1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Kinh tế Trung Quốc có thể lần đầu tăng trưởng âm sau 50 năm vì dịch Covid

(Dân trí) - Sự bùng phát của virus corona đang gây tác động rất mạnh đối với Trung Quốc và có thể khiến nền kinh tế nước này tăng trưởng âm lần đầu tiên kể từ những năm 1970.

Kinh tế Trung Quốc có thể lần đầu tăng trưởng âm sau 50 năm vì dịch Covid - 1

Một người mua hàng mặc đồ bảo hộ kín mít đi siêu thị ở Vũ Hán, Trung Quốc. (Ảnh: Reuters)

 CNN ngày 4/3 dẫn các khảo sát chính thức và tư nhân trong những ngày gần đây cho biết, các hoạt động kinh tế trên khắp các lĩnh vực tại Trung Quốc đã giảm mạnh trong tháng 2, trong bối cảnh các công ty chật vật hoạt động kinh doanh trở lại hoặc tuyển dụng lao động sau kỳ nghỉ lễ kéo dài trong lúc chính phủ ban bố lệnh phong tỏa ở nhiều nơi.

Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đã đón tin xấu, sốc đối với lĩnh vực dịch vụ. Tập đoàn truyền thông Caixin của Trung Quốc cho hay chỉ số quản lý nhà mua hàng của lĩnh vực dịch vụ trong tháng 2 đã rơi xuống mức 26,5, giảm mạnh so với con số 52,8 một tháng trước đó. Đây là mức thấp nhất kể từ khi chỉ số này được khảo sát vào năm 2005. Thấp hơn hơn 50 báo hiệu sự suy thoái, thay vì tăng trưởng.

Số liệu trên, chủ yếu từ các doanh nghiệp nhỏ và vừa - tương đối giống với một cuộc khảo sát của chính phủ với chủ yếu các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực dịch vụ được công bố hồi cuối tuần qua. Các nhà máy của Trung Quốc cũng trải qua một tháng tồi tệ kỷ lục trong tháng 2, theo các số liệu của chính phủ và Caixin, trong bối cảnh các công ty đối mặt với việc đóng cửa kéo dài nhằm kiểm soát virus, hoặc vật lộn để tìm kiếm lao động do các lệnh cấm đi lại.

“Sự bùng phát của dịch bệnh khiến chính phủ rơi vào tình huống khó khăn”, Raymond Yeung, nhà kinh tế trưởng chuyên về các vấn đề Trung Quốc tại ngân hàng ANZ, nhận định. “Một mặt, chính sách phong tỏa là cách hiệu quả nhất để kiểm soát virus lây lan. Mặt khác, các biện pháp y tế đang cản trở các hoạt động kinh tế”.

Bức tranh u ám từ các dữ liệu trên cũng được bổ sung từ các bằng chứng của các công ty lớn. Hãng đồ uống lớn nhất thế giới, ABInBev (BUD), cho biết hãng này đã mất 285 triệu USD doanh thu chỉ trong tháng 1 và 2 tại Trung Quốc, trong khi hãng chế tạo điện thoại iPhone Foxconn (HNHPF) hôm 3/3 cho biết họ không kỳ vọng việc sản xuất trở lại bình thường cho tới cuối tháng 3.

Dịch corona có thể tác động tới tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong quý này. Nhà kinh tế trưởng Larry Hu khu vực Trung Quốc của tập đoàn Macquarie nhận định rằng Trung Quốc có thể rơi vào sự sụt giảm kinh tế lịch sử.

Các số liệu “cho thấy mọi thứ đang thực sự tồi tệ và chính phủ sẵn sàng báo cáo điều đó”, ông Hu viết sau khi các số liệu chính thức được công bố hồi cuối tuần qua, nói thêm rằng tăng trưởng quý I/2020 có thể thấp hơn nhiều so với mức ước tính hiện thời chỉ khoảng 4% (quý IV/2019 là 6%).

“Thậm chí chính phủ có thể báo cáo con số tăng trưởng âm trong quý I, lần đầu tiên kể từ cuối Cách mạng Văn hóa”, ông Hu nói thêm.

Kinh tế Trung Quốc đã sụt giảm 1,6% vào năm 1976. Nhưng kể từ đó, nền kinh tế nước này đã bùng nổ, với mức tăng trưởng trung bình 9,4% kể 1978 đến 2018 sau một loạt các cải cách kinh tế.

Tin xấu về việc làm

Ngoài ra, các số liệu gần đây cũng cho thấy các nỗ lực của Bắc Kinh nhằm gia tăng việc làm trong năm nay đang gặp khó khăn. Ngành dịch vụ chiếm khoảng 360 triệu việc làm, tương đương 46% thị trường lao động, trở thành lĩnh vực chiếm lực lượng lao động lớn nhất tại nước này.

Giới chức chính phủ đã nỗ lực để duy trì tỷ lệ thất nghiệp thấp, lo ngại rằng dịch bệnh có thể tác động tiêu cực. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hồi tháng trước cho biết các quan chức “đang theo dõi chặt chẽ vấn đề việc làm và sẽ cố gắng ngăn chặn các vụ sa thải quy mô lớn”.

Ông Lý Khắc Cường cũng cho hay, việc ổn định việc làm là nhiệm vụ chính của chính phủ và chính phủ đặc biệt chú trọng vào những lao động trẻ mới tốt nghiệp và lao động di cư. Khoảng 290 triệu lao động di cư của Trung Quốc nằm trong nhóm dễ bị thất nghiệp, do họ thường phải di chuyển từ các vùng nông thôn lên thành phố để làm các nghề như xây dựng, chế tạo, các công việc dịch vụ vốn rất khó tìm việc do tình trạng đóng cửa trên diện rộng hồi tháng trước.

Theo chính phủ Trung Quốc, chỉ có khoảng 80 triệu lao động di cư trở lại làm việc tính tới giữa tháng 2.

Trong những ngày gần đây, Bắc Kinh cũng hối thúc các sinh viên đại học tham gia quân đội và yêu cầu tất các trường đại học công mở rộng các chương trình đào tạo nâng cao trong nỗ lực nhằm giảm số lượng người tìm việc làm.

An Bình

Tổng hợp