (IMF), đăng trên International Herald Tribune.

Ngân hàng Thế giới đã làm cả thế giới choáng váng sau khi thông báo rằng cách tính toán trước đây đã làm nền kinh tế Trung Quốc và Ấn Độ đã bị phóng đại tới 40% so với thực tế.

Vậy tại sao điều này lại xảy ra đối với những nền kinh tế lớn như vậy, sau chỉ một đêm, những con hổ hùng mạnh đã biến thành những chú mèo nhỏ hiền lành? Điều này có ý nghĩa gì với người dân hai nước này và thế giới nói chung.

Điều này phụ thuộc vào việc bạn muốn tin vào sự thật hay những điều đã được công bố trước đây.

Mấu chốt là ở cách tính cân bằng sức mua (PPP).

Lôgic của vấn đề như sau: khi so sánh thu nhập tại các nơi khác nhau trên thế giới, điều quan trọng là chất lượng cuộc sống do thu nhập đó mang lại.

Điều này phụ thuộc vào giá cả tại địa phương. Ở Mỹ, thu nhập hàng năm 100 nghìn USD có thể mang lại một cuộc sống tốt đẹp tại bang Iowa thế nhưng điều này là không thể tại New York. Tương tự như vậy với các nước khác.

Một cách để so sánh thu nhập giữa các quốc gia là sử dụng một tỷ giá trao đổi nhất định để thể hiện thu nhập của người dân một nước trên một loại ngoại tệ thống nhất là USD.

Tuy nhiên tỷ giá trao đổi bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố và không thể hiện được sức mua thực tế. Lý tưởng nhất là tính giá của một số loại mặt hàng nhất định trong nhiều quốc gia khác nhau, gọi đó là sức mua quốc tế của đồng USD và sau đó điều chỉnh thu nhập theo mức giá cả này.

Rõ ràng đây là một phép tính phức tạp. Người nghiên cứu cần phải tìm hiểu thông tin về một số mặt hàng tại nhiều nước khác nhau, tính toán đến một số sự khác biệt nhất định, điều chỉnh chênh lệch giá. Đây có lẽ là lý do tại sao chỉ số BigMac của The Economist là một chỉ số dùng được, BigMac là một sản phẩm đã được chuẩn hóa trên toàn cầu vì thế mức giá của mặt hàng này phù hợp để so sánh giá cả giữa các quốc gia.

Tuy nhiên chỉ số này vẫn chưa phải là hoàn thiện, BigMac là một mặt hàng thông dụng tại Mỹ thế nhưng lại được coi là xa xỉ tại những nước nghèo. Trong bất kỳ trường hợp nào, chỉ số đó khó có thể theo kịp thay đổi trên thị trường.

Ngân hàng Thế Giới đã hết sức cố gắng xây dựng một hệ thống giá cả quốc tế với độ chính xác tương đối. Tuy nhiên ngay cả hệ thống này cũng có vấn đề. Ví dụ số liệu cho Trung Quốc dựa trên cuộc khảo sát tại khoảng 11 thành phố. Giá cả tại khu vực nông thôn, nơi 60% dân số Trung Quốc sinh sống lại chỉ là phép suy ra từ kết quả của cuộc khảo sát trên.

Thế nhưng trước khi coi đây là công việc của một sự suy đoán trước hết chúng ta hãy xem xét lại những nhà nghiên cứu đã khó khăn như thế nào để tìm hiểu được giá cả của 1000 loại mặt hàng tại 146 quốc gia. Ít ra kết quả đó cũng xác thực hơn các kết quả đã được đưa vào nhiều phép tính toán trước đó.

Nhiều người suy nghĩ về khả năng liệu Trung Quốc có cố tình giữ tỷ giá trao đổi để hạ giá đồng Nhân dân tệ và làm cho hàng xuất khẩu của Trung Quốc trên toàn thế giới rẻ. Số liệu mới này cho thấy Trung Quốc không định giá thấp đồng Nhân dân tệ như nhiều chuyên gia vẫn tưởng.

Các số liệu quan trọng như vậy cần phải được xem xét và chỉnh sửa thường xuyên. Ngày cả Mỹ cũng xem xét lại sản lượng và dữ liệu giá cả hàng năm. Hai năm trước đây, Trung Quốc đã xem xét lại GDP tại mức 17% dựa trên ước tính về sản phẩm của lĩnh vực dịch vụ

Thu thập số liệu quốc gia là một công việc khó khăn, và ngay cả những số liệu này ngay khi được thu thập cẩn thận nhất vẫn không thể tránh khỏi lỗi, thậm chí tại các quốc gia phát triển. Sự cập nhật mới thường xuyên về mặt số liệu là cần thiết. Tuy nhiên sự chỉnh sửa này không có nghĩa là ngay lập tức tạo ra một sự thay đổi lớn tầm thế giới.

Và ngay cả khi xem xét số liệu này một cách cẩn thận, không có nghĩa là ngay lập tức nó tạo ra một sự thay đổi. Hai nước này vẫn đang phát triển nhanh chóng, tiêu thụ nhiều năng lượng và vẫn gây ra ô nhiễm nhiều như trước.
 
Năm 2007, Trung Quốc vẫn có thặng dư thương mại lớn, giá trị xuất khẩu cao hơn khoảng 250 tỷ USD hàng hóa so với giá trị hàng hóa nhập khẩu. Trung Quốc và Ấn Độ hiện nay đang giữ khoảng 2 nghìn tỷ USD dự trữ ngoại tệ.

Chỉ có một điều thay đổi đó là Trung Quốc sẽ sớm đứng đầu thế giới nếu giữ được tốc độ tăng trưởng 10%/năm. Và Trung Quốc và Ấn Độ vẫn sẽ là hai quốc gia đẩy kinh tế thế giới phát triển trong khi kinh tế Mỹ ngày càng gặp nhiều khó khăn. Chỉ những ai quá tin vào số liệu đã bị thổi phồng trước đây mới bị choáng bởi con số mới được công bố này.

Kết luận, dù kết quả tính toán thay đổi, sự thật Trung Quốc và Ấn Độ vẫn là hai nền kinh tế rất mạnh và đóng vai trò hết sức quan trọng đẩy kinh tế toàn cầu phát triển.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm