1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Kiến trúc sư "thổi hồn" vào hình ảnh tổng thống Mỹ sau bức tường Nhà Trắng

(Dân trí) - Các nhiếp ảnh gia trong Nhà Trắng được coi là những người góp phần định hình hình ảnh của các tổng thống Mỹ trong mắt công chúng nhờ những bức ảnh họ ghi lại.

Kiến trúc sư thổi hồn vào hình ảnh tổng thống Mỹ sau bức tường Nhà Trắng - 1

John F. Kennedy là Tổng thống Mỹ đầu tiên có nhiếp ảnh gia Nhà Trắng do ông hiểu được sự quan trọng của hình ảnh (Ảnh: Nhà Trắng)

 

Theo CNN, những bức ảnh về các tổng thống Mỹ giúp cho công chúng có những cái nhìn đa dạng hơn về cuộc sống và công việc của những người lãnh đạo đằng sau những bức tường được canh phòng nghiêm ngặt ở Nhà Trắng.

Khi nghĩ về ông John F. Kennedy, dư luận thường nghĩ đến một tổng thống, một người cha tận tụy, vui chơi với con cái tại cánh Tây Nhà Trắng. Nhớ về ông Richard Nixon, người ta sẽ hình dung về một nhà lãnh đạo cứng rắn nhưng vẫn tươi cười bắt tay với siêu sao Elvis Presley tại phòng Bầu Dục.

Với ông Barack Obama, đó là một tổng tư lệnh đầy nghiêm nghị, quan sát vụ tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden từ phòng Tình huống. Hay đó là tổng thống người Mỹ gốc Phi đầu tiên, người cúi đầu xuống cho một bé trai 5 tuổi so sánh kiểu tóc của 2 người.

Có thể nói, các nhiếp ảnh gia Nhà Trắng là những người định hình, bắt những khoảnh khắc đắt giá và đôi khi “thổi hồn” vào hình ảnh trang nghiêm của các tổng thống, mang đến cho công chúng một cái nhìn rất khác về những người làm chính trị.

Vị trí nhiếp ảnh gia Nhà Trắng lần đầu xuất hiện vào thời Tổng thống Kenedy. Thay vào đó, các nhiếp ảnh gia từ quân đội sẽ đảm nhiệm các vị trí nói trên. Theo giới sử học, ông Kenedy đã hiểu được tầm quan trọng của các bức ảnh và đã chọn ông Cecil Stoughton trở thành nhiếp ảnh gia chính thức đầu tiên của Nhà Trắng.

Nhờ những bức ảnh của ông Stoughton, hình ảnh mà gia đình Kenedy trong ấn tượng của công chúng là “thanh lịch, thân thiện”. Mỗi bức ảnh lại có những quy chuẩn khác nhau trong từng hoàn cảnh nhằm đảm bảo khi được công bố đó phải là bức ảnh tốt nhất có thể.

Kiến trúc sư thổi hồn vào hình ảnh tổng thống Mỹ sau bức tường Nhà Trắng - 2

Khoảnh khắc cậu bé 5 tuổi xoa đầu ông Obama đã trở thành một trong những bức ảnh nổi tiếng nhất Nhà Trắng (Ảnh: Nhà Trắng)

 

Sau đó, mỗi tổng thống lại có những chiến lược khác nhau về mặt hình ảnh. Với ông Barack Obama, ông là người không chỉ trau chuốt về mặt hình ảnh, mà thậm chí muốn hình ảnh của ông tới gần hơn với công chúng. Nhiếp ảnh gia Pete Souza là người theo sát ông Obama từ khi ông mới là một Thượng nghị sĩ năm 2005 tới khi đắc cử tổng thống. Trong suốt 2 nhiệm kỳ, cơ quan lưu trữ quốc gia đã lưu lại gần 2 triệu bức ảnh ghi lại các khoảnh khắc trong 8 năm lãnh đạo nước Mỹ của ông Obama.

Chính quyền ông Obama cũng là chính quyền đầu tiên sử dụng trang web riêng cùng với các nền tảng mạng xã hội như Flickr và Instagram để đăng tải hình ảnh liên tục tới công chúng. Trong chính quyền ông Obama, ông Souza cho biết ông có quyền lựa chọn bức ảnh mà ông ưng ý để công bố miễn là nó không có những dữ liệu nhạy cảm. Phó Thư ký báo chí Nhà Trắng dưới thời ông Obama Josh Earnest cho biết họ muốn tận dụng công nghệ để công chúng Mỹ có thể hình dung được tổng thống Mỹ đang làm gì mỗi ngày.

Kiến trúc sư thổi hồn vào hình ảnh tổng thống Mỹ sau bức tường Nhà Trắng - 3

Giây phút ông Obama cùng cấp dưới hồi hộp theo dõi chiến dịch tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden tại phòng Tình huống (Ảnh: Nhà Trắng)

 

Tuy nhiên, dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump, vai trò của nhiếp ảnh gia Nhà Trắng có vẻ khác biệt so với những người tiền nhiệm. Shealah Craighead, người đang nắm vai trò ghi lại những hình ảnh ở Nhà Trắng, có ít quyền hạn hơn người tiền nhiệm Souza, cũng như không có nhiều quyền tiếp cận đối với các hoạt động thường ngày của ông Trump.

Ông Trump có thể là tổng thống gần nhất trong lịch sử Mỹ, tuy nhiên chỉ thông qua các dòng tweet giới hạn ký tự mà ông đăng tải mỗi ngày trên mạng xã hội. Phần lớn hình ảnh chính quyền ông công bố khá chính thống và không thể hiện được nhiều như những phát ngôn của ông. 

trump-1548064651711.jpg

Chính quyền ông Trump không chia sẻ quá rầm rộ về hình ảnh của ông với công chúng. Nhiếp ảnh gia dưới thời ông cũng không có nhiều quyền hạn. (Ảnh: Nhà Trắng)

 

Chính quyền ông Trump có xu hướng đăng tải ít ảnh hơn ông Obama và những bức ảnh thường thiếu vắng đi yếu tố thân thiện, nghiêng về yếu tố chính trị nhiều hơn. Chính vì vậy, công chúng dường như sẽ có ít những hình dung hơn về ông Trump về công việc ông làm thường ngày khi điều hành nước Mỹ.

Theo ông Souza, những “khoảnh khắc bé nhỏ” mà ông ghi lại trong suốt thời gian phục vụ ông Obama có thể phác họa được về con người nhà cựu lãnh đạo một cách chân thật nhất, giúp ông trở thành một trong những tổng thống được yêu thích nhất.

Kiến trúc sư thổi hồn vào hình ảnh tổng thống Mỹ sau bức tường Nhà Trắng - 5

Trong khi đó, ông Obama rất được lòng công chúng với những hình ảnh đời thường vui vẻ (Ảnh: Nhà Trắng)

Kiến trúc sư thổi hồn vào hình ảnh tổng thống Mỹ sau bức tường Nhà Trắng - 6

Khoảnh khắc vui nhộn khi ông bị một siêu anh hùng nhí "tấn công" (Ảnh: Nhà Trắng)

Kiến trúc sư thổi hồn vào hình ảnh tổng thống Mỹ sau bức tường Nhà Trắng - 7

Những khoảnh khắc thân mật của ông Obama và phu nhân rất được yêu thích (Ảnh: Nhà Trắng)

Đức Hoàng

Tổng hợp