1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Kinh tế ngầm Trung Quốc ở châu Âu: Những góc khuất ở Paris

Nếu kinh tế ngầm Trung Quốc ở Prato là một thì ở Paris - kinh đô ánh sáng của nước Pháp - quy mô gấp 10 lần. Và trong cả 2 trường hợp, di dân Trung Quốc là nạn nhân đáng thương nhất của mafia Trung Quốc

Năm 2004, báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) thuộc Liên Hiệp Quốc đã từng báo động công luận châu Âu chuyện mafia Trung Quốc bóc lột tàn tệ lao động nhập cư trái phép, đặc biệt ở Pháp, Ý và Tây Ban Nha, trong các ngành ăn uống, thời trang và mại dâm. Nền kinh tế ngầm này do mafia Trung Quốc kiểm soát vì chúng nắm được nguồn nhân lực đến từ tỉnh Chiết Giang và các tỉnh vùng Đông Bắc Trung Quốc trong nhiều thập niên qua.

Kiếp nô lệ thế kỷ XXI

Hiểm họa mafia Trung Quốc ở Pháp lớn hơn ở Ý gấp nhiều lần. Đã có nhiều nỗ lực của Pháp và quốc tế ngăn chặn hiểm họa này. Đầu năm 2004, chính phủ Pháp và Trung Quốc đã ký hiệp ước đầu tiên hợp tác chống di dân trái phép và mafia Trung Quốc. Thế nhưng, do sự khác biệt văn hóa, rào cản ngôn ngữ, việc thực hiện hiệp ước này không đạt kết quả như mong muốn. Nói cách khác, tình hình hiện nay vẫn chưa có gì đáng lạc quan. Người lao động chui vẫn sống lầm than kiếp nô lệ thế kỷ XXI, trong khi các “ông trùm” ngày càng giàu sang phú quý.

Một xưởng may lậu của người Hoa ở quận 10, Paris - Pháp Ảnh: LE POINT

Một xưởng may lậu của người Hoa ở quận 10, Paris - Pháp (Ảnh: LE POINT)

Nữ luật gia Gao Yun thuộc ILO nhấn mạnh rằng tại Pháp, các điểm đen tập trung trong ngành may mặc, ăn uống ở Paris và nhiều thành phố lớn. Tình trạng lao động ở những điểm đen này có thể tóm tắt bằng 3 chữ D, theo tiếng Pháp có nghĩa là “nguy hiểm, khổ cực và hèn hạ”. Còn nói theo ngôn từ của dân lao động nhập cư lậu bị vỡ mộng là “Làm như trâu, ăn (tệ) như heo, ở như lũ gà (nhốt trong chuồng)”. Báo cáo của ILO viết: “Đó là một thế giới bí ẩn, một xã hội vô hình, rất khó giải mã nếu không am tường luật lệ của nó”.

Dong Liwen, năm nay 38 tuổi, là một lao động chui (không có giấy tờ hợp lệ) trong cái xã hội vô hình đó. Mỗi năm có từ 40.000 đến 60.000 người Trung Quốc  nhập cư trái phép vào Pháp nhằm biến “giấc mơ châu Âu” thành hiện thực - theo Pierre Picquart, chuyên gia về châu Á, tác giả cuốn “Đế quốc Trung Hoa”. Dong là một trong số đó.

Cuộc hành trình đến thủ đô hoa lệ Paris được Dong kể lại như sau: “Năm 1999, gia đình tôi phải trả cho bọn “đầu rắn” (mafia vận chuyển người trái phép ra nước ngoài) 10.000 USD để tôi sang Paris. Họ đưa tôi tới Hy Lạp bằng máy bay rồi đi xe lửa đến Milan (Ý) và cuối cùng đến Paris. Đến nơi, tôi mới biết hy vọng đổi đời ở một nước tôn trọng nhân quyền chỉ là ảo vọng”.

