1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Kinh ngạc chú voi biết "nói" tiếng Hàn

(Dân trí) - Một chú voi châu Á có tên gọi Koshik đã làm kinh ngạc giới khoa học về khả năng phát âm tiếng Hàn Quốc của mình.

 
Koshik luôn cho vòi vào miệng khi phát ra âm thanh giống tiếng Hàn Quốc.

Koshik luôn cho vòi vào miệng khi phát ra âm thanh giống tiếng Hàn Quốc.
 

Các nhà nghiên cứu cho biết chú voi đã học bắt chước tiếng người và có thể nói 5 từ tiếng bằng tiếng Hàn, gồm Xin chào, Không, Ngồi xuống, Nằm xuống và Tốt.

 

Giới chức vườn thú đã đặt đầu vòi voi vào miệng để chuyển âm thanh thấp tự nhiên của chú voi thành tiếng người đầy thuyết phục.

 

Nghiên cứu đã được đăng tải trên tạp chí Current Biology (Sinh vật học ngày nay).

 

Khả năng phát âm của Koshik đã khiến voi giờ đây gia nhập danh sách dài loài vật có thể bắt chước tiếng người, từ vẹt, đến những loài động vật như sư tử biển hay gần đây nhất là trường hợp biết bắt chước tiếng người của một con cá voi.

 

Giao tiếp có nghĩa?

 

Trưởng nhóm nghiên cứu, Tiến sỹ Angela Stoeger, đại học Vienna, Áo, cho biết lần đầu tiên bà tình cờ biết Koshik sau khi các đoạn video về chú voi ở vườn thú Everland, Hàn Quốc này được đăng tải lên trang chia sẻ hình ảnh YouTube.

 

Sau khi liên hệ với vườn thú, bà đã tới Hàn Quốc để ghi lại tiếng của chú voi nhằm nghiên cứu về tài năng phát âm khác thường của nó.

 

Tiến sỹ Stoeger cho biết: “Chúng tôi đã yêu cầu những người bản địa Hàn Quốc, người chưa từng tiếp xúc với con voi trước đây, viết lại những gì họ hiểu khi chúng tôi bật lại băng ghi âm của Koshik”.

 

“Chúng tôi thấy họ cho ra kết quả khá giống nhau về nghĩa nói chung”.

 

Tiến sỹ Stoeger và đồng nghiệp nhận thấy tiếng của Koshik tương đương với 5 từ tiếng Hàn là xin chào, ngồi xuống, không, nằm xuống và tốt.

 

Thông thường voi phát ra âm thanh sâu hơn, và đôi khi là tần số thấp, ngoài ngưỡng nghe của con người và các âm thanh này âm vang xa tới nhiều km.

 

Vì vậy để có thể phát âm ra “tiếng Hàn”, Koshik cần phải cho vòi vào miệng để giúp tạo tiếng giống người. Giới nghiên cứu cho biết điều này chưa từng được thấy trước đó. “Chú voi luôn cho vòi vào miệng mình và sau đó bắt chước tiếng của người quản tượng”, tiến sỹ Stoeger cho hay

 

Nhưng mặc dù âm thanh Koshik phát ra có vẻ thuyết phục song các nhà nghiên cứu tin rằng chú voi không hiểu gì những gì chú “nói” ra.

 

Giới nghiên cứu đánh giá chú voi học nói nhằm xác lập quan hệ với con người. Bởi từ năm 5-12 tuổi, Koshik là chú voi duy nhật tại vườn thú Everland và theo các nhà nghiên cứu, đây là giai đoạn phát triển quan trọng của một con voi.

 

Tiến sỹ Stoeger giải thích: “Con người là mối liên hệ xã hội duy nhất của chú voi và chúng tôi tin Koshik dùng những âm thanh này như là chức năng để củng cố mối quan hệ xã hội với những người bạn đồng hành của chú, mà ở trường hợp này là con người”.

 

Giáo sư Klaus Zuberbuehler tại trường Tâm lý và Khoa học thần kinh, đại học St Andrews, cho rằng đây là phát hiện “khai sáng”. Hiểu được cách động vật bắt chước tiếng người giúp giới khoa học hiểu hơn về ngôn ngữ của con người, hiểu được ngôn ngữ đã phát triển như thế nào.
 

 

Phan Anh

Theo BBC

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm