1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Trung Quốc không mạnh như người ta tưởng

Theo Ngân hàng Thế giới, các tính toán trước đây về kinh tế Trung Quốc đã phóng đại sức mạnh của kinh tế nước này khoảng 40%.

Một bản báo cáo mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết kinh tế Trung Quốc trên thực tế không hùng mạnh như thế giới kỳ vọng.

 

WB công bố kết quả này sau khi họ cập nhật các phương thức vẫn thường được sử dụng để tính toán tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

 

Ngoài ra WB cũng tuyên bố Trung Quốc sẽ không thể là nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2012 như dự đoán trước đây. Trên thực tế Trung Quốc nghèo hơn tính toán từ trước đến nay của các chuyên gia và tổ chức.

 

WB nhấn mạnh điều này sẽ ảnh hưởng nhiều tới viện trợ và kế hoạch đầu tư trong tương lai. Trung Quốc được hỗ trợ rất nhiều từ các tổ chức quốc tế và mới đây đã yêu cầu giúp đỡ trong các cuộc đối thoại về thay đổi khí hậu bởi nước này hiện vẫn đang là một nước đang phát triển.

 

Số liệu mới về kinh tế Trung Quốc

 

Theo nghiên cứu mới của WB, kinh tế Trung Quốc hiện nay có trị giá khoảng 5,33 nghìn tỷ USD (2,64 nghìn tỷ bảng) Mặc dù quy mô của nền kinh tế có giảm đi so với các tính toán trước đây, kinh tế Trung Quốc vẫn duy trì vị thế nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới.

 

Kinh tế Mỹ với trị giá 12 nghìn tỷ USD là nền kinh tế đứng đầu thế giới.

 

Phương pháp tính toán mà WB sử dụng là tính “ngang bằng sức mua” và điều chỉnh sự chênh lệch về giá cả. Trên thực tế giá cả tại Trung Quốc thấp hơn giá cả tại các nước phương Tây.

 

Cũng theo các số liệu thu được, thu nhập bình quân đầu người tại Trung Quốc chỉ bằng 1/10 tại Mỹ. Thu nhập bình quân đầu người tại Trung Quốc là 4.091 USD trong khi tại Mỹ con số này là 41.000 USD.

 

Tính theo tỷ giá hối đoái hiện tại, nền kinh tế Trung Quốc chỉ có trị giá bằng một nửa, 2,24 nghìn tỷ USD.

 

Trong những năm trước đây, các nhà kinh tế học đã cố gắng điều chỉnh số liệu để phù hợp với giá cả tại các nước đang phát triển. Tại các nước này giá cả thấp hơn rất nhiều so với các nước phát triển.

 

Tuy nhiên theo WB, nhiều số liệu giá cả không có tính cập nhật và vì thế bóp méo thông tin về tổng sản phẩm quốc nội.

 

Lần này WB đã cập nhật những thống kê về giá cả mới nhất để đưa ra kết quả chính xác hơn.

 

Vị thế toàn cầu thay đổi

 

Trong bản báo cáo này, ngân hàng thế giới công bố rằng tổng sản phẩm quốc nội của 5 nước: Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức và Ấn Độ bằng một nửa tổng sản phẩm quốc nội của cả thế giới.

 

Tuy nhiên những nơi có mức sống đắt đỏ nhất thế giới là Iceland, Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy và Ireland.

 

Tại châu Phi, những nền kinh tế chủ chốt của khu vực là Nam Phi, Ai Cập, Nigeria, Morocco và Sudan. Tổng sản phẩm quốc nội của 5 nước này chiếm 2/3 tổng sản phẩm quốc nội toàn châu lục.

 

Theo Ngọc Diệp

  CafeF.vn /BBC

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm