1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Kinh tế Thái Lan sẽ tiếp tục tăng trưởng dưới triều đại của tân Quốc vương?

Vào lúc 18h30 ngày 1-12, Hoàng Thái tử Maha Vajiralongkorn đã có buổi tiếp kiến một phái đoàn do Nhiếp chính Prem Tinsulanonda dẫn đầu với đại diện của 3 nhánh quyền lực nhà nước là Thủ tướng, Chủ tịch Hội đồng Lập pháp và Chánh án Tòa án Tối cao.

Tại buổi tiếp kiến, Chủ tịch Hội đồng Lập pháp chính thức mời Hoàng thái tử Maha Vajiralongkorn lên ngôi vua và ông đã nhận lời.

Khi chính thức trở thành quốc vương, nhà vua mới có vương hiệu là Quốc vương Maha Vajiralongkorn Badinthorn Theppayawarangkool - và được gọi là Nhà vua Rama X của Vương triều Chakri cai trị Vương quốc Thái Lan dưới thể chế quân chủ lập hiến.

Nhà vua mới của Thái Lan có quyền lực của vị quân chủ để ký ban hành luật, chứng kiến các quan chức tuyên thệ nhậm chức và giữ vai trò nguyên thủ quốc gia của Thái Lan. Nhà vua cũng là người đứng đầu trên danh nghĩa của quân đội, tòa án và chính phủ. Vai trò chính thức đầu tiên của nhà vua mới là chủ trì lễ quốc khánh vào ngày 5-12.

Hoàng thái tử Maha Vajiralongkorn, 64 tuổi, là con trai duy nhất của Vua Bhumibol. Ông được sắc phong làm Hoàng thái tử vào năm 1972 khi mới 20 tuổi. Vua Bhumibol vừa băng hà đã trị vì gần 70 năm, trong thời gian mà Thái Lan từ một nước nông nghiệp trở thành một đầu tàu kinh tế của khu vực Đông Nam Á. Theo các nhà phân tích của trung tâm tư vấn Capital Economics, “vị vua rất được sùng kính này là một hình tượng mang lại sự thống nhất quan trọng đối với đất nước”.

Các chuyên gia lo ngại sự ra đi của ông khiến “các căng thẳng chính trị trước đây trở lại, khiến tăng trưởng bị kìm hãm”. Đây là một điều rất tồi tệ cho vương quốc, vốn đang trải qua một giai đoạn kinh tế khó khăn, tỉ lệ tăng trưởng thấp hơn nhiều so với mức trung bình của toàn khu vực, nếu không nói là đội sổ.

Những dự báo trên là hoàn toàn có cơ sở bởi lẽ ảnh hưởng của vị vua mới đối với lực lượng quân sự nắm quyền nói chung và nhân dân nói riêng sẽ không thể bằng vua cha trước kia. Lực lượng quân sự muốn vị vua mới này tiếp tục giữ vai trò nghi thức. Chính phủ quân sự muốn quốc vương duy trì chế độ quân chủ lập hiến, nhưng không muốn nhà vua can thiệp vào chính trị hay quân sự. Nhưng liệu quốc vương mới có hài lòng với vai trò như vậy?

Một động thái cho thấy Vua Vajiralongkorn sẽ không chấp nhận để giới quân sự thao túng là việc ông yêu cầu chính phủ cho ông thời hạn trước khi lên nối ngôi ngay sau khi vua cha mới băng hà. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, có một điều chắc chắn, đó là lực lượng quân sự đang ở thế lấn át, còn tân vương đang ở thế yếu do vị vua mới không được lòng dân, mà còn do ông sống phần lớn thời gian ở Đức. Hơn nữa, không ai chắc là dân chúng sẽ vui vẻ chấp nhận người mới về sống chung với thái tử, một cựu tiếp viên hàng không, làm hoàng hậu.

Giải pháp có thể giúp cho nền quân chủ Thái Lan giữ được chút ảnh hưởng nào đó và duy trì được vai trò đoàn kết đất nước là để cho Công chúa Sirindhorn, con gái thứ hai của Quốc vương Bhumibol, đại diện cho hoàng tộc trong các buổi lễ của hoàng gia.

Quốc vương Maha Vajiralongkorn Bodindradebayavarangkun.
Quốc vương Maha Vajiralongkorn Bodindradebayavarangkun.

Theo dự đoán của giới quan sát, trong các buổi lễ sắp tới của hoàng tộc, Công chúa Sirindhorn sẽ là người thay mặt cho quốc vương. Công chúa Sirindhorn rất được lòng dân và người dân Thái Lan thấy ở công chúa hình ảnh đáng kính của Quốc vương Bhumibol.

Sắp tới, Quốc vương Rama X sẽ còn nhiều việc phải làm để cải thiện hình ảnh trong mắt người dân Thái Lan và để được dân chúng ủng hộ. Ngoài những tai tiếng về đời tư, vị tân vương của Thái Lan còn tạo cảm giác là ông không gần gũi với dân chúng. Từ khi vua cha Bhumibol băng hà, Thái tử Vajiralongkorn chỉ đọc diễn văn trong các nghi lễ quân sự hoặc hành chính, chứ chưa bao giờ phát biểu trực tiếp với dân chúng, cho dù có lẽ đó là điều duy nhất mà người dân Thái Lan mong chờ.

Nhưng việc lấy được cảm tình của người dân có thể không khó bằng việc quân vương mới phải xử lý thỏa đáng quan hệ quyền lực mà từ nay sẽ khác trước về cơ bản giữa hoàng gia và giới quân sự. Sự thay đổi người đứng đầu mở ra thời kỳ mới đối với chính hoàng gia và quan hệ với giới quân sự, tác động trực tiếp tới hiện tại và tương lai ở Thái Lan.

Trong bối cảnh phân hóa và mất ổn định như lâu nay, đấng quân vương bản lĩnh và quyền uy mới có thể kiềm chế được giới quân sự. Trong năm nay, trước khi nhà vua qua đời, trong lúc chính quyền đặt hy vọng tăng trưởng 3%, Ngân hàng Thế giới đưa ra con số 2%, thấp hơn hẳn so với mức 2,8% năm ngoái. Đầu tư nước ngoài vào Thái Lan năm 2015 cũng giảm đến 90%.

Trong suốt 50 ngày qua, nền kinh tế Thái Lan đã gần như tạm ngừng tăng trưởng do người dân Thái để tang nhà vua. Ngày 13-10, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha thông báo Thái Lan sẽ để tang quốc vương 1 năm và tất cả các lễ hội, hoạt động giải trí sẽ không được tổ chức trong 1 tháng. Chính điều này đã khiến sức mua của nền kinh tế Thái giảm mạnh, làm các doanh nghiệp rất lo ngại.

Du lịch là một trong những ngành bị ảnh hưởng mạnh nhất, trong bối cảnh không khí bạo lực có thể trở lại. Du lịch là “con gà đẻ trứng vàng” của Thái Lan, chiếm tới 10% GDP, và thậm chí tới hơn 20%, nếu tính cả các thu nhập gián tiếp. Năm ngoái, quốc gia 65 triệu dân này đón đến 33 triệu khách du lịch.

Các nhà phân tích của văn phòng tư vấn The Economist Intelligence Unit dự báo kinh tế Thái Lan sẽ chững lại trong một năm. Suy thoái tại Thái Lan có thể ảnh hưởng đến kinh tế Nhật Bản, nhà đầu tư ngoại quốc số một vào nước này, bởi hiện tại có khoảng 4.500 công ty Nhật làm việc tại Thái Lan, với tổng số vốn đầu tư là khoảng 4 tỉ euro năm 2005, theo tổ chức thương mại quốc tế Jetro. Nhật Bản mới đây thông báo sẽ trợ giúp các công ty Nhật đang làm ăn tại Thái Lan, nếu kinh tế Thái Lan rơi vào suy thoái.

Theo các chuyên gia về Thái Lan, thì điểm then chốt trong tương lai chính trị của quốc gia này chính là thế cân bằng trong quan hệ giữa hoàng gia và quân đội, với vai trò trụ cột của vị quốc vương rất được sùng kính. Sự cân bằng nay đã mất đi cùng với việc nhà vua băng hà.

Jeffrey Halley, làm việc cho công ty Oanda, cho rằng để trấn an giới đầu tư, “chính quyền quân sự có thể sẽ triển hạn cầm quyền thêm ít nhất là 1 năm nữa để bảo đảm ổn định chính trị”.

Theo Đan Kô (tổng hợp)

An ninh thế giới