Kinh hoàng vụ thảm sát tại trường đại học ở Kenya, 147 người chết
(Dân trí) - 147 người đã thiệt mạng trong vụ tấn công của phiến quân al-Shabab nhằm vào một ngôi trường đại học ở đông bắc Kenya ngày 2/4, giới chức chính phủ cho biết.
Các tay súng đội khăn trùm đầu đã tấn công vào trường Cao đẳng Garissa thuộc Đại học Moi ở thị trấn Garissa, đông bắc Kenya, và bắt cóc các sinh viên làm con tin vào sáng ngày 2/4.
Chiến dịch nhằm bảo vệ trường Cao đẳng Garissa thuộc Đại học Moi ở thị trấn Garissa, đông bắc Kenya, giờ đây đã kết thúc và tất cả 4 kẻ tấn công đã bị tiêu diệt, theo giới chức Kenya.
Khoảng 587 sinh viên đã thoát thân, 79 người trong số đó bị thương. 9 sinh viên bị thương nặng đã được chuyển bằng máy bay tới thủ đô Nairobi để điều trị.
Bộ trưởng nội vụ Kenya Joseph Nkaissery cho biết các phiến quân đã cho nổ tung mình "như những quả bom" khi chiến dịch kết thúc. Một số cảnh sát đã bị thương bởi các mảnh đạn.
Hiện chưa rõ là những kẻ tấn công cố tình kích hoạt thuốc nổ khi cảnh sát lại gần, hay thuốc nổ tự động nổ sau khi bị trúng đạn.
Nhóm phiến quân Hồi giáo al-Shabab, một nhánh của mạng lưới khủng bố al-Qaeda, đã tuyên bố nhận trách nhiệm về vụ tấn công.
Lệnh giới nghiêm đang được áp dụng tại một số khu vực của Kenya. Theo giới chức xử lý thảm họa, 4 khu vực gần biên giới với Somalia là Garissa, Wajir, Mandera và sông Tana bị áp đặt lệnh giới nghiêm vào ban đêm.
Vụ tấn công xảy ra như thế nào?
Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã gọi đây là một tấn công khủng bố và cho biết Liên hợp quốc sẵn sàng trợ giúp Kenya ngăn chặn và chiến dấu với khủng bố và chủ nghĩa bạo lực cực đoan.
Mỹ cho biết nước này đang trợ giúp Nairobi chiến đấu với tổ chức phiến quân al-Shabab và sẽ tiếp tục hợp tác với các nước khác trong khu vực để chống lại nhóm này.
Trong khi đó, al-Shabab, đặt thành trì tại Somalia, tuyên bố nhóm này tấn công ngôi trường vì nhóm đang trong cuộc chiến với Kenya.
Các binh sĩ Kenya đã vào Somalia hồi tháng 10/2011 trong một nỗ lực ngăm chặn các phần tử Hồi giáo cực đoan tràn qua biên giới dài giữa hai nước và bắt cóc người dân. Tuy nhiên, sự hiện diện của họ đã gây tác dụng ngược, kích động al-Shabab gia tăng các hoạt động ở Kenya.
An Bình
Theo BBC, AFP