Năm đầu tiên, Dong làm trong xưởng may 14 giờ/ngày với mức lương 500 euro/tháng. Nghĩa là trung bình chưa tới 1,2 euro/giờ. Đó là nhờ chủ xưởng may là vợ chồng chị ruột của anh, chứ ở chỗ khác, người ta chỉ trả 1 euro/giờ. “Tôi không được ra ngoài, không biết mình ở đâu, không mua sắm được gì. Đa số bọn tôi không biết chút gì về Paris” - Dong nói và cho biết thêm anh không có sự lựa chọn nào khác ngoài kiếp nô lệ kiểu mới này. Bởi ở quê nhà, gia đình bị bọn “đầu rắn” đe dọa đủ điều nếu không trả nợ gốc lẫn lãi (1,5%/tháng) đúng hẹn. Để giữ thể diện, Dong cày cật lực suốt 5 năm mới trả hết món nợ này. So với nhiều đồng hương, Dong may mắn hơn nhiều.

Paris mất 150 triệu euro tiền thuế mỗi năm

Kinh tế ngầm Trung Quốc có muôn hình vạn trạng. Các ông chủ xí nghiệp người Hoa có vô vàn cách để che giấu lực lượng lao động chui. Một xí nghiệp may hay da giày chẳng hạn đăng ký ở phòng thương mại địa phương một ê-kíp thợ có giấy tờ đàng hoàng ban ngày. Nhưng ban đêm cơ số ê-kíp này tăng gấp đôi với lực lượng lao động chui. Bằng cách này, người ta đã phát hiện một “lão bản” (ông chủ) kiếm được 686.000 euro trong vòng 18 tháng nhưng không đóng một xu thuế nào. Hàng xuất xưởng của y gắn các nhãn hiệu nổi tiếng của Pháp.  Tất cả đều được chuyển lậu về Trung Quốc qua các kênh chuyển tiền như Money2Money ở Ý.

Một cách khác cũng phổ biến không kém trong ngành may mặc: Xí nghiệp A nhận đơn đặt hàng rồi giao cho các cơ sở nhỏ lẻ (bên B) sử dụng lao động chui thực hiện. Khi thanh tra xí nghiệp A, người ta không bao giờ phát hiện được lao động chui. Nữ luật gia Gao Yun từng thấy tận mắt một cơ sở B này ở tỉnh Seine-Saint-Denis, giáp ranh Paris. Đó là một căn phòng rộng 9 m2 với 5 máy may công nghiệp. Năm lao động chui người Hoa (thường là thành viên của một gia đình nhập cư lậu) ăn, ngủ và làm việc tại đây suốt tuần. Có hàng trăm cơ sở may gia đình như vậy ở các vùng lân cận Paris nằm lẫn trong các khu lao động người Hoa.

Nền kinh tế ngầm nói trên không ngừng lớn mạnh là nhờ đâu? Một báo cáo nội bộ của Bộ Nội vụ Pháp nhận định: “Bí mật, khép kín, tự cung tự cấp, đoàn kết và bất bình đẳng là đặc điểm nổi bật của cộng đồng (người Hoa). Nền kinh tế ngầm đã mang lại cho họ vô số lợi ích”. Lợi ích của người Hoa và nhất là của mafia Trung Quốc, nhà đầu tư lớn nhất vào nền kinh tế này. Họ gây bất lợi cho Paris vì hằng năm, chính quyền thành phố thất thu 150 triệu euro tiền thuế.

Hàng Ý, nhãn Pháp

Tại Paris và các thành phố lớn của Pháp, mafia Trung Quốc dùng lao động chui sản xuất hàng tiêu dùng Pháp mang nhãn hiệu nổi tiếng như Louis Vuiton (thời trang và da), Lacoste, Hermes..., chủ yếu là hàng nhái. Và để đáp ứng nhu cầu này của thị trường Pháp ngày càng tăng (17% năm 2013), chúng đặt làm ở Ý rồi đưa trở qua miền Nam nước Pháp. Hải quan Pháp cho biết năm 2013 đã tịch thu 20.000 sản phẩm nhái nhãn hiệu lớn của Pháp. Việc mafia Trung Quốc dùng yếu tố nước ngoài này khiến nhiệm vụ của các nhà điều tra Pháp và Ý trở nên  phức tạp vô cùng. Theo Ủy ban Chống hàng giả Colbert của Pháp, mỗi năm kinh tế ngầm Trung Quốc do mafia Trung Quốc thao túng đã khiến nước này thất thu 6 tỉ euro và mất 30.000 việc làm.

Theo Nguyễn Cao

Người Lao động

Kinh tế ngầm Trung Quốc ở châu Âu: Những góc khuất ở Paris - 2

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm