Những băng tội phạm châu Á làm khuynh đảo thế giới ngầm (Phần 3)
Bên cạnh các hoạt động phạm tội truyền thống, các băng nhóm AOC hiện đang “lấn sân” sang lĩnh vực kinh doanh hợp pháp. Tuy nhiên, trong lĩnh vực này, các băng nhóm này vẫn thường xuyên sử dụng các thủ đoạn như: trốn thuế, hối lộ, đánh bạc và cho vay nặng lãi.
Sử dụng công nghệ hiện đại: Công nghệ hiện đại được ứng dụng rộng rãi trong các ngành ngân hàng, truyền thông và các lĩnh vực điện tử đã và đang gián tiếp cung cấp thêm nhiều công cụ mới giúp các băng nhóm AOC trộm cắp được cả triệu đôla. Chỉ với đơn giản là một cái nhấn chuột, nhiều lần chúng đã đưa một số lượng lớn “tiền bẩn” sang nước ngoài hay thậm chí là sang châu lục khác để “làm sạch”. Hầu như các thủ phạm không gặp khó khăn gì trong thực hiện các giao dịch trái phép này, chúng có thể dễ dàng thay đổi các thông tin cá nhân khi tiến hành giao dịch để tránh bị cơ quan chức năng phát hiện và bắt giữ.
Tham gia vào các hoạt động kinh doanh hợp pháp: Bên cạnh các hoạt động phạm tội truyền thống, các băng nhóm AOC hiện đang “lấn sân” sang lĩnh vực kinh doanh hợp pháp. Tuy nhiên, trong hoạt động kinh doanh hợp pháp, các băng nhóm này vẫn thường xuyên sử dụng các thủ đoạn như: trốn thuế, hối lộ, đánh bạc và cho vay nặng lãi. Sự “lấn sân” của các băng nhóm AOC sang hoạt động kinh doanh hợp pháp có ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều lĩnh vực kinh doanh; đôi khi còn là nguyên nhân làm gia tăng tệ nạn tham nhũng của giới quan chức ở nhiều nước.
Những khó khăn trong công tác đấu tranh với AOC: Khó khăn đầu tiên chính là sự thiếu hiểu biết về nền văn hóa châu Á. Nền văn hóa châu Á có phương thức giao tiếp, ngôn ngữ, các triết lý sống hoàn toàn khác với các nền văn hóa khác và đang gây ra nhiều khó khăn cho các cơ quan hành pháp trong việc tìm hiểu cũng như ngăn chặn loại tội phạm này. Các nhân viên cảnh sát không phải là người châu Á có thể sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc tìm hiểu cơ cấu tổ chức, phương thức hoạt động của các băng nhóm AOC. Không những thế, nhân viên cảnh sát còn gặp phải nhiều vấn đề khác trong quá trình điều tra loại tội phạm này như: khó khăn trong việc nhận dạng tội phạm gốc châu Á bằng tên vì tên của người châu Á có thể được dịch ra rất nhiều nghĩa, ký tự khác nhau trong tiếng Anh. Thứ hai, thiếu diễn đàn hợp tác, chia sẻ thông tin chung.
Hợp tác quốc tế trong đấu tranh chống các băng nhóm AOC hiện nay chủ yếu dựa trên cơ sở từng trường hợp cụ thể. Cho đến bây giờ, vẫn chưa có diễn đàn hợp tác, chia sẻ thông tin thường xuyên hay cơ sở dữ liệu chung để các cơ quan hành pháp trên toàn cầu chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác chống tội phạm có tổ chức. Thứ ba, hệ thống pháp luật quốc tế chưa đồng bộ. Việc điều tra các băng nhóm AOC còn khó khăn hơn vì sự khác biệt giữa hệ thống tư pháp và pháp luật tội phạm quốc tế. Những quốc gia khác nhau có hệ thống pháp luật và cơ quan thi hành pháp luật về tội phạm có tổ chức hoàn toàn khác nhau.
Ví dụ như một số cơ quan hành pháp trên thế giới không có quyền điều tra các vụ phạm tội vượt quá phạm vi quyền hạn cho phép của mình. Một số quốc gia còn có luật chống cung cấp thông tin cho cơ quan hành pháp các quốc gia khác. Hơn thế nữa, có những hành vi bị coi là phạm tội ở nước này nhưng lại được coi là đúng luật ở một số nước khác.
Đặc biệt, các băng nhóm AOC còn lợi dụng những sơ hở này để trốn tránh điều tra và trách nhiệm pháp lý khi phạm các tội mang tính xuyên quốc gia. Một khó khăn rất lớn trong công tác đấu tranh với các băng nhóm AOC chính là bản chất hoạt động xuyên quốc gia và hành vi phạm tội rất tinh vi của chúng. Do đó, một quốc gia đơn lẻ, một biện pháp duy nhất sẽ không thể phát huy hết hiệu quả trong ngăn chặn loại tội phạm này. Chính vì thế, các biện pháp này cần phải được phối hợp thực hiện nhuần nhuyễn trên cơ sở tăng cường hợp tác quốc tế giữa các lực lượng thực thi pháp luật trên toàn thế giới, đặc biệt là những nước đang phải chịu ảnh hưởng từ loại tội phạm này